Phóng to |
Bà Hồ Thị Loan (hẻm 39, khu phố 6, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) với can nước giếng đóng váng phèn mà gia đình bà phải dùng - Ảnh: Đức Phú |
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cho biết sẽ đưa tỉ lệ hộ dân trên địa bàn TP được cấp nước sạch từ 86,04% hiện nay lên 87% trong năm 2012. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn khi nguồn vốn đầu tư phát triển cấp nước đang eo hẹp.
Mỏi mòn chờ nước sạch
Nhiều năm nay các hộ dân ở hẻm 39, tổ 2, khu phố 6, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn nặng vì khu vực này chưa có nước máy. Ngồi giặt quần áo bên chậu nước lợn cợn cặn vàng, bà Hồ Thị Loan - một người dân trong hẻm - kể: “Nhiều hôm bơm đầy nước giếng lên bồn nhưng xả mãi nước không chảy. Tôi phải thuê máy thổi về thổi cho thông đường ống thì thấy từng mảng phèn đóng váng trong đường ống như mỡ bò”. Nước giếng nhiễm phèn như thế nên người dân phải mua nước bình về dùng cho ăn uống. Chị Vũ Thị Thu Cúc, ngụ cùng hẻm với bà Loan, chìa chiếc áo trắng đã ngả màu vàng nói: “Đây là chiếc áo tôi mới mua cho con gái đi học, nhưng ngâm vào nước giếng vài lần là bị nhuộm vàng luôn. Mỗi ngày tôi phải tốn 12.000 đồng để mua một bình nước dùng nấu ăn và uống. Còn chuyện tắm giặt, sinh hoạt đều phải cắn răng dùng nước phèn”. Nhiều người dân ở đây cho biết đã kiến nghị địa phương hỗ trợ việc cấp nước sạch nhưng đến nay nguyện vọng này vẫn chưa được đáp ứng.
Người dân ở hẻm 42 Trần Văn Ơn, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú cũng sống trong cảnh “khát” nước sạch nhiều năm nay. Anh Lê Việt Hữu - một người dân ở đây - cho biết để có nước dùng, người dân phải khoan giếng nhưng nước giếng ngày càng nhiễm phèn nặng. Có người phải khoan giếng sâu 70-80m, tốn cả chục triệu đồng mà tình trạng nhiễm phèn vẫn không thay đổi.
Tuyến tỉnh lộ 10, đoạn thuộc P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân nằm trong danh mục cấm đào đường (từ năm 1995-2010) nên hơn 100 hộ dân sống dọc tuyến đường này phải chờ đợi được cấp nước sạch nhiều năm liền. Thế nhưng khi hết hạn cấm đào đường, người dân xin gắn đồng hồ nước vẫn chưa được giải quyết.
Chờ đến năm 2013?
Theo các công ty cấp nước, nhiều khu vực chưa được phát triển mạng lưới đường ống, gắn đồng hồ nước là do công ty gặp khó khăn về vốn. Trước đây, nguồn vốn đầu tư mạng lưới chủ yếu được các công ty cấp nước vay lại từ Sawaco. Năm nay, Sawaco gặp khó khăn về vốn nên không thể cho các đơn vị vay để phát triển mạng lưới. Ngoài ra, theo các công ty cổ phần, chi phí đầu tư cho dự án cấp nước rất lớn, khả năng thu hồi vốn kéo dài 10-15 năm. Nhưng hiện có rất nhiều trường hợp khách hàng được cung cấp nước sạch đến tận nhà nhưng không sử dụng, làm nhiều dự án không thể thu hồi vốn để tái đầu tư cho khu vực khác.
Theo Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, công ty dự kiến lắp đặt ống nước trên tỉnh lộ 10 từ năm 2011. Tuy nhiên, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 yêu cầu phải cào bóc toàn bộ mặt đường (thay vì tái lập theo từng lằn phui đào như các dự án trước đây) mới cấp phép đào đường. Theo yêu cầu này, chi phí tái lập tăng từ 53 triệu đồng lên 334 triệu đồng (chưa kể chi phí lắp đặt đường ống, gắn đồng hồ) nên công ty không thể thực hiện được. Việc này công ty đã phản ảnh đến Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, đại diện Công ty Cấp nước Tân Hòa (thuộc Sawaco) cho biết trên địa bàn Q.Tân Bình và Q.Tân Phú còn nhiều nơi chưa được cấp nước như khu vực hẻm 42 Trần Văn Ơn nói trên. Theo một cán bộ của công ty, công ty đã lên kế hoạch cấp nước cho các khu vực này trong năm nay nhưng hiện nay chưa được Sawaco cấp vốn nên có thể người dân phải chờ đến năm 2013. Còn Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho biết đang cố gắng xoay xở tìm nguồn vốn để đầu tư cấp nước cho khu vực hẻm 39 P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận