Hình ảnh con thiên nga trắng nằm trong chiếc tổ giữa những rác và rác tại một cái hồ ở Cohenhagen, Đan Mạch được chọn là ảnh khoa học ấn tượng nhất tháng 4 - Ảnh: AFP
Theo tạp chí Nature, bức ảnh là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa.
Hội bảo tồn Thiên nhiên Đan Mạch cho biết ô nhiễm rác nhựa là vấn đề đặc biệt nguy hiểm với các loài chim, vì chúng luôn nhầm rác nhựa với các loại thức ăn tự nhiên.
Ngoài bức ảnh về "thiên nga sống trong rác", tháng 4 cũng còn nhiều hình ảnh liên quan vấn đề khoa học và công nghệ ấn tượng khác.
Đám mây Magellanic lớn - Ảnh: ESA/GAIA/DPAC
Hình ảnh trên thoạt trông giống như hình vân tay này là hình chụp Đám mây Magellanic lớn (Large Magellanic Cloud), là một thiên hà vô định hình lùn trong nhóm láng giềng của dải Ngân Hà.
Đây là một trong những dải ngân hà lùn lớn nhất quay quanh Ngân Hà. Hình ảnh do Cơ quan vũ trụ châu Âu cung cấp.
Ông chủ Facebook tới điều trần tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: MARK REYNOLDS/EPA-EFE/REX/SHUTTERSTOCK
Trong tháng 4, ông chủ mạng xã hội Facebook, tỉ phú Mark Zuckerberg, phải điều trần 2 phiên với tổng cộng 10 giờ đồng hồ trước Hạ viện và Thượng viện liên quan tới việc rò rỉ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.
Hình ảnh tại lò phản ứng hạt nhân số 3 tại Chernobyl, Ukraine nhân kỷ niệm 32 năm xảy ra thảm họa hạt nhân (25-4-1986) - Ảnh: REUTERS
Nhân kỷ niệm 32 năm xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, các nhà báo đã tới thăm lại lò phản ứng này tại Ukraine ngày 20-4.
Trong bức ảnh trên là cảnh một người trong chuyến thăm đang cầm trên tay một con bướm được tìm thấy ở căn phòng để máy bơm của lò phản ứng số 3.
Nấm phát quang ở Úc - Ảnh: PETAR B/REX/SHUTTERSTOCK
Hình ảnh trên khiến người ta tưởng là một cảnh trong phim Flubber năm 1997 có sự tham gia của tài tử Robin Williams, nhưng trên thực tế đó là một loại nấm ma có khả năng phát quang sinh học (tên khoa học là Omphalotus nidiformis).
Loài nấm lạ này được tìm thấy dọc theo sông Nattai ở Mittagong, Úc. Tuy nhiên với điều kiện ít mưa hơn trong năm nay ở vùng này, người ta rất khó để tìm thấy chúng.
Vết chân khủng long hóa thạch ở Scotland - Ảnh: PAIGE DEPOLO, UNIV. EDINBURGH
Đây là vết chân của một con khủng long ăn cỏ cổ dài cao 2m, một trong những hàng chục vết tích khảo cổ hiếm hoi được tìm thấy trên đảo Skye ở Scotland.
Vết chân khủng long được các nhà nghiên cứu mô tả trong tháng 4 vừa rồi. Chúng cung cấp cho các nhà cổ sinh vật học cái nhìn sâu hơn về giai đoạn Middle Jurassic, một cách phân kỳ niên đại khảo cổ của Scotland.
Sét đánh trong lúc núi lửa phun trào ở đỉnh Shinmoedake ở tây nam Nhật Bản ngày 5-4 - Ảnh: REUTERS
Đây là bức ảnh ghi lại hiện tượng sét xuất hiện trong khi núi lửa phun trào (hay còn có tên là "giông bão bẩn") ở núi Shinmoedake, miền tây nam nước Nhật ngày 5-4. Nhiệt độ bên trong ánh chớp kia lên tới 30.000 độ C.
Loài rùa hiếm có "lông" trên đầu (thực ra là một loại rong rêu) ở Úc - Ảnh: CHRIS VAN WYK/ZSL
Hình ảnh con rùa với một nhúm "lông" trên đầu này trông thật ngộ nghĩnh. Nhưng tháng 4 vừa qua, Hội động vật học London đã liệt kê loài này là một trong những loài bò sát có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Loài rùa "loắt choắt" có tên khoa học là Elusor macrurus này thường dài 40 cm và chỉ được tìm thấy ở sông Mary tại Queensland, Úc. Phần "lông" trên đầu nó thực chất là một nhóm rong rêu mọc lên từ chính cơ thể rùa.
Mưa vũ trụ do tàu vũ trụ Rosetta ghi lại - Ảnh: EUROPEAN ROSETTA
Bức ảnh động này được tung lên mạng xã hội Twitter tháng trước, cho thấy những gì được ghi lại từ sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, còn gọi là sao chổi Churyumov–Gerasimenko.
Đoạn hình ảnh động được tạo nên từ 33 khung hình do tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ghi lại năm 2014 sau một hành trình dài cả thập kỷ.
Những hình ảnh này được chụp trong lúc tàu vũ trụ đi vào quỹ đạo của sao chổi ở thời điểm tháng 6-2016. Trong làn "mưa vũ trụ" đó, người ta đã thấy các mẩu bụi, băng đổ xuống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận