28/03/2021 09:48 GMT+7

Thiên đường ở Lùng Cúng

NGUYỄN HƯỜNG - VĂN DUY
NGUYỄN HƯỜNG - VĂN DUY

TTO - Nằm khá xa những ngọn núi khác, Lùng Cúng (Yên Bái) mang vẻ đẹp rất riêng biệt với đỉnh núi thoáng rộng, nơi mà du khách được ngắm vẻ đẹp hoang sơ của rừng phong mùa thay lá, rảo bước trên thảo nguyên bồng bềnh giữa biển mây...

Thiên đường ở Lùng Cúng - Ảnh 1.

Du khách chờ đợi khoảnh khắc được đón ánh bình mình trên đỉnh núi cao gần 3.000m - Ảnh: Ng.Hường

Từ Hà Nội, rong ruổi theo quốc lộ 32 hơn 250km đến xã Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái), chúng tôi bắt đầu vào xã Nậm Có để leo Lùng Cúng. Dù đoạn đường này chỉ có 12-13km nhưng độ dốc lớn, lại trơn trượt rất khó đi. Ngay cả những phượt thủ chuyên nghiệp cũng phải dừng gửi xe vào nhà dân để cuốc bộ hoặc thuê xe ôm bản địa.

Lạc vào thế giới rừng già

Có ba bản nằm dưới chân núi với ba cung đường lên đỉnh để du khách lựa chọn, đó là từ bản Lùng Cúng, từ bản Thào Chua Chải và từ bản Tu San. Sau một hồi thảo luận, theo lời tư vấn của hai porter dẫn đường người Mông là Hồ Tòng và Hờ A Trừ, cả nhóm quyết định chọn cung leo từ bản Tu San để được khám phá nhiều cảnh đẹp núi rừng.

Cung đường này có cây cối che chắn nên dù đi vào hôm nắng cũng cảm thấy dễ chịu. Những ngọn núi cao ở Tây Bắc thường có suối nước và Lùng Cúng cũng không ngoại lệ. Đường ra suối chỉ có người bản địa biết, các porter đưa cả nhóm đến một con suối trong vắt chảy ào ào qua những phiến đá lớn để nghỉ ngơi lấy sức, rửa ráy trước khi tiếp tục hành trình.

Ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, mây mù bắt đầu bao phủ dày đặc khắp cánh rừng. Chỉ cách nhau vài chục mét là đã khuất dạng. Mọi người bắt đầu lạc vào cánh rừng già âm u với những thân cây dẻ cổ thụ, rồi cây dây leo chằng chịt. 

Có những gốc đại thụ ba người ôm không xuể. Cây cao vút, thẳng tắp trong sương mù chẳng thấy ngọn đâu. Mấy anh chàng, cô nàng tỏ vẻ thích thú khi đu thử trên mấy cây dây leo như trò của người rừng Tarzan.

Giữa màu xanh của rừng già, bỗng xuất hiện những cây phong cổ thụ lá ngả vàng, ngả đỏ đầy cuốn hút. Nhiều cây phong cổ thụ ở đây mọc từ vài trăm năm trước. Phong và rêu giữa cánh rừng già mờ sương đã tạo nên bức tranh phong cảnh ấn tượng. Theo porter Hờ A Trừ, để gặp mùa rừng phong thay lá đẹp nhất, du khách cần đi vào khoảng từ cuối tháng 11 đến tết dương lịch.

Trời mới giữa chiều nhưng đã tối mịt, chúng tôi theo chân Hồ Tòng và Hờ A Trừ tới nghỉ ngơi tại lán gỗ của người Mông, được bà con dựng giữa những tán cây cổ thụ với một lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc. Đây là điểm dừng chân không thể thiếu trong mỗi chuyến leo Lùng Cúng, người bản địa cũng đến đây trú mưa rừng trong mỗi chuyến đi.

Thảo nguyên giữa biển mây

Ai nấy hò nhau dậy thật sớm vào sáng hôm sau để tìm lên đỉnh kịp đón ánh bình minh. Càng lên cao nhiệt độ trên núi càng giảm. Giữa ban sáng nhiệt độ trên đỉnh Lùng Cúng chỉ còn 7-8 độ C. Mấy cô gái trong nhóm cho biết nếu cứ leo liên tục toát mồ hôi thì không sao, chứ đứng lại một lúc gió thổi ào ào tạt vào người là bắt đầu cảm thấy rét run. Đến gần đỉnh núi, khung cảnh trở nên quang đãng, không gian bao la bốn phía.

Mọi người đội khăn, trùm mũ và mặc tất cả quần áo ấm mang theo rồi cùng nhau đứng chờ đón ánh bình minh. Do quá lạnh, chúng tôi phải nhờ đến sức nóng của ngọn lửa giữ ấm cơ thể. Ánh mặt trời vàng rực từ từ nhô lên khỏi biển mây, khỏi những dải núi trùng điệp Tây Bắc. Khoảnh khắc ấy chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng ai cũng cố chịu rét đứng đợi để được ngắm. Bức tranh phong cảnh núi rừng lúc này đẹp huyền ảo không có từ nào tả xiết.

Đặt chân tới khu vực đỉnh núi gắn chóp inox ghi độ cao 2.913m khi mặt trời đã nhô cao. Những biển mây vần vũ ôm ấp núi rừng. Gió thổi mây trôi thành những con sóng dữ dội như quần long tranh bá. Ai cũng tìm cho mình một mỏm đá để ngồi ngắm cảnh đến ngẩn ngơ quên lối về. Không giống với một số núi khác đã chinh phục, đỉnh Lùng Cúng khá bằng phẳng, chỉ toàn đồi cỏ và những bụi cây thấp.

Đứng ở khu vực chóp inox, du khách có thể ngắm thung lũng mây bay bên dưới, nơi có bản Lùng Cúng hoặc nhìn sang xã Chế Cu Nha hay phóng tầm mắt ra xa ngắm vùng núi rừng xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Đứng trên đỉnh núi hà hít hương sắc của đất trời, ngỡ như mình còn cao hơn mây mới thấy đáng cho hành trình vất vả, rét mướt đã qua. Ai cũng cố gắng mở mọi giác quan từ tai, mắt để thưởng lãm, cảm thụ món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.

Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Bản Lùng Cúng là địa bàn sinh sống của hơn 300 hộ người Thái, có cả người Kinh.

Theo người dân bản địa, thời gian leo núi Lùng Cúng thích hợp là vào mùa khô ở miền Bắc, từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch. Nếu đi từ 1-3 khách, cần thuê 1 porter, từ 4 khách trở lên cần thuê 2 hoặc 3 porter. Có thể chuẩn bị đồ ăn từ trước hoặc nhờ porter mua hộ xôi, gà, thịt heo ở dưới bản mang theo...

lungcung0102 1(read-only)

Du khách “tự sướng” với chóp inox ghi độ cao 2.913m của đỉnh núi - Ảnh: Ng.Hường

Để leo núi an toàn, du khách cần nghiên cứu tổng thể: địa hình, theo dõi dự báo thời tiết, văn hóa bản địa; rèn luyện thể lực trước chuyến leo núi ít nhất 3 tháng, đi theo nhóm đã quen biết trước để dễ dàng phối hợp khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, phải chuẩn bị đầy đủ đồ đạc (quần áo giữ ấm, chống thấm, mũ, găng tay, giày leo núi, áo mưa, kem chống vắt, thuốc cá nhân, gậy leo núi, đèn pin, bản đồ GPS, nước tăng lực...), chuẩn bị kỹ năng sống trong rừng và... mua bảo hiểm.

Ngắm hoa ban nở, trải nghiệm thồ hàng qua đèo Pha Đin Ngắm hoa ban nở, trải nghiệm thồ hàng qua đèo Pha Đin

TTO - Không chỉ ngắm hoa ban, du khách còn được tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại với nhiều dấu tích ở vùng Tây Bắc, đến trải nghiệm thồ hàng tới Điện Biên Phủ.

NGUYỄN HƯỜNG - VĂN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên