19/05/2015 08:48 GMT+7

Thời nào cũng cần chiến binh...

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Trong hai đêm 15 và 16-5 tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã công diễn vở Chiến binh (tác giả: Chu Lai, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

NSƯT Trọng Phúc (vai Sáu Thành) và NSƯT Quế Trân (vai Út Vân) trong vở Chiến binh - Ảnh: Nguyễn Lộc
NSƯT Trọng Phúc (vai Sáu Thành) và NSƯT Quế Trân (vai Út Vân) trong vở Chiến binh - Ảnh: Nguyễn Lộc

1 Là vở diễn về đề tài cách mạng, vở diễn chính trị, suốt chiều dài toàn vở cũng không có bất cứ mảng miếng hài nào để tạo tiếng cười, nhưng Chiến binh không nặng nề, mệt mỏi. Người xem bị cuốn hút bởi hình ảnh người lính thông minh, quả cảm nhưng bộc trực và có phần gàn bướng.

Sáu Thành (NSƯT Trọng Phúc) giỏi phán đoán thế trận và cũng nổi tiếng vì… giỏi cãi cấp trên! Ðầy kinh nghiệm chiến trường nhưng Sáu Thành thẳng thắn từ chối cơ hội làm lãnh đạo: “Tôi sẽ làm nếu xung quanh không có những thằng chỉ huy kém hơn tôi”.

Chính vì tính cách đó nên biết bao lần lập công nhưng Sáu Thành vẫn bị quy vào thành phần ngạo mạn và vô tổ chức.

Còn Bảy Tân (Lê Tứ) năng lực kém nhưng giỏi nịnh hót, cơ hội và hai mặt, mà theo như Sáu Thành chỉ trích là “chỉ biết giữ gìn địa vị và xem thường xương máu của anh em”.

Hai con người gần như đối lập hoàn toàn nhưng định mệnh đã bắt họ đi cùng nhau từ thời chiến đến thời bình. Trong khi Bảy Tân luồn lách leo lên đến vị trí phó chủ tịch tỉnh thì Sáu Thành cứ mãi lận đận, rồi con người “Trời đánh thánh vật không chết ấy” đã bị đồng đội cũ dùng quyền lực và thủ đoạn để đẩy anh đến vành móng ngựa…

Xem Chiến binh không thấy gượng gạo tô hồng. Mà dễ chịu vì cảm giác rất thật, tình huống thật, lời thoại thật, không lên gân, lý tưởng hóa như cái cách Sáu Thành xổ toẹt vào lý thuyết: “Cuộc chiến này không cần lý thuyết, tất cả phải bắt đầu từ thực tế, thực tiễn”.

Soạn giả Hoàng Song Việt từng tâm sự: “Tôi đồng ý chuyển thể Chiến binh bởi tôi rất thích cái thật trong tác phẩm, không một nhân vật nào được lý tưởng hóa nhưng họ chinh phục người xem bởi tính cách tự nhiên của họ, khí chất toát ra một cách tự nhiên từ họ”.

Khí chất của người chiến binh không phải được tôn vinh bằng những mỹ từ, mà đến từ những hành động cụ thể, từ cách người lính ứng xử như thế nào đối với những vấn đề, những con người trong cuộc chiến.

“Ðã là chiến binh thì thời nào cũng chiến đấu!” là suy nghĩ của NSND Trần Ngọc Giàu khi dàn dựng vở. Như cách mà Sáu Thành lựa chọn để sống, dù trong thời chiến hay thời bình, chiến binh không thể hèn nhát khuất phục, lùi bước trước bất cứ thế lực xấu xa nào.

Nhìn rõ vào sự thật là cách hành xử sòng phẳng nhất đối với hôm nay. Không việc gì phải lý tưởng hóa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, hãy cứ để họ chinh phục hậu thế bằng tinh thần, khí chất của một người lính, người chiến binh một cách chân thật nhất.

Mang tinh thần chiến binh ấy, không chỉ riêng Chiến binh, đang có một số vở diễn trên sàn tập cũng đề cập đến mối quan hệ quan - dân, đến lòng tin, công lý, lẽ phải... như vở Không thể khác (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Nguyên Ðạt, sân khấu Sen Việt), Vòng xoáy nghiệt ngã (tác giả: Bích Ngân, đạo diễn: NSƯT Ðoàn Bá, nhà hát kịch TP.HCM), Bông hồng vàng (tác giả: Trần Kim Khôi, đạo diễn: Phạm Huy Thục, nhà hát Thế Giới Trẻ Trường ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM)…

Nghệ thuật như thế cũng là những chiến binh để cất lên tiếng nói, để nói được tâm tư nguyện vọng của người dân chứ không chỉ bàng quan thế sự, chỉ cười để rồi quên. Biết đâu từ những vở diễn ấy, tinh thần chiến binh sẽ được nhân rộng...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên