28/06/2019 13:41 GMT+7

Thiết bị y tế trị giá hơn 33 tỉ chỉ lưu kho, không phải 'bỏ đi'

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Trước dư luận cho rằng 273 thiết bị y tế lưu kho (trị giá trên 33 tỉ đồng) nhiều năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng là lãng phí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nói số thiết bị này đang chờ đưa vào sử dụng chứ không phải là tồn kho.

Thiết bị y tế trị giá hơn 33 tỉ chỉ lưu kho, không phải bỏ đi - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nơi có số thiết bị trị giá trên 33 tỉ đồng chưa đưa vào sử dụng - Ảnh - T. LŨY

Theo báo cáo, 273 trang thiết bị y tế này nằm trong gói trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư khoảng 22 triệu euro (tương đương 600 tỉ đồng); trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Pháp là 19,5 triệu euro, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. 

Dự án này lắp đặt trên 3.000 trang thiết bị cho bệnh viện, bắt đầu cung cấp từ 2015-2016, đến thời điểm này toàn bộ dự án đã kết thúc và các máy móc cũng đã hết bảo hành với nhà thầu cung cấp.

Trong số các thiết bị còn lưu kho này, theo báo cáo của phòng vật tư - thiết bị y tế của bệnh viện, một số thiết bị điện tử có giá trị có nguy cơ hư hỏng do tồn kho trong điều kiện bảo quản ẩm thấp, như máy làm ấm máu/dịch truyền, máy phân tích đo điện thế não, thiết bị kích thích nghe nhìn cho điện thế não, kính hiển vi phẫu thuật tai mũi họng, monitor di động không nhiễm từ, hệ thống X- quang cao tần…

Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết gói trang thiết bị ODA Pháp này đã được bệnh viện đưa vào sử dụng trên 95%, đạt hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân.

5% còn lại vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để từng bước sử dụng hết vì kế hoạch đầu tư dài hạn 5-10 năm chứ không thể nhận về dùng hết một lần.

Cụ thể, các thiết bị điện tử như đo điện thế não, kính hiển vi phẫu thuật tai mũi họng chuẩn bị được sử dụng khi bác sĩ đi học về; monitor không nhiễm từ cần phải có thêm các thiết bị đồng bộ không nhiễm từ vì cả bệnh viện chỉ có 1 máy này để dự phòng, ít sử dụng nên gửi kho. Riêng máy X-quang cũng đã dự trù 1 máy lắp đặt tại khu nhà khu bệnh lây nhiễm nhưng hiện nay nhu cầu chưa nhiều nên chưa thực hiện. 

"Máy làm ấm máu thì do giá thu cao, muốn sử dụng phải có xây dựng giá thu mà hiện bệnh viện đang xây dựng giá trình cơ quan chức năng. Còn các thiết bị khác như dụng cụ phẫu thuật, dao điện, bàn mổ… chúng tôi vẫn theo bảo dưỡng trong kho để dự phòng thay thế thiết bị cũ", ông Nghĩa nói.

Riêng phần tòa nhà và gói trang thiết bị là tách biệt, nên khi xây xong tòa nhà đã có sẵn như hệ thống đèn phòng mổ, giá treo trần, hệ thống hút, hệ thống tạo oxy cho phòng bệnh… nhưng trong gói ODA trang thiết bị cũng có phần này. 

"Trong phần này bệnh viện chỉ là đơn vị thụ hưởng và một phần do phía đơn vị tài trợ của Pháp tư vấn, nên chúng tôi sử dụng hệ thống có sẵn, không lắp đặt cái mới và để lưu trong kho chờ. Vấn đề lưu kho này bệnh viện cũng đã có giải trình gửi Sở Y tế TP Cần Thơ và chờ chỉ đạo", phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên