09/03/2022 05:51 GMT+7

Thờ ơ với cầu bộ hành

TRẦN THIÊN NHẤT
TRẦN THIÊN NHẤT

TTO - TP.HCM đã xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành trị giá tiền tỉ nhưng thực tế rất ít người sử dụng, trong khi phần lớn người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, băng qua lòng đường.

Thờ ơ với cầu bộ hành - Ảnh 1.

Cầu vượt bộ hành Bệnh viện Ung bướu (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường vắng khách

Từ nhiều năm qua, TP.HCM đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành, mỗi cây cầu từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, trên các tuyến đường có lưu lượng xe đông với kỳ vọng giúp người dân đi ngang đường được thuận tiện, an toàn.

Thế nhưng, quan sát tại nhiều tuyến đường có cầu vượt đi bộ, đặc biệt tại cầu vượt ở trước cổng của các bệnh viện, trường học... tôi vô cùng bất ngờ khi rất ít người sử dụng công trình giao thông này, đa số đều ngang nhiên đi bộ ngay dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm.

Cầu có thang máy cũng "ế"

Điển hình như cầu vượt bộ hành trước Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh). Bệnh viện Ung bướu gồm hai khu bị ngăn cách bởi đường Nơ Trang Long lúc nào cũng tấp nập xe cộ. Bệnh nhân đến khám và điều trị muốn đi lại giữa hai khu vực phải băng qua đường Nơ Trang Long.

Nhiều năm trước, TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt bộ hành ngay trước cổng Bệnh viện Ung bướu để người dân, nhất là người bệnh thuận tiện qua đường. Dù vậy, cây cầu vẫn không được nhiều người dân sử dụng. Thay vào đó, họ vẫn băng ngang dưới lòng đường, bất chấp mọi nguy hiểm và rủi ro. 

Có ý kiến cho rằng do nhiều bệnh nhân tình trạng sức khỏe quá kém nên khó có thể leo lên cầu vượt để sang đường.

Sau đó, hai chiếc thang máy được lắp ở hai đầu cầu nhằm hỗ trợ bệnh nhân đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù có thang máy nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen băng ngang qua đường, bất chấp dòng xe đông đúc. Thậm chí, có những bệnh nhân vì sức khỏe kém, đi không vững, phải dựa vào người nhà đi từng bước, vẫn len lỏi giữa dòng xe chứ không chịu lên cầu. 

Chính điều này gây ùn tắc giao thông kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn trước cổng bệnh viện, khiến bất kỳ ai thường xuyên lưu thông ngang khu vực này cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Hoặc như cây cầu nối hai bên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương dù được thiết kế cầu thang nằm ở phía ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người qua lại nhưng vẫn không được sử dụng triệt để. Cầu này chia thành hai phần, một phần nối thông với bệnh viện, phần còn lại hầu như chỉ được sử dụng khi y tá vận chuyển bệnh nhân, còn lại thì bỏ trống hoàn toàn. 

Đại đa số mọi người đều chọn cách băng qua đường cho tiện dẫn đến việc cây cầu bị bỏ trống, chứa đầy rác thải. Thậm chí, lối đi phía dưới chân cầu cũng bị những người bán hàng rong, trông giữ xe chiếm dụng.

Không chỉ cầu vượt tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mà rất nhiều cầu vượt khác tại TP.HCM như cầu vượt trên đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ (trước Bệnh viện Bình Dân), Cống Quỳnh (trước Bệnh viện Từ Dũ)... cũng chịu chung số phận. 

Chỉ cần vài bước chân lên cầu nhưng nhiều người đã chọn cách băng qua đường giữa những làn xe thay vì đảm bảo an toàn tính mạng cho chính bản thân mình.

Thờ ơ với cầu bộ hành - Ảnh 2.

Đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) rộng, xe di chuyển tốc độ cao nhưng người qua đường ít sử dụng cầu bộ hành - Ảnh: TỰ TRUNG

Quen "đi ngang về tắt"

Khi được hỏi vì sao có cầu bộ hành nhưng không đi, ngoài những lý do vì tiện đường, đỡ tốn thời gian, nhiều người còn cho rằng cầu bộ hành thiết kế không thuận tiện cho việc đi lại. 

Bạn L., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Ban đầu, khi tan học, em cũng lên cầu vượt để qua đường nhưng vài lần rồi cũng thích đi dưới đường hơn. Nhiều lúc việc gấp, chạy lên cầu vượt rồi chạy xuống thì mệt quá, vì cầu vượt cao, khoảng cách giữa các bậc thang lại khá lớn". 

Đồng suy nghĩ, chị T., ngụ quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Cầu quá dốc và những bậc thang trơn nên người bệnh, người lớn tuổi hoặc tàn tật không thể đi. Đó là chưa kể tình trạng nhếch nhác và tụ tập đủ thành phần bất hảo vào ban đêm tại đây nên tôi không muốn sử dụng".

Lý giải cho hiện tượng này phần lớn xuất phát từ tâm lý người dân muốn "đi ngang về tắt", miễn sao cho nhanh và đỡ tốn sức nên dẫn đến tình trạng bỏ qua và thờ ơ với cầu bộ hành. Kỳ thực, việc chọn cách đi bộ băng ngang đường không chỉ gây cản trở giao thông mà còn mang đến nguy hiểm cho người đi đường và cộng đồng xung quanh. 

Bên cạnh đó, dù việc xây cầu bộ hành tại những khu vực bệnh viện, trường học là cần thiết nhưng các đơn vị phải đánh giá đúng đối tượng sử dụng để thiết kế cho phù hợp. Điển hình như trước các bệnh viện cần ưu tiên thiết kế thang máy, nối liền vào bên trong, để thuận lợi cho người sử dụng.

Thiết nghĩ, để cải thiện tình trạng trên, chúng ta nên có giải pháp rà soát, quản lý lại những cầu bộ hành, có những biện pháp xử lý mạnh với các cá nhân không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân về chấp hành pháp luật, an toàn giao thông, để phát huy tối đa hiệu quả của các công trình cầu đi bộ.

Trong khi đó, trái với tình trạng các cây cầu gần như bỏ trống trên đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, khu vực gần ngã tư Hàng Xanh, nhiều tuyến đường khác có lưu lượng xe cộ lớn chưa được bố trí xây dựng cầu vượt bộ hành.

Tại những giao lộ tấp nập này, nếu muốn qua đường, nhiều người đi bộ cho biết phải liều lĩnh lao qua dòng xe dày đặc. Điều này cho thấy có tình trạng phân bố chưa đồng đều, nơi thừa nơi thiếu các công trình cầu bộ hành trên các tuyến đường ở TP.HCM.

Cầu bộ hành: Vẫn cần xây thêm nhiều Cầu bộ hành: Vẫn cần xây thêm nhiều

TTO - Có nhiều nguyên nhân người đi bộ từ chối cầu bộ hành. Có những cầu bộ hành ở vị trí chưa phù hợp, nhưng nhu cầu là có thực và vẫn cần xây thêm nhiều.

TRẦN THIÊN NHẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên