Thí sinh được mời du ngoạn trên sông Sài Gòn trước khi làm bài thi - Ảnh: H.HG
Trải nghiệm là hoạt động đầu tiên của hội thi: thí sinh ngắm nhìn thành phố nơi mình đang sống trong buổi bình minh tươi sáng từ trên tàu.
Sau đó, học sinh được đưa về Bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) để tham gia hoạt động sáng tạo với 2 phần thi:
Ở phần 1, mỗi thí sinh được phát một tấm thiệp và một số bút để viết và trang trí cho tấm thiệp với yêu cầu:
"Ngắm nhìn thành phố từ một góc khác...
Có bạn nghĩ đến "Hi vọng" - hi vọng thành phố chuyển mình với bao đổi thay, sánh vai cùng các thành phố lớn khác trên thế giới.
Có bạn cảm thấy "Mến thương" - mến thương thành phố yêu dấu, nơi em lớn lên từng ngày với bao kỷ niệm ngọt ngào, êm đềm.
Còn em, nếu được chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của em về thành phố thì em sẽ chọn từ gì?
Hãy viết thật đẹp từ em đã chọn vào tấm thiệp. Và lý giải ngắn gọn vì sao em chọn từ đó (viết trên tấm thiệp, trong khoảng 50 chữ)".
Thí sinh làm bài thi giữa cảnh sông nước hữu tình bên Bến Bạch Đằng - Ảnh: H.HG
Trong phần 2, thí sinh làm bài thi trên giấy.
Đề dành cho học sinh khối 6-7:
"Ngắm nhìn thành phố thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không?
Từ những cảm xúc ấy, em hãy sáng tác một bài thơ/kể một câu chuyện hoặc viết một bài văn biểu cảm về cuộc dạo chơi ngắm nhìn thành phố sáng nay với nhan đề "Hành trình trải nghiệm - Hành trình cảm xúc".
Toàn cảnh Hội thi Văn hay - Chữ tốt 2021 ở Bến Bạch Đằng - Ảnh: H.HG
Đề dành cho học sinh khối 8-9:
"Ngắm nhìn thành phố thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không?
Từ những cảm xúc, suy nghĩ ấy, em hãy viết bài văn với nhan đề "Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu".
Cuộc thi Văn hay - Chữ tốt được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức thường niên. Trải qua 21 năm, ban tổ chức cuộc thi nỗ lực đổi mới để tạo một sân chơi ý nghĩa, thiết thực cho học sinh yêu thích nghệ thuật viết chữ và sáng tạo văn chương.
Th.S Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Văn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, chia sẻ: "Hội thi tạo điều kiện cho thí sinh trải nghiệm nhằm mục đích khơi lên cảm xúc, suy nghĩ của các em về thành phố nơi mình đang sống. Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người TP.HCM, các em có được nguồn cảm hứng và ngữ liệu để sáng tạo văn chương.
Chúng tôi hi vọng hội thi sẽ giúp nối kết môn Ngữ văn trong nhà trường với cuộc sống muôn màu, nối kết trang sách với cuộc đời đồng thời tác động tích cực đến việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận