04/01/2014 02:20 GMT+7

Thợ trẻ giỏi giang ở Nhà máy Dung Quất

TRÀ GIANG
TRÀ GIANG

TT - Mùa xuân này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất bước qua tuổi thứ 5. Chừng ấy thời gian sản xuất và kinh doanh, những con người ở đây đã đem về doanh thu gần 474.000 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 73.000 tỉ đồng.

7oMYrEMo.jpgPhóng to
Đội ngũ kỹ sư trẻ VN hiện đảm bảo việc điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: V.Hùng

Theo chủ tịch HĐTV Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang, để có thành quả đó, có sự góp sức không nhỏ của lớp kỹ sư trẻ.

Những sáng kiến triệu đô

"Nguồn vốn quý báu nhất của BSR chính là đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, chính quy với tiêu chuẩn quốc tế, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy. Lực lượng này đủ khả năng đưa nhà máy phát triển và hơn nữa là trợ giúp các nhà máy lọc dầu khác của Việt Nam trong tương lai"

Ông NGUYỄN HOÀI GIANG

Kỹ sư Bùi Đức Việt năm nay 34 tuổi. Tốt nghiệp ĐH Mỏ - địa chất Hà Nội, Việt về ngay Nhà máy Dung Quất và được bố trí công tác tại phòng kỹ thuật. Sáng kiến kỹ thuật của Việt về “Quy trình phối trộn xăng nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi xăng thương phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất” mỗi năm đem lại lợi nhuận cho nhà máy từ 6-7 triệu USD.

Công trình của Việt là thông qua thay đổi điều kiện vận hành của phân xưởng CCR, có thể điều chỉnh việc giảm RON và tăng hiệu suất thu hồi sản phẩm, đáp ứng yêu cầu RON cho sản phẩm xăng của toàn nhà máy. Với giải pháp này, sản phẩm xăng vẫn đảm bảo chất lượng nhưng lại có hiệu suất cao hơn, lượng sản phẩm có giá trị thu được nhiều hơn, làm tăng hiệu quả của nhà máy. Hiện nay Việt và các đồng nghiệp đang nghiên cứu sáng kiến tăng tỉ lệ phối trộn dầu thô.

Ở môi trường nhiều lao động trẻ, tính cạnh tranh lành mạnh và tích cực được phát huy. Như kỹ sư Nguyễn Trọng Hà (phân xưởng nhiệt điện) đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp về “Phân bố tối ưu phụ tải cho hệ thống lò hơi và tuốcbin trong phân xưởng nhiệt điện nhà máy”. Sáng kiến được áp dụng, tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng lượng và bảo vệ môi trường.

Kỹ sư Hà chia sẻ: “Người vận hành chỉ cần click chuột là có thể biết được và so sánh được điểm đang làm việc thực tế và điểm tối ưu theo lý thuyết. Qua đó điều chỉnh phụ tải cho phù hợp. Giải pháp này đã tiết kiệm được cho nhà máy khoảng 16,9 tỉ đồng/năm và cắt giảm khoảng 3.371 tấn khí CO2/năm phát thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên”.

Tới nay đã có trên 50 sáng kiến của các kỹ sư trẻ được áp dụng, làm lợi cho nhà máy rất lớn.

Làm chủ kỹ thuật bảo dưỡng

Theo ông Giang, các kỹ sư VN cùng làm việc với chuyên gia nước ngoài trưởng thành hơn nhờ được hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu quy trình quản lý, điều hành sản xuất. Nhờ đó, trong thời gian ngắn nhà máy đã tạo dựng được lớp công nhân, kỹ sư trẻ có tay nghề cao, tác phong năng động.

Cách đây năm năm, khi nhà máy đi vào vận hành, có gần 200 chuyên gia nước ngoài trực tiếp tham gia điều hành thì đến nay chỉ còn khoảng 20 chuyên gia nước ngoài, các vị trí được kỹ sư Việt Nam thay thế. Tính phức tạp về kỹ thuật, công nghệ đã buộc những công nhân, kỹ sư trẻ nhà máy ngày đêm nghiên cứu, học tập, rèn luyện kỹ năng để sớm trở thành thợ giỏi.

“Nếu so với cùng loại công trình có thiết bị, công nghệ hiện đại, có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ở nước ngoài phải mất từ 4-5 năm mới chuyển giao công nghệ ổn định, vận hành sản xuất. Nhưng chúng ta đã rút ngắn được gần nửa thời gian, vẫn đảm bảo làm chủ được nhà máy” - ông Giang nói.

Theo định kỳ, khoảng 2-3 năm nhà máy sẽ được bảo dưỡng. Ở đợt bảo dưỡng lần 1 (tháng 7-2011), nhà máy thuê nhà thầu Hàn Quốc với hơn 100 chuyên gia, kỹ sư với giá trị hợp đồng 25 triệu USD, thì đợt bảo dưỡng lần 2 này vào tháng 6-2014 sẽ do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam tự làm.

Theo ông Giang, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với lần trước bởi lần này kỹ sư đã có kinh nghiệm từ khâu chuẩn bị đến lập kế hoạch, con người, chủ động tiến độ. Đồng thời, công ty phấn đấu kết thúc đợt bảo dưỡng sớm 5-7 ngày, bởi sớm một ngày nhà máy đi vào sản xuất sẽ đem về nguồn thu 1 triệu USD/ngày.

Ông Giang tự hào: “Nguồn vốn quý báu nhất của BSR chính là đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, chính quy với tiêu chuẩn quốc tế, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy. Lực lượng này đủ khả năng đưa nhà máy phát triển và hơn nữa là trợ giúp các nhà máy lọc dầu khác của Việt Nam trong tương lai”.

75% là thợ trẻ, kỹ sư trẻ

Lớp thợ trẻ chiếm hơn 75% số cán bộ, nhân viên ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Họ đã và đang làm chủ hệ thống, từ quản lý chất lượng với quy trình đạt chuẩn đến việc kiểm soát môi trường, chất lượng sản phẩm xăng, dầu, quy trình vận hành an toàn. “Sau năm năm đi vào sản xuất, đã có hơn 50 sáng kiến kỹ thuật được áp dụng, mang lại lợi ích rất lớn cho nhà máy” - ông Nguyễn Hoài Giang tự hào.

TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên