Thỏa thuận kinh tế sạch có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho các nước tham gia.
Nhiều lợi ích lớn
IPEF được thành lập vào ngày 23-5-2022, đánh dấu sự hợp tác và tham gia đàm phán của 14 nền kinh tế, bao gồm Việt Nam, Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Mỹ, nhằm tạo dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, công bằng, toàn diện, hợp tác mạnh mẽ và hướng tới nền tảng thương mại bền vững.
Theo trang thông tin chính thức của IPEF, Thỏa thuận kinh tế sạch - còn gọi là trụ cột thứ ba của IPEF - tạo điều kiện hợp tác giữa 14 nền kinh tế tham gia đàm phán IPEF trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch như phát triển năng lượng hydrogen, tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, cải thiện hạ tầng điện ngoài khơi phục vụ thương mại điện xuyên biên giới và thúc đẩy giao thông bền vững.
Khi Thái Lan tham gia Thỏa thuận kinh tế sạch vào tháng 6 năm nay, báo Bangkok Post dẫn ra các lợi ích lớn của xứ chùa vàng. Thỏa thuận này chú trọng vào việc xây dựng các nền kinh tế thân thiện với môi trường thông qua năng lượng sạch và công nghệ xanh. Nó cũng nhằm thúc đẩy các nỗ lực thân thiện với khí hậu ở cấp độ khu vực, đồng bộ hóa các thị trường với các chính sách và tiêu chuẩn chung, đồng thời khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có phát thải thấp hoặc không có phát thải.
Trong bối cảnh các thị trường toàn cầu ngày càng tập trung vào việc chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy tính bền vững, sự tham gia của Thái Lan vào IPEF và việc tiếp cận công nghệ năng lượng sạch sẽ giúp nước này duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Thái Lan và Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) thực hiện cho thấy cơ hội lớn cho Thái Lan nếu áp dụng trụ cột thứ ba của IPEF.
Trước hết, sự hỗ trợ của IPEF sẽ giúp Thái Lan chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, với việc tiếp cận rộng rãi hơn đối với năng lượng và công nghệ thân thiện với khí hậu, giảm lượng khí thải nhà kính và cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Sự hợp tác này cũng sẽ giúp Thái Lan nâng cao năng lực phát triển công nghệ sản xuất pin mặt trời và pin, phát hiện và giảm thiểu rò rỉ metan, và phát triển nhiên liệu hydro - nguồn năng lượng chủ chốt trong tương lai.
Tham gia Thỏa thuận kinh tế sạch của IPEF và nhận hỗ trợ công nghệ sạch sẽ giúp Thái Lan tăng tốc các thay đổi trong hoạt động của các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, cho phép chuyển đổi hiệu quả hơn sang nền kinh tế xanh và tránh các rào cản thương mại.
Hơn nữa, việc tham gia thỏa thuận này có thể giúp Thái Lan đẩy mạnh sử dụng các chương trình mua sắm xanh hiện có, dẫn đến sự gia tăng của các doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Trụ cột thứ ba của IPEF hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân viên để làm việc trong các ngành công nghiệp xanh.
"Tham gia Thỏa thuận kinh tế sạch của IPEF là một cơ hội tuyệt vời cho Thái Lan để tăng cường năng lượng và nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, thành công sẽ đòi hỏi nỗ lực liên tục và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính phủ" - báo Bangkok Post nêu.
Còn nhiều hoài nghi
Chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, sáng kiến IPEF của Mỹ là một hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó không bao gồm các cam kết cắt giảm thuế quan.
Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng, giới quan sát quốc tế vẫn đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực thông qua IPEF, cũng như những hạn chế của khuôn khổ này mà các thành viên cần nghiêm túc xem xét nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất cho quốc gia mình.
Nhà nghiên cứu Aidan Arasasingham từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) lập luận rằng IPEF có những hạn chế nhất định vì nó không phải một thỏa thuận thương mại truyền thống. Thông thường, việc tiếp cận thị trường Mỹ là động lực mạnh mẽ để các quốc gia chấp thuận những tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ trong một số hiệp định thương mại, tuy nhiên IPEF không hứa hẹn mở cửa thị trường Mỹ. Đây là một điểm yếu làm giảm sức hút của khuôn khổ này.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Aidan Arasasingham, chuyên gia kinh tế cấp cao David Dapice tại Trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cũng hoài nghi về tính hiệu quả của IPEF vì mô hình này thiếu các đặc điểm của một thỏa thuận thương mại truyền thống, đặc biệt là lĩnh vực thuế quan.
Tuy nhiên, ông Dapice nhận định dù IPEF có phạm vi hẹp nhưng khuôn khổ này sẽ đem lại những giá trị trong các lĩnh vực mà nó hướng tới. Một ví dụ là các quốc gia sẽ tránh được tác động từ giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao, cũng như đạt được các mục tiêu như giảm ô nhiễm và khí thải carbon nếu Mỹ thúc đẩy các khoản vay "xanh" cho năng lượng sạch. Các lĩnh vực khác như an ninh số, giao thông bền vững cũng tương tự.
Mặt khác, chuyên gia nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế cấp cao Ryan Mulholland tại tổ chức American Progress lại cho rằng việc bác bỏ tầm quan trọng của IPEF vì bản chất của nó là một sai lầm. Các nhà hoạch định chính sách cố tình xây dựng IPEF khác biệt so với các hiệp định thương mại truyền thống. IPEF không nhắm đến việc tiếp cận các thị trường nhằm trao đổi lợi nhuận, mà mục tiêu của khuôn khổ này là thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề đem đến giá trị bền vững.
Thỏa thuận kinh tế công bằng là gì?
IPEF có 4 trụ cột chính gồm: Thỏa thuận thương mại, Thỏa thuận chuỗi cung ứng, Thỏa thuận kinh tế sạch và Thỏa thuận kinh tế công bằng, do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng năm 2022.
Thỏa thuận kinh tế công bằng, có hiệu lực ngày 12-10, đề cập đến các điều khoản nhằm phòng chống tham nhũng, cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong khâu quản lý thuế, như tăng cường bảo vệ người báo cáo tham nhũng và đưa ra quy định để trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp trong quy trình mua sắm của chính phủ, thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận