Cụm từ "thông tin gây choáng váng" đã được một thầy giáo dạy môn phụ dùng để nói lên tâm trạng của những người chỉ sống bằng lương, không bổng, không lộc và cũng không có thời gian, điều kiện để làm thêm. "Công chức, viên chức các cơ quan, ban ngành khác tôi chẳng biết sao, chứ giáo viên dạy môn phụ như tôi chỉ sống bằng đồng lương của Nhà nước nên thật sự lo lắng. Chất lượng giáo dục lúc nào cũng đòi tăng lên. Rồi cải tiến phương pháp dạy học, thanh tra, kiểm tra, thao giảng dự giờ liên tục khiến chúng tôi chẳng còn thời gian ra ngoài làm thêm kiếm sống. Lương không đủ no bụng và nuôi sống gia đình nên năm nay đã 33 tuổi mà tôi chưa dám có con" - thầy giáo Phan Nguyễn Ðình Nhân tâm sự.
Nhiều bạn đọc khác cũng là giáo viên đã tỏ ý lo lắng đồng lương không đủ sống sẽ không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Bạn đọc có địa chỉ email quynhtrangle2008@... kể: "Tôi là giáo viên trung học phổ thông. Có lần tôi đi chợ hỏi giá để mua một ít thịt, nghe người bán hàng nói giá tôi thốt lên "cao quá". Biết tôi là giáo viên, bà bán thịt heo bảo: Giáo viên thì lương cao thiếu gì tiền hả cháu. Tôi bật cười và đáp lại: Cháu công tác đã sáu năm rồi nhưng lương chỉ mới 2,6 triệu đồng thôi bác ạ. Bà chủ sạp thịt trợn tròn mắt tưởng tôi nói đùa nhưng đó là sự thật!".
Nói về việc Chính phủ không bố trí nguồn để điều chỉnh tăng lương tối thiểu vào năm 2013, bạn đọc daphuoc@... nhắc lại định nghĩa lương tối thiểu là mức lương phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người lao động để họ tái tạo sức lao động và đặt vấn đề: với lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng như hiện nay có đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu chưa? "Tại sao khi thu ngân sách tài chính không đủ thì chỉ nghĩ ngay đến việc không điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình? Với việc làm này thì quá dễ ai cũng có thể làm được. Khi nói đến thắt lưng buộc bụng thì phải nói ngay Nhà nước phải giảm trước, phải kiểm soát chặt chẽ tránh thất thoát lãng phí chi tiêu công, chống tham nhũng, tiết kiệm chi phí hành chính, không sử dụng quỹ công tùy tiện, mua sắm công, tránh lễ hội đình đám..." - bạn đọc daphuoc@... đề nghị.
Nhiều bạn đọc cho rằng với đội ngũ cồng kềnh và làm việc không hiệu quả như hiện nay thì bài toán tăng lương là nan giải. Bạn đọc có địa chỉ email khaltt@... viết: "Khi chưa giải quyết bài toán tinh gọn và chất lượng công chức thì ngân sách sẽ không kham nổi việc tăng lương. Và nếu có tăng cũng không được bao nhiêu rồi nhanh chóng trở lại xuất phát: "không sống nổi bằng lương" - phải tìm cách để sống - hiệu quả công việc kém - giá trị thu về thấp - đất nước nghèo - không thể tăng lương để đủ sống". Bạn đọc khaltt@... đặt câu hỏi: "Chúng ta lặp lại cái vòng luẩn quẩn này đến bao giờ?".
Tuần qua, trong tổng số 2.195 email bạn đọc phản hồi các tin bài của Tuổi Trẻ, có 192 ý kiến tham gia bình luận về việc không điều chỉnh tăng lương tối thiểu.
Ông Trần Ngọc Vinh (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Tập trung tạo nguồn để tăng lương Từ nhiều năm qua mặt bằng lương tối thiểu thấp, ảnh hưởng đến đời sống của người hưởng lương, người nghỉ hưu, người có công và chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ. Nay nếu không điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo lộ trình thì đồng lương sẽ càng eo hẹp và mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, tôi cho rằng Chính phủ nên tính toán, rà soát lại, thực hiện tiết kiệm tối đa theo hướng cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa những khoản chi chưa thật sự cần thiết, tập trung tạo nguồn để tăng lương theo lộ trình. Về lâu dài, để đảm bảo đúng định hướng phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước; phấn đấu giảm đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; trả lương theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ thì mới có thể giải quyết được vấn đề tiền lương một cách căn cơ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận