03/11/2022 19:18 GMT+7

Thống nhất mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 đến 10 làn xe

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng phương án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 đến 10 làn xe.

Thống nhất mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 đến 10 làn xe - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có 4 làn xe đã trở nên chật chội, lượng xe đã vượt năng lực thông hành của đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong công văn vừa gửi Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị bộ này thống nhất với kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải chủ trì báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy định của Luật đầu tư.

Phạm vi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 21,92km từ km 4 đến km 25+920 (nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Trong đó, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (km 4 đến km 8+770) sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 8+770 đến km 25+920) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe theo quy hoạch.

Khái toán tổng mức đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 14.786 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng). Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ quý 4 năm 2022 đến quý 1 năm 2026.

Nguồn vốn thực hiện dự án sẽ do VEC tự huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương án giao VEC thực hiện nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức huy động vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là phương án mang tính thực tiễn và khả thi nhất.

Bởi vì phương án này không sử dụng vốn đầu tư công, giảm thiểu áp lực đối với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; không tạo xung đột lợi ích khi VEC đang chịu trách nhiệm quản lý khai thác, vận hành, bảo trì và thu phí tuyến cao tốc này.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt cho VEC 1,3 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây .

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 được Chính phủ giao VEC đầu tư 50km. VEC được giao thu phí trong 20 năm để hoàn trả các khoản vay gồm cả một phần vốn vay ODA.

Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được xây dựng với quy mô 4 làn xe, gồm: đoạn An Phú - vành đai 2 (km 0 đến km 4+514) có nền đường rộng 25,5m do UBND TP.HCM đầu tư; đoạn vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây nền đường rộng 27,5m, dài 50km do VEC đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là 20.600 tỉ đồng. Dự án được khởi công ngày 3-10-2009 và hoàn thành ngày 30-6-2016.

Bộ GTVT nói việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không khả thi Bộ GTVT nói việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không khả thi

TTO - Bộ Giao thông vận tải cho rằng phương án dùng 6.164 tỉ đồng ngân sách nhà nước (44,4% tổng mức đầu tư) để mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe là không khả thi.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên