Thiên Sơn và chiếc hộp DK1
Thiên Sơn tại báo Tuổi Trẻ sáng 10-11 - Ảnh: Đặng Tươi |
Nhưng chiếc hộp ấy không chỉ là tiền.
Những bài báo nhiều kỳ đăng trên Tuổi Trẻ “72 giờ trên nhà giàn DK1”, “DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa”, “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau”... được ép cẩn thận trên những tấm bìa cứng là bộ sưu tập của Sơn. Sơn làm việc này từ khoảng nửa năm nay.
Điều cuốn hút bất ngờ
“Đơn giản thôi, những tư liệu này cuốn hút mình, khi mình có dịp so sánh với những thông tin nhiều chiều khác trên mạng hoặc trong những tư liệu lịch sử nước ngoài” - Sơn nói. Không chỉ về nhà giàn DK1, những bài báo được cắt thẳng thớm trong bộ sưu tập của Sơn còn là những bài lịch sử “Trước yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích biển Đông: không chấp nhận đường “lưỡi bò”, “Một hành trình chuộc lỗi”, “Ta đã xác lập chủ quyền rõ ràng ở Hoàng Sa”... Bản đồ “lưỡi bò” cũng được Sơn cắt ra và dùng bút bi nối các điểm để nhìn rõ hình “lưỡi bò”. Nguyên tờ báo 2-9-2009 cũng được Sơn giữ lại.
Sơn kể mình nghỉ học một năm để chuẩn bị tiếng Anh cho cuộc sống tương lai ở Mỹ. Lúc này Sơn mới bắt đầu đọc báo mỗi ngày, coi phim, lên mạng tìm hiểu sâu về lịch sử Việt Nam.
Thú vị, hấp dẫn và tự hào với những tư liệu ngồn ngộn, những trận thắng “kinh thiên động địa” của Việt Nam, Sơn quay lại tìm sách lịch sử những năm cấp II mới giật mình:“Mình đã học điều này rồi à?”. Có những thông tin nhiều chiều, nhiều tranh luận chưa ngã ngũ, Sơn đem hỏi ông ngoại. Hai ông cháu có dịp trao đổi, phân tích sâu những câu chuyện ấy.
Bạn tâm tư: “Ước gì ở trường thầy giáo cũng giống như ông ngoại mình, cùng đối thoại với học sinh. Mình nghĩ cải tiến bộ sách sử và thay đổi phương pháp dạy, học sử là điều cần thiết nhất hiện nay. Bài giảng, bài thi đi kèm chứng cứ, phim ảnh, không đặt những câu đại loại “trận này diễn ra ngày mấy, bao nhiêu quân” mà thay bằng “ý nghĩa của trận đánh”. Làm như vậy học sinh mới có cơ hội động não, rồi từ hiểu lịch sử mới yêu đất nước”.
Tiếp tục hành trình
Khâm phục “Mình không tưởng tượng được có ngôi nhà trên biển như thế và những người rất trẻ sống cùng sóng to gió dập giữ thềm lục địa mà luôn nở nụ cười tươi” - Thiên Sơn vừa lần giở những tấm hình đăng trên báo về lính nhà giàn DK1 vừa nói. |
Bài báo của Tuổi Trẻ “Hãy làm DK1 rực sáng biển đêm” khiến Sơn xúc động. Cậu học trò từ đấy có thói quen mang hết tiền lẻ về bỏ vào chiếc hộp chữ nhật màu mận chín với hình logo “Chung tay thắp sáng nhà giàn”. Có người cho 300.000 đồng, Sơn dành hẳn tờ 100.000 đồng bỏ vào hộp. Ky cóp trong hai tháng, hôm nay Sơn cùng chị tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ phân loại tiền và đếm: 430.100 đồng.
Cùng đi với Sơn, ông ngoại góp thêm 500.000 đồng tặng chiến sĩ DK1. Niềm vui ánh lên trong mắt người ông: “Chính tôi cũng ngạc nhiên với suy nghĩ của cháu. Tôi đã thấy qua cháu mình hình ảnh giới trẻ không bàng quan với sự kiện đất nước”. Còn Sơn nói rằng việc làm của mình không phải mang ý nghĩa “đóng góp” mà là nghĩa vụ vì những người lính nhà giàn đã hi sinh tháng ngày tuổi trẻ của họ.
Sắp xếp gọn gàng những bài báo sưu tầm, Sơn cho biết thêm đó sẽ là hành trang quý bạn dùng làm luận án - một cách học phổ biến của nước Mỹ - về lịch sử Việt Nam, để nhận cái nhìn công bằng, không chống đối, đặc biệt của những bạn trẻ Việt trên đất Mỹ.
Giữ lại chiếc hộp có logo DK1, Sơn nói: “Mình sẽ mang nó sang Mỹ, rủ những người bạn mới tiếp tục cuộc hành trình “chung tay”.
ĐẶNG TƯƠI
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
>> Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bão>> Kỳ 2: Những người đầu tiên>> Kỳ 3: Đương đầu cùng bão biển>> Kỳ 4: Đêm xé lòng: 2A đâu? 2A...>> Kỳ 5: Khúc bi tráng trên biển>> Kỳ 6: Nhành san hô trên bàn thờ liệt sĩ>> Kỳ 7: Có những niềm riêng>> Hãy làm DK1 rực sáng biển đêm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận