Phóng to |
anh Long bên cỗ máy dệt chiếu đã hoàn thiện |
Đeo đuổi ý tưởng đó, sau bốn năm mày mò sáng chế, anh Nguyễn Văn Long đã cho ra đời chiếc máy dệt chiếu có công suất gấp 7 lần dệt thủ công, mặt chiếu dày khít không chê vào đâu được.
Về “ở rể” quê vợ tại ấp Thuận Điền (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre), anh Long (vốn là thợ sửa xe Honda ở thị xã Rạch Giá, Kiên Giang) cố gắng học cho được cái nghề dệt chiếu ở quê vợ.
Dệt chiếu bằng thủ công không khó, nhưng rất vất vả vì tốn sức lao động, hai vợ chồng cố gắng thức khuya, dậy sớm kéo đẩy suốt ngày cũng chỉ dệt được hai đôi chiếu (bốn chiếc). Giá thu mua chiếu xuất khẩu: 15.000 - 20.000 đồng/đôi.
Tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi cao: mặt chiếu phải dệt dày khít. Nhưng do sức người khó ép cọng lát khít đều được, chiếu không đạt chuẩn, thường bị trả về và phải bán rẻ ở thị trường trong nước.
Và đời người dệt chiếu chỉ quanh quẩn cái nghèo khó. Nếu có được cỗ máy, nghề này có thể cải thiện đời sống người dệt chiếu. Nhưng phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu, khi mà trên đất nước mình và cả công nghệ hiện đại thế giới chưa ai chế tạo máy cho nghề dệt chiếu. Ý tưởng đeo đẳng làm Long mất ăn mất ngủ.
Anh quan sát kỹ khung dệt và từng động tác kéo đẩy của hai người thợ dệt chiếu thủ công, trong anh dần dần hình thành các bộ phận máy dệt chiếu.
Phóng to | |
Thử nghiệm lắp máy dệt chiếu cỡ lớn | Chế thử máy dệt chiếu mini đầu tiên |
Nghĩ ra chế tạo máy như thế nào đã khó, việc mua sắm các thiết bị làm máy với anh càng khó hơn. Hoàn cảnh gia đình anh lúc bấy giờ rất khó khăn, nhà bốn miệng ăn, ngày thu nhập không quá 50.000 đồng. Thôi đành ăn nhín dành tiền mua sắm từ từ các bộ phận của máy.
Vợ anh là chị Trần Thị Na thông cảm với đam mê chế tạo máy của chồng nên đồng lòng chấp nhận kham khổ với cá khô, tương chao nhiều năm tháng dài. Anh nói: nhiều hôm thèm một bữa cơm với thịt cũng không dám mua cũng vì cỗ máy.
Tiền tiết kiệm được anh mua sắm từ từ các bộ phận của máy. Ban đầu mua sắt làm khung và nhờ bạn bè chấm hàn giúp, sau đó mua nhông cấu tạo các bộ phận máy, rồi bulông, ốc vít, dây sên..., có lúc nhà hết cả tiền mà các bộ phận cần thiết để ráp máy vẫn còn vạn thứ cần.
Anh buồn khổ vì cái nghèo và tự hỏi: “Chẳng lẽ công trình sáng chế của mình không thể tiếp tục thực hiện được?”. Lắm lúc nhìn người đời giàu có phung phí bạc triệu trong các nhà hàng mà anh nghĩ: giá họ cho mình số tiền đó để chế tạo máy thì quí biết mấy...
Thu nhập gia đình thấp, chi phí nuôi các con ăn học ngày một nhiều, việc dành tiền đầu tư chế tạo máy dệt chiếu ngày một bế tắc. Không thể bỏ dở cái máy mà anh biết chắc sẽ thành công, anh lặn lội lên Bình Dương nhờ con gái làm công nhân ở đây giúp đỡ.
Thương cha, con gái anh gom góp đồng lương ít ỏi giúp cha thực hiện đam mê sáng chế của mình. Giá thành chiếc máy mini này chỉ có 2 triệu đồng, nhưng anh phải mất đến bốn năm dài chắt chiu dành dụm từng đồng mới có được.
Nghĩ ra các bộ phận máy, nhưng việc lắp ráp cũng không suôn sẻ. Máy lắp rồi nhưng không vận hành được do các bộ phận máy chưa khớp nhau. Anh phải tháo gỡ, gọt giũa, lắp vào, rã ra, chỉnh sửa...
Một năm sau nữa, cỗ máy dệt chiếu mini của anh mới hoàn chỉnh. Máy vận hành chỉ cần một người đứng máy và công suất của máy dệt được 15 chiếc chiếu (đạt chuẩn xuất khẩu) mỗi ngày. Nguyên liệu dệt chiếu không chỉ cây lát mà còn có thể dệt bằng cây u du.
Ngày máy dệt thành công chiếc chiếu nhỏ, cả xóm dệt chiếu ấp Thuận Điền đến chia vui cùng anh. Họ nói: từ đây nghề dệt chiếu được giải phóng sức lao động, bước sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau khi hoàn chỉnh máy dệt chiếu, anh đăng ký đề tài sáng tạo với Sở Khoa học - công nghệ, cơ quan này kiểm tra và công nhận máy hoàn chỉnh có thể sản xuất được. Sở đầu tư kinh phí giúp anh chế tạo cỗ máy dệt chiếu cỡ lớn có thể dệt nên khổ chiếu thông dụng trên thị trường và xuất khẩu.
Có được nguồn vốn tài trợ, anh bắt tay ngay vào việc hình thành chiếc máy dệt chiếu cỡ lớn. Công việc lắp máy cỡ lớn cũng không dễ dàng như những loại máy khác, vì các bộ phận của máy đều không có sẵn trên thị trường, anh lại phải tự chế và gọt giũa. Khi máy đã lắp hoàn chỉnh rồi, anh hồi hộp nhất là lúc kéo cầu dao điện vận hành máy.
Ngày 11-4-2005, cả gia đình anh reo mừng vì máy vận hành như ý, một chiếc, rồi hai chiếc chiếu thành phẩm, một người đứng máy quen tay có thể dệt trên 15 chiếc chiếu mỗi ngày. Những người thợ dệt chiếu xóm Thuận Điền lần nữa đến chúc mừng và nhận xét là chiếu dệt bằng máy đẹp hơn, dày khít, ăn đứt chiếu dệt thủ công.
Phóng to |
Chiếc chiếu đầu tiên được dệt bằng máy ra đời |
Thông tin về máy dệt chiếu made in Việt Nam do anh Nguyễn Văn Long chế tạo lan rộng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Một Thoáng Việt Nam (Củ Chi, TP.HCM), VN - Sunflower Co. Ltd (Tân Bình, TP.HCM), Kim Trung Dung Textile Ltd của Đài Loan... đã tìm đến đặt mua hàng chục máy.
Đặc biệt là một doanh nhân ở Thái Bình, nơi có nhiều làng nghề dệt chiếu, dặn dò anh: có bao nhiêu máy dệt chiếu cũng mua hết. Một số doanh nghiệp ở TP.HCM còn ngỏ ý mời anh về cộng tác để sản xuất máy, vốn đầu tư họ lo hết.
Trong niềm vui của sự thành công, anh Long cho biết anh đang đào tạo nghề cho nhiều bạn trẻ để họ cùng anh sản xuất máy dệt chiếu. Anh đang tiếp tục nghiên cứu tạo bộ phận nạp nguyên liệu (sợi lát) tự động, để một người cùng lúc có thể vận hành nhiều máy, sản xuất hàng chục, hàng trăm chiếc chiếu đạt chuẩn xuất khẩu cùng lúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận