05/08/2016 11:49 GMT+7

Thiệt hại từ cháy, nổ bình gas: Ai chịu trách nhiệm?

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)

TTO - Nhiều vụ cháy, nổ bình gas gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường rơi vào bế tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau...

Ông Thảo với vết thương ở hai tay do vụ cháy bình gas - Ảnh: TÂM LỤA
Ông Thảo với vết thương ở hai tay do vụ cháy bình gas - Ảnh: TÂM LỤA
Ông Trần Minh Loan, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dầu khí Anpha, cho biết Công ty TNHH khí đốt Gia Định là công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn dầu khí Anpha. “Cách đây 4-5 tháng, tôi có nghe báo cáo về vụ việc cháy nổ diễn ra ở Gia Lâm, Hà Nội và đương sự đang khiếu nại. Tôi sẽ cho rà soát lại vụ việc và trả lời những vấn đề mà báo chí nêu” - ông Loan cho biết.

Ông Dương Mạnh Thảo (53 tuổi, ngụ Gia Lâm, Hà Nội, người thoát chết trong một vụ nổ bình gas) đang làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ nguyên nhân của vụ nổ từ bình gas do ông mua của Công ty TNHH khí đốt Gia Định.

Kéo bình gas đang cháy cứu học sinh

Sáng 11-4-2015, ông Thảo đến cổng Công ty TNHH khí đốt Gia Định (Gia Lâm, Hà Nội) mua bình gas loại 12kg. Về nhà, ông dùng dây cao su tháo van điều áp từ bình hết gas ra để lắp vào bình mới. Sau đó ông Thảo còn cẩn thận dùng bọt xà phòng thử vào các khớp nối, cổ bình và bếp để kiểm tra thì không thấy hở gas. Ông mở van gas, thử bật bếp thì thấy mọi thứ đều bình thường.

Trưa cùng ngày, ông Thảo bật bếp rán cá và luộc rau. Năm phút sau ông Thảo nghe tiếng xì mạnh. Một luồng gas màu trắng đục phụt thẳng lên trần bếp rồi bốc cháy.

Ông Thảo vội khóa van bình gas nhưng khí gas vẫn tiếp tục phụt càng mạnh. Lúc đó đối diện căn bếp khoảng 1m là lớp học hè nhà hàng xóm với khoảng 50 học sinh. Sợ bình gas phát nổ, ông Thảo kéo bình gas ra ngoài. Ông bảo vợ chui xuống gầm giường rồi ngắt cầu dao điện, kêu cứu. Người dân dùng búa phá cửa giúp ông Thảo thoát ra ngoài và dập tắt đám lửa. Ông Thảo bị phỏng nặng và phải điều trị tại bệnh viện gần hai tháng.

Sau vụ cháy, cán bộ Phòng cảnh sát PCCC số 11 Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đến làm việc với ông Thảo. “Cán bộ hỏi tôi lúc thấy xì gas thì đã khóa van hay luống cuống lại mở ra. Tôi khẳng định chắc chắn đã khóa van bình. Vợ tôi được yêu cầu ký vào biên bản là gia đình xin chịu trách nhiệm về vụ việc mà không khiếu nại gì. Lý do vì vợ tôi nghe nói gia đình tự mua gas và lắp đặt, nếu không nhận lỗi sẽ bị phạt nặng hơn” - ông Thảo bức xúc.

Tại buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH khí đốt Gia Định và công ty bảo hiểm, ông Thảo đề nghị được bồi thường 250 triệu đồng (bằng tiền mua bảo hiểm). Công ty bảo hiểm trưng ra công văn của Phòng cảnh sát PCCC số 11, trong đó cho rằng “quá trình đun nấu dây gas bị tuột khỏi đầu van dẫn đến cháy” nên cho rằng không có trách nhiệm bồi thường.

Công ty TNHH khí đốt Gia Định đề nghị hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng ông Thảo không đồng ý. Cho rằng kết luận như vậy là không khách quan, ông Thảo đã gửi đơn đến Phòng cảnh sát PCCC số 11 khiếu nại.

Có thể khởi kiện đòi bồi thường

Vụ cháy xảy ra và ông Thảo đã bị phỏng nặng. Dù nguyên nhân cháy chưa được làm rõ nhưng trong trường hợp này, Công ty TNHH khí đốt Gia Định nên thương lượng với ông Thảo để bồi thường. Nếu Công ty TNHH khí đốt Gia Định không chịu bồi thường thì ông Thảo có quyền khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa án buộc Công ty TNHH khí đốt Gia Định bồi thường theo quy định pháp luật dân sự.

Không rõ nguyên nhân nhưng vẫn phạt

Sau vụ cháy, Phòng cảnh sát PCCC số 11 ra quyết định xử phạt hành chính ông Dương Mạnh Thảo 400.000 đồng vì đã vô ý vi phạm quy định an toàn PCCC, gây cháy nổ. Ông Thảo nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng Phòng cảnh sát PCCC số 11 vẫn giữ nguyên quan điểm, xử phạt ông Thảo.

Đến tháng 11-2015, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội có thông báo giải quyết khiếu nại lần 2 đối với ông Thảo với nội dung hủy toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại của trưởng phòng cảnh sát PCCC số 11, vì cho rằng việc giải quyết khiếu nại trước đó là sai.

Trả lời Tuổi Trẻ, trung tá Phạm Trung Hiếu, trưởng Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho biết đơn vị này đã có kết luận điều tra về vụ cháy cũng như trả lời đơn thư khiếu nại của ông Thảo.

Trước đó, Viện Khoa học hình sự cũng có văn bản gửi Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội kết quả giám định “điểm rò rỉ khí gas nằm ở vị trí van an toàn thuộc cụm van tổng của bình gas, đồng thời không đủ điều kiện để đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ cháy”.

Trên cơ sở đó, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho rằng do hiện trường vụ cháy bị xáo trộn hoàn toàn sau khi vụ cháy xảy ra, dấu vết rò rỉ khí gas không xác định được có trước hay có sau khi cháy nên Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội không đủ điều kiện kết luận về nguyên nhân gây cháy.

Trong khi đó, ông Thảo khẳng định nguyên nhân vụ cháy là do bình gas có lỗi kỹ thuật. “Tôi bị thương nặng, cả nhà bị cháy rụi phải sửa lại rất nhiều, nên tôi đề nghị các cơ quan phải làm rõ nguyên nhân vụ cháy để phía công ty gas phải bồi thường thỏa đáng cho tôi” - ông Thảo nói.

Bình gas chưa đủ điều kiện lưu hành?

Sau khi bình gas được đưa đi giám định để phục vụ công tác điều tra, ngày 18-1-2016 ông Thảo được Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội giao trả lại bình gas. Ông Thảo cho biết đã giữ kỹ bình gas từ đó đến nay.

Tháng 3-2016, ông Thảo có văn bản kèm mã hiệu bình gas gửi Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hà Nội hỏi bình gas mà ông mua có được đăng ký bảo hộ an toàn tại Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội hay chưa. Thật bất ngờ, theo công văn trả lời của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội thì bình gas này được đăng ký ngày 7-3-2016, tức 11 tháng sau ngày xảy ra vụ cháy thì bình gas mới được đăng ký.

Theo đại diện Hiệp hội Gas VN, khi tái kiểm tra hoặc đăng ký lần đầu bắt buộc phải đem bình gas đến các trung tâm kiểm định. Trong khi đó bình gas trên đang được ông Thảo cất giữ từ tháng 1-2016.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), bình gas này sau gần 11 tháng kể từ ngày xảy ra vụ cháy mới được đăng ký bảo hộ an toàn lao động. Như vậy bình gas chưa đăng ký bảo hộ an toàn lao động mà lưu thông trên thị trường là vi phạm điều cấm kinh doanh theo quy định hiện hành.

Bình gas phải được kiểm định mới được phép đưa ra thị trường

Theo đại diện Hiệp hội Gas VN, nghị định 19 về kinh doanh khí có quy định rất rõ về điều kiện để bình gas được phép lưu thông trên thị trường.

Đối với bình gas mới phải được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểm định an toàn chất lượng. Đối với bình gas đã lưu thông phải giữ nguyên thiết kế, màu sắc ban đầu khi kiểm định. Tối đa trong thời gian 5 năm, bình gas phải được tái kiểm và cấp giấy đủ điều kiện an toàn. Doanh nghiệp sản xuất bình gas phải lưu trữ đầy đủ hồ sơ của bình gas để theo dõi “vòng đời” vận hành của sản phẩm.

Hiện nay bình gas được sản xuất từ khá nhiều vật liệu như thép, composite... nhưng phải được kiểm định mới được phép lưu thông trên thị trường. Trong trường hợp bình gas đã lưu thông trên thị trường nhưng một thời gian sau mới có giấy kiểm định chất lượng có nghĩa doanh nghiệp đã không thực hiện đúng quy định.

Trách nhiệm này thuộc về phía doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Còn nguyên nhân vụ cháy do cơ quan điều tra xác định, bởi có nhiều yếu tố có thể gây ra như gas bị rò rỉ ở điểm nối giữa bình gas và van, rò rỉ do van gas hoặc dây dẫn gas kém chất lượng...

LÊ SƠN

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên