30/01/2011 07:21 GMT+7

Thoáng cờ hồng trộm nhớ thầm yêu

TRẦN TRỌNG TÂN (nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương)
TRẦN TRỌNG TÂN (nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương)

TT - Tôi sớm biết được cờ Đảng là nhờ tính tò mò. Vào tuổi lên 10, thấy cha tôi lâu lâu bắc ghế bỏ vào rồi lấy ra từ trên máng xối một cái gì đó, tỏ vẻ rất bí mật. Nhân lúc cha đi vắng, tôi tìm xem thì đó là một mảnh vải đỏ trên đó có hình cái liềm, cái búa chéo nhau màu vàng, lớn bằng quyển tập.

Cha tôi về, bắt gặp la rầy tôi nhưng cũng cho tôi biết đây là cờ của Đảng Cộng sản, theo lá cờ này, dân mình mới thoát được khổ nhục, hết bị áp bức bóc lột, hết bị đối xử bất công, rồi dặn đi dặn lại là không được nói cho ai biết, với vẻ mặt rất nghiêm. Trong tôi lúc đó bắt đầu thấy háo hức mong có dịp làm được một việc gì đó, theo lá cờ này, như cha nói.

Vào lúc ở Trường tiểu học Cam Lộ có cuộc bãi khóa phản đối thầy giáo xử phạt bất công, tôi đã tham gia. Sau đó, năm 1940 tôi bị tên phụ trách mật thám Pháp Vidalenc bắt giam và bị ghi vào acte de moralité (giấy xác nhận hạnh kiểm) là suspect communiste (tình nghi cộng sản). Khi được ông linh mục Adolf Delvaux, người Luxembourg, cha xứ nhà thờ Phước Tuyền, cho mượn cuốn sách Pháp Edification du socialisme (Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội) loại sách A.B.C du marxisme (thường thức về chủ nghĩa Mác), trong đó cho rằng chủ nghĩa xã hội tốt hơn chủ nghĩa tư bản, trong đầu tôi cứ lởn vởn không hiểu thế nào là tình nghi cộng sản, thế nào là chủ nghĩa xã hội, thế nào là chủ nghĩa tư bản.

Cho đến mùa xuân 1945, ở tuổi 19 tôi mới được tuyên truyền về Đảng, được giải thích rõ hơn về lá cờ búa liềm, được hiểu về điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương và đến ngày 10-8-1946, tôi được kết nạp vào Đảng.

Từ đó, tôi mới được giải thích về cộng sản, về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa tư bản. Nghe nói đến xã hội cộng sản là một xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người, ai cũng được tự do vui vẻ sống bằng lao động, lao động với kỹ thuật hiện đại, có năng suất rất cao, đảm bảo cho người dân có mức sống rất cao, người với người thương yêu giúp đỡ nhau, con người chỉ phục tùng một quyền lực duy nhất là lẽ phải. Và đến xã hội cộng sản, con người mới thật sự được làm người. Thế là tôi rất mê, quyết dấn thân phấn đấu, mặc dù biết có được xã hội đó phải 50 năm, 100 năm sau.

Rồi đúng như hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày”.

Tôi đã ba lần bị Pháp bắt, bị Nhật bắt rồi bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn bắt.

Vào Đảng phải giữ cho được lòng trung thành với Đảng, trung thành với nước, với dân.

Giữ lòng trung thành, khó khăn nhất, gian nan nhất là lúc bị lọt vào tay giặc, bị chúng tra tấn, giam cầm, đày ải.

Lúc bị giặc nhốt ở chuồng cọp Côn Đảo, nhìn qua lỗ thông hơi ở cửa sắt, thấy viên giám thị đang ngồi ngâm nga đọc Truyện Kiều, tôi nghĩ đến chữ “trinh” của Thúy Kiều với Kim Trọng, nghĩ đến Tố Như, rồi nghĩ đến chữ “trung” của mình với Đảng, tôi có làm một bài thơ về hai chữ “trung, trinh”, trong đó có đoạn:

“Từ xuân ấy, tim trai rực lửa/ Thoáng cờ hồng, trộm nhớ thầm yêu/ Tình trong trắng tựa tình Kiều/ Vướng duyên Kim Trọng, giữa chiều Thanh minh!” / “Kiều éo le, ba chìm bảy nổi/ Mười lăm năm, ngậm tủi nuốt hờn/ Đến khi gặp lại người thương/ Phải đem cầm sắt đổi sang cầm kỳ” / “Ta có khác, đời tuy bão tố/ Trải chiến binh, cầm cố, xiềng gông/ Nhưng luôn gặp Đảng trong lòng/ Câu thề son sắt vẫn không sai lời” / “Chữ “trung, trinh” ai người suy gẫm/ Khóc Tố Như: lệ đẫm thân Kiều/ Rằng: nơi Côn Đảo, một chiều/ Xót xưa rưng mắt, vui nhiều duyên nay”.

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930), tôi chia sẻ câu chuyện của mình cùng bạn đọc.

TRẦN TRỌNG TÂN (nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên