17/02/2014 08:57 GMT+7

Thiên Thiên - cuộc chơi đẹp và khó...

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Ngay sau khi các đêm diễn Thiên Thiên kết thúc, trước sảnh nhà hát TP.HCM bỗng trở thành nơi cho những “bàn tròn văn nghệ” khi khán giả cứ nán lại trò chuyện, tranh luận hay bày tỏ quan điểm của mình về vở kịch.

Việt Linh, bên ngoài sân khấu

defUexOu.jpgPhóng to
Diễn viên Minh Trang (phải, vai Thiên Thiên) và Hồng Ánh (vai Xoa) trong vở Thiên Thiên - Ảnh: Đại Ngô

Không có đường dây câu chuyện hay những thắt nút, mở nút đặc trưng của kịch nói, Thiên Thiên mang một “dáng vẻ” lạ lùng. Hoàn toàn không có chuyển cảnh như kịch sinh hoạt thường thấy, toàn bộ cảnh trí của vở diễn được hình tượng hóa bằng ánh sáng, bức màn hay những cánh cửa chuyển động. Hiện tại, quá khứ hay tương lai cùng nhau trở về và đan xen vào nhau. Trong không gian đứng yên và trừu tượng đó, ngay cả những nhân vật cũng mang những cái tên không bình thường. Họ là Si, Xoa, Thiên Thiên, Teng Beng, Trầm Luân, cô gái trẻ, ông bố, cô giúp việc, ông chủ... “Ði” cùng họ, người đàn bà tên Hậu đắm chìm trong bi kịch ảo giác của mình, tự hóa thân thành Thiên Thiên rồi chuyện trò, khơi gợi, an ủi, khuyên răn cho những bi kịch đời sống khác...

Hai giờ trên sân khấu vậy mà kéo theo đó rất nhiều chuyện trò. Ghé qua một “bàn tròn”, nghe thấy một khán giả thích thú: Vở kịch nghe thấy đã! Một khán giả khác lại bảo “lý lẽ sắc sảo nhưng hành động kịch ít nên nghe được nhiều mà xem được ít”.

Lời thoại sâu sắc và nhiều ý nghĩa là điểm sáng tuyệt đối của Thiên Thiên, từng câu từng chữ đều mang một sức nặng riêng. Như “những nỗi bất hạnh lớn luôn cần có nhân chứng”, “chỉ có trí thức mới đột nhiên á khẩu” hay “khinh bỉ cái xấu là quyền còn lại duy nhất của những ai bị lừa dối” đã khiến nhiều người giật mình rồi đồng cảm. Viết một bài trên mạng xã hội về những điều được và chưa được của Thiên Thiên, khán giả Tam Le cũng rất tâm đắc với lời kịch: “Thoại rất sâu và rất đời. Nhiều câu nghe xong không cười không được, mà cười cái miệng méo xệch. Nghe và nghĩ, và thấy không thể đúng hơn được nữa!”.

Nhưng cũng chính vì sức nặng dồn vô lời thoại lại khiến một khán giả trẻ khác cảm thấy “ngộp” vì: “Quá nhiều câu thoại hay, quá nhiều tuyên ngôn trong cùng một vở kịch nên... hơi mệt”.

Trân trọng thái độ công dân của Việt Linh trong tác phẩm sân khấu đầu tay này, nhà văn Dạ Ngân cho rằng chất thông tấn đã được tác giả xử lý rất tốt bằng những mảnh ghép đại diện cho mỗi số phận rất đặc trưng trong xã hội ngày nay. Thực tế cuộc sống dữ dội va đập vào mỗi người khiến không có ai là người ngoài cuộc. Câu chuyện Thiên Thiên tưởng là rất “trên trời” nhưng lại có thể liên quan đến bất cứ ai. Dạ Ngân chỉ tiếc rằng “nếu như kịch bản văn học rất Tây và rất sang này được Việt Linh tin tưởng giao cho một đạo diễn sân khấu giàu kinh nghiệm khác thì hẳn là sẽ hay hơn rất nhiều. Những miếng dàn dựng trên sân khấu sẽ không bị dẫn dắt quá nhiều bởi kịch bản văn học mà sẽ có đời sống sáng tạo riêng. Và giá như âm thanh tốt hơn, dàn diễn viên có đài từ chuẩn hơn, kinh nghiệm đóng chính kịch hơn thì vở diễn hẳn là sẽ tới hơn, đỡ uổng hơn”.

Với những điều “giá như” này, Việt Linh có lẽ biết và hiểu. Nhưng với một đội kịch được “gom góp” từ những tên tuổi vì yêu mến và tin cậy Việt Linh mà nhận lời (chứ chưa hẳn là những người chuyên về sân khấu); với quá trình tập luyện và dàn dựng giữa muôn vàn khó khăn về thời gian và tài chính; với nhiều ý tưởng bay bổng nhưng lại bị kéo xuống bởi những quy định thực tế... thì Thiên Thiên vẫn là một tác phẩm đáng trân trọng.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Nói như nhà văn Dạ Ngân, giữa thời buổi đạo đức bị phân hủy và bốc mùi, cuộc chơi nghệ thuật của Việt Linh là một thử thách đơn độc và can đảm.

Còn khoảng cách từ kịch bản đến vở diễn

Thiên Thiên là một kịch bản hay và mới theo sự đọc của tôi. Hay, vì tác giả Việt Linh đã thông qua nữ nhân vật chính Thiên Thiên dám đối đầu và đối thoại về những vấn đề đời sống đang đặt ra bức xúc trong xã hội Việt Nam hôm nay. Tình yêu và sự ích kỷ, sự vô trách nhiệm của cha mẹ với con cái, sự vô cảm, dửng dưng của người với người... Đúng là ngay từ khi đọc kịch bản, người đọc đã có thể có một cảm xúc được đong đầy, chứ chưa cần vở diễn phải ló dạng trên sân khấu.

Song, kịch bản hay và mới chưa chắc dẫn đến một vở diễn mới và hay, mặc dù Việt Linh đích thân dàn dựng kịch bản của chính mình cùng đồng đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Những gì vở diễn trình ra trên sân khấu hóa ra đã quá nặng về lời thoại (với đài từ của diễn viên phần lớn chưa đi đến đáy chữ nghĩa vốn tường minh của Việt Linh, khiến chữ của Linh bị mỏng dẹp, bị ép chặt vào lời), không chừa chỗ cho cái diễn vốn là ngôn ngữ buộc phải có của xung đột kịch trên sân khấu.

Tôi nghĩ nếu coi đây là một cuộc chơi nghệ thuật thì vở diễn của Việt Linh đã thành công. Bởi nó đã cuốn theo rất nhiều người cùng chơi với nhiều sắc thái thưởng thức. Như thế, vở diễn đã là mới và ấn tượng trong sự bình bình đã rất dài dài của sân khấu hôm nay ở cả hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên