Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP.HCM sáng 23-4 - Ảnh: Trần Huỳnh |
Hội nghị được Bộ GD-ĐT đã tổ chức sáng 23-4 tại các điểm cầu truyền hình: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và lãnh đạo các sở GD-ĐT, sở Nội vụ…
Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp ở các trường ĐH, CĐ
Ông Phạm Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra một loạt các hạn chế trong quản lý nhà nước về giáo dục như chưa chuyển các trường CĐ và TCCN thuộc các sở, ngành khác trên địa bàn thành phố về Sở GD-ĐT quản lý.
Đến nay còn 19 quận, huyện trưởng phòng GD-ĐT vẫn chưa được phân cấp trong việc ra quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hầu hết chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết với Bộ GD-ĐT khi thành lập trường.
Trong quá trình phát triển, để có đủ chỗ học, các trường đã thuê mướn nhiều cơ sở trên địa bàn thành phố, đa số không được cơ quan chức năng cấp phép, không đảm bảo yêu cầu phục vụ đào tạo…
Trong thời gian qua, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã xảy ra mất đoàn kết nội bộ mà chủ yếu là mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa các nhà đầu tư của trường. Hội đồng quản trị và hiệu trưởng một số trường đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa tổ chức được đại hội cổ đông để bầu hội đồng quản trị và hiệu trưởng nhiệm kỳ tiếp theo do chưa thống nhất được về việc sử dụng vốn cổ đông… Việc này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, quyền lợi người học và ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, xã hội.
“Bên cạnh đó, công tác quản lý cho thấy hiện tượng tiêu cực nêu trên còn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp ở một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố” - ông Thanh cảnh báo.
Thiếu cơ sở pháp lý
Theo ông Thanh nguyên nhân của những hạn chế trên do các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa dự liệu những bất cập phát sinh trong tổ chức, tài chính, hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để điều chỉnh; một số nội dung hướng dẫn chưa phù hợp đối với loại hình trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Ông Trần Trọng Khiếm - giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ phát biểu tại hội nghị sáng 23-4 |
Nội dung phân cấp quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ cho UBND cấp tỉnh chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: quy định việc bãi nhiệm và không công nhận thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện cơ quan quản lý địa phương khi tham gia hội đồng quản trị trường tư thục; hướng dẫn xử lý khi có tranh chấp về cổ phần, cổ đông…
Đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về lập hồ sơ chuyển đổi trường CĐ bán công qua tư thục.
“Chúng tôi đề xuất với Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH phù hợp để UBND TP và sở GD-ĐT có đủ cơ sở pháp lý quản lý ngành. Ở các thành phố lớn cần có giao ban định kỳ 3 tháng/lần để trong quá trình thực hiện có vướng mắc, cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT có thể nắm bắt, điều chỉnh kịp thời”- ông Thanh kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng thực tế các trường ĐH, CĐ trước nghị định 115 thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT, nên khi có nghị định này và Bộ GD-ĐT, UBND TP chưa có các văn bản triển khai nghị định 115 nên các nhà trường cũng chưa rõ cần phải liên hệ với các cơ quan quản lý của địa phương như thế nào.
Đồng thời Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện nghị định 115, đối với những địa phương có số lượng lớn các trường ĐH, CĐ như Hà Nội và TP.HCM thì Bộ GD-ĐT nên có thống kê tổng hợp về các trường ĐH, CĐ trên địa bàn và phối hợp với UBND TP tổ chức hội nghị với tất cả các trường để thống nhất và bàn giao các trường ĐH, CĐ theo phân cấp quản lý để thành phố có cơ sở triển khai công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị được giao.
Theo Sở GD-ĐT Cần Thơ, đến nay UBND TP Cần Thơ vẫn chưa giao thẩm quyền quản lý trực tiếp các trường CĐ, trường trung cấp, cơ sở thực hành sư phạm cho Sở GD-ĐT theo quy định. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường TCCN được Bộ GD-ĐT giao trực tiếp cho các trường mà không có ý kiến của sở GD-ĐT xác nhận năng lực thực tế của các trường tại thời điểm giao chỉ tiêu. Từ đó, việc xác định chỉ tiêu chưa đúng thực tế và điều kiện dạy học ở một số đơn vị.
“Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường TCCN cần có ý kiến sở GD-ĐT xác nhận năng lực thực tế của trường trước khi trình Bộ GD-ĐT phê duyệt chỉ tiêu” - ông Trần Trọng Khiếm – giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận