21/04/2017 12:53 GMT+7

Thiếu cả người và tiền cho an toàn thực phẩm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 20-4) nghe báo cáo giám sát chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2015.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết cả nước có hơn 8.600 chợ, khoảng 1.000 siêu thị và trung tâm thương mại, gần 30.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phần lớn là tự phát, không đăng ký kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP...

Nằm ngoài tầm kiểm soát

Trong khi đó, qua kiểm tra trên 54.700 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm. Kiểm tra hơn 63.000 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật thì phát hiện, xử lý gần 7.500 cơ sở vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề ATTP là rất lớn, mới hôm qua lại thêm tin có người chết vì uống rượu, thi thoảng lại có vụ vài chục người bị ngộ độc.

“Tình trạng này làm nhân dân rất lo lắng. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến việc đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại, đến xuất khẩu” - bà Ngân nói.

Bà khẳng định công tác quản lý nhà nước cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng chưa đạt được như mong đợi. Đặc biệt, hành lang pháp lý không phải là thiếu và yếu, mà do trong tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận nguyên nhân chính là do khâu tổ chức thực hiện. Luật đã quy rõ trách nhiệm nhưng năng lực thực hiện không tốt.

“Tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” (nuôi, trồng riêng để ăn và để bán) thì cấp xã, cấp thôn phải kiểm soát được. Gần đây, địa phương đã vào cuộc quyết liệt hơn nên tình hình có chuyển biến tốt hơn” - ông Đam nói.

Cơ bản nhất vẫn là người và tiền

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý ATTP là việc xử phạt thiếu tính răn đe, để xảy ra nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh.

“Tất cả các vi phạm là phải chính quyền địa phương chứ không bộ, ban, ngành nào xuống đó mà xử lý được. Có những địa phương còn không bố trí kinh phí cho hoạt động này. Nhiều địa phương thiếu nhân lực, không bố trí đủ người và tiền.

Tuyến xã, huyện chủ yếu là y tế kiêm nhiệm, thực chất họ chỉ coi đây là nhiệm vụ phụ thôi. Cho nên về giải pháp đột phá thì đề nghị Quốc hội cho bố trí đủ kinh phí và con người, cơ bản nhất vẫn là người và tiền” - bà Tiến nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị đoàn giám sát bỏ yêu cầu Bộ Công thương phải quy định điều kiện kinh doanh cho bán hàng rong bởi đây là vấn đề xã hội, liên quan đến kế sinh nhai của một bộ phận người dân.

“Đưa ra điều kiện thì không khó nhưng liệu có tính khả thi? Ví dụ quy định người bán hàng rong không có bệnh truyền nhiễm, nhưng kiểm soát thế nào?” - ông Khánh nêu.

Tại sao khó xử lý hình sự?

Một trong những vấn đề bức xúc được đặt ra là tại sao vi phạm trong lĩnh vực ATTP nghiêm trọng như vậy, dư luận bức xúc, nhân dân lo lắng mà việc xử lý hình sự lại quá ít?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Bộ luật hình sự đã quy định tội về ATTP, trong đó có chế tài phạt tù từ 1-15 năm tùy theo các mức độ phạm tội.

“Nếu đánh giá rằng chế tài với tội về ATTP chưa nghiêm thì cần xem xét lại” - bà Nga bình luận.

Phúc đáp vấn đề này, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, nêu con số: trong 5 năm có 13.296 vụ việc vi phạm ATTP bị xử lý, riêng công an xử lý hơn 8.000 vụ. Nhưng chỉ khởi tố hình sự 1 vụ sản xuất rượu gây chết 4 người, tội trực tiếp vi phạm quy định về ATTP, còn khởi tố 90 vụ khác có liên quan đến ATTP.

“Tôi cũng nghĩ hình phạt không phải là không nghiêm, vấn đề ở đây là thực hiện. Có mấy cái khó, thứ nhất là tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là chưa được cụ thể hóa, do đó xác định rất khó khăn.

Cái khó thứ hai là giám định (thực phẩm và người dùng), ví dụ một người ăn hay uống thực phẩm có độc tố thì có thể nó không ảnh hưởng ngay mà một thời gian sau mới ảnh hưởng, rất khó giám định” - ông Vương cho biết.

Đây cũng là vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ.

Theo bà, ngay cả với Bệnh viện Bạch Mai có trung tâm chống độc rất hiện đại thì họ cũng chỉ xét nghiệm được ngộ độc cấp tính do nguyên nhân chất này, chất kia gây ra thôi, chứ cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu giám định của cơ quan tư pháp.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao lĩnh vực này tại kỳ họp giữa năm 2017.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên