19/12/2022 19:18 GMT+7

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: ‘Thanh tra, kiểm tra chưa đến nơi đến chốn’

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: ‘Thanh tra, kiểm tra chưa đến nơi đến chốn’ - Ảnh 1.

Phát biểu chỉ đạo ngành tài chính, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động đề xuất tiếp tục miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân - Ảnh: BTC

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023, chiều 19-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát mức 3,5%, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8%.

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu ở mức hợp lý như giá điện ba năm nay chưa tăng... Dù chưa theo quy luật thị trường nhưng không có giải pháp nào hoàn hảo mà phải chọn giải pháp tốt nhất. Vì mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo đời sống của người dân được nâng lên.

Phải nuôi dưỡng nguồn thu

Đánh giá tình hình năm 2023, theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị vẫn chưa biết khi nào mới kết thúc.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu miễn, giảm thuế và phí cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2022 chúng ta đã miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí với hơn 220.000 tỉ đồng. Nhưng năm sau kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thì cần phải tiếp tục miễn, giảm thuế và phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

"Bộ Tài chính phải chủ động xây dựng chính sách góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo thuận lợi doanh nghiệp ổn định và phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân. Khi đó, ngành tài chính mới thu được thuế. Miễn, giảm thuế và phí là nuôi dưỡng nguồn thu, mới có nguồn thu bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, Thủ tướng cho rằng ngành tài chính phải quản lý thu đúng, thu đủ và kịp thời vào ngân sách. Quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh như từ giao dịch thương mại điện tử, đôn đốc thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế.

Về quản lý chi, ông yêu cầu ngành tài chính phải quản lý chi ngân sách chặt chẽ, đặc biệt tiết kiệm chi thường xuyên 10% ngay từ đầu năm. Chi thường xuyên còn rất lãng phí, nên còn dư địa để tiết kiệm, nhất là trong lúc khó khăn này.

Đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên chi cho chương trình phục hồi, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tập trung giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Phải nâng chất lượng thị trường trái phiếu

Về quản lý thị trường tài chính, người đứng đầu Chính phủ giao ngành tài chính sớm củng cố và nâng cao chất lượng các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp. Một số điểm mờ của ngành tài chính nằm ở chỗ này.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rà soát lại chính sách và ngồi lại với nhà phát hành trái phiếu, các trái chủ để cùng tháo gỡ.

"Không có gì là không giải quyết được. Lúc thị trường thuận lợi thì phát hành lãi suất 10 - 15%/ năm. Còn nay thị trường khó khăn thì phải ngồi lại để rà soát về mặt thể chế cần phải gỡ cái gì và xem xét cơ cấu lại lãi suất, thời hạn, cách trả lãi suất…" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Nhà nước phải quản lý cho thị trường lành mạnh. Khi thị trường không bình thường thì phải có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước tôn trọng quy luật thị trường, cung cầu, cạnh tranh nhưng khi tình hình xấu thì phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Nguyên tắc tháo gỡ là hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, còn khó khăn, rủi ro thì cùng chia sẻ.

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Như quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, rõ ràng Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra chưa đến nơi đến chốn.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo riêng giảm thuế và phí trong năm nay là 223.000 tỉ đồng gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, 37 khoản phí… Dù giảm thuế, phí nhưng đến nay, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 1,69 triệu tỉ đồng, thu vượt dự toán 19% dự toán.

Muốn tăng thu ngân sách, cần tiếp tục miễn và giảm thuế, phí Muốn tăng thu ngân sách, cần tiếp tục miễn và giảm thuế, phí

TTO - Tính đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách đạt 1,638 triệu tỉ đồng, không chỉ về đích sớm hơn một tháng mà còn vượt 227.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên