17/04/2019 15:00 GMT+7

Thị trường nhạc Việt: Sẵn sàng 'streaming' cho một kỷ nguyên vàng?

Thiên Thanh
Thiên Thanh

TTO - Một hệ sinh thái âm nhạc chuyên nghiệp đang manh nha hình thành tại Việt Nam với động lực streaming (phát trực tuyến), cho thấy nhạc Việt đã sẵn sàng để đổi thay, hội nhập và phát triển.

Thị trường nhạc Việt: Sẵn sàng streaming cho một kỷ nguyên vàng? - Ảnh 1.

Sự kiện Beyond The Music bàn về cách thức xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam lớn mạnh

Streaming và nền âm nhạc toàn cầu hóa

Theo báo cáo do Liên đoàn Ghi âm Quốc tế (IFPI) công bố gần đây, tổng giá trị ngành công nghiệp thu âm âm nhạc toàn cầu trong năm 2018 ước đạt 19,1 tỉ đôla Mỹ, tăng 9,7% so với năm 2017, với sáu nguồn thu chính: Streaming, băng đĩa nhạc, downloads (tải nhạc trực tuyến), chi phí tác quyền biểu diễn, các nguồn thu kĩ thuật số ngoài streaming và các khoản thu đồng bộ hóa. Trong đó, thị phần streaming đóng góp tới 46,9% tổng doanh thu, phản ánh tăng trưởng ở tất cả các khu vực.

Để hiểu hơn về tầm ảnh hưởng của streaming, không gì tốt hơn là học hỏi mô hình của một vài công ty cung cấp dịch vụ stream nhạc quen thuộc trên thế giới, trong đó có Spotify. Hơn một thập kỷ kể từ ngày đầu ra mắt, Spotify đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng âm nhạc toàn cầu. 

Chú trọng xây dựng một nền tảng công nghệ vững vàng, làm việc chặt chẽ với các công ty thu âm, các đơn vị phát hành nhạc và với chính các nghệ sĩ, Spotify hiện đã xây dựng được một "lực lượng" hùng hậu lên tới 207 triệu người nghe trên toàn cầu, hiện diện tại 79 quốc gia với kho nhạc hơn 40 triệu ca khúc và hơn ba tỉ playlist (danh mục).

Sự ưu việt của dịch vụ đến từ cơ chế "freemium" độc đáo: bạn không nhất thiết phải trả tiền mới được thưởng thức nhạc trên Spotify. 

Hơn nữa, tính "cá nhân hóa" cao khiến Spotify dễ dàng "gây nghiện", bởi khả năng "đọc vị" sở thích người dùng, gợi ý những giai điệu phù hợp thị hiếu và thậm chí là cả tâm trạng người nghe.

Với các nghệ sĩ, giá trị của những nền tảng như Spotify còn nhiều hơn thế. Chia sẻ cảm nhận của riêng mình sau thời gian hợp tác với dịch vụ, Vũ Cát Tường - một trong những nghệ sĩ Việt sớm ký kết phân phối nhạc trực tuyến trên Spotify - khẳng định: "Tôi đặc biệt ấn tượng với khả năng biên tập của đội ngũ Spotify. 

Bên cạnh những fan hâm mộ trực tiếp thưởng thức album của mình, cũng sẽ có những người nghe trung lập tiếp cận âm nhạc của tôi qua những playlist khác trên hệ thống. Và bằng cách đó, biên tập viên kết nối từng bài hát của tôi tới những playlist ‘trung gian’ phù hợp, từ đó giúp âm nhạc của Tường tiếp cận và thu hút thêm nhiều người nghe."

Sự rõ ràng, minh bạch về mặt số liệu cũng là điều khiến nhiều nghệ sĩ tâm đắc, giúp họ biết được fan của mình đang đến từ đâu để có thể lên kế hoạch làm album, concert, trả lời được những câu hỏi như quy mô bao nhiêu là đủ, giá vé bao nhiêu là hợp lý… 

Tất cả các nghệ sĩ hợp tác với Spotify đều có thể dễ dàng truy cập một ứng dụng dành riêng cho họ (Spotify For Artist) để nắm bắt thông tin và tối ưu hóa giá trị của nền tảng stream nhạc ưu việt này.

Xây dựng hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam: Vượt qua thách thức

Tại Việt Nam, streaming không phải là một hình thức nghe nhạc xa lạ, nhưng vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển. Với 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, thời lượng stream nhạc trung bình mỗi ngày vào khoảng 1 tiếng 11 phút (số liệu cập nhật tháng 1-2019 của We Are Social), tiềm năng của streaming tại Việt Nam là vô cùng to lớn.

Sự ra đời và lên ngôi của streaming cũng kéo theo những nhu cầu cấp thiết xây dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh và hoàn thiện. 

Đó là bởi streaming đánh động trực tiếp tới vấn đề bản quyền và duy trì các giá trị gia tăng từ bản quyền, đảm bảo quyền lợi cho người nghệ sĩ, người nghe nhạc và các thành phần liên quan.

Thị trường nhạc Việt: Sẵn sàng streaming cho một kỷ nguyên vàng? - Ảnh 2.

Âm nhạc của chúng tôi đến được với nhiều người nghe hơn, đem đến sự lạc quan về một thị trường âm nhạc bản quyền và có trả phí - Đen Vâu chia sẻ

"Trong kỷ nguyên số hóa, bản quyền âm nhạc nói riêng và bản quyền sáng tạo nói chung trở thành một tài sản mang giá trị trọn đời. Đó không còn là câu chuyện bán ra một chiếc đĩa CD, hay tải về một bản nhạc trên các trang trực tuyến. 

Đó là câu chuyện tái tạo giá trị liên tục từ bản quyền, với dòng doanh thu đa dạng đến từ lượt stream có thu phí, chi phí quảng cáo trên nền tảng, các buổi concert, touring, cho tới các hình thức quảng bá, tài trợ thương mại. 

Một hệ sinh thái âm nhạc phát triển sẽ trả lời được những câu hỏi cơ bản: làm thế nào để bảo vệ bản quyền, đâu là chiến lược phát hành phù hợp, làm sao để thu phí từ hoạt động biểu diễn, làm thế nào để giải quyết rốt ráo vấn đề quyền xuất bản qua các phương tiện biểu đạt khác nhau..." - ông Chee Meng Tan, Trưởng ban Marketing mảng Nghệ sĩ & Thu âm, Spotify Đông Nam Á, cho hay.

Rõ ràng, giải quyết được vấn đề mang tính "hệ thống" sẽ giúp giải phóng người nghệ sĩ khỏi những vướng bận phi nghệ thuật. Đó cũng chính là thách thức đặt ra cho toàn ngành công nghiệp âm nhạc. 

"Nhìn ở bề mặt, thị trường âm nhạc Việt Nam hiện đang phát triển rất sôi nổi. Chúng ta không thiếu những tài năng. Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu đi một bộ máy vận hành bài bản, chuyên nghiệp đứng đằng sau những người nghệ sĩ, đồng hành cùng nghệ sĩ trong quá trình xây dựng chiến lược, quản lý các vấn đề đầu tư, tài chính… để người nghệ sĩ yên tâm theo đuổi những sáng tạo nghệ thuật của riêng mình", Vũ Cát Tường nói thêm.

Nắm bắt cơ hội: Sẵn sàng cho kỷ nguyên vàng

Trong sự kiện chuyên môn đặc biệt mang tên Beyond The Music do dịch vụ âm nhạc Spotify tổ chức đầu tháng tư vừa qua tại TP.HCM, hơn 200 nghệ sĩ, ca sĩ, người làm nhạc và các đại diện của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc trong nước cũng như nước ngoài đã cùng tụ hội để bàn về cách thức xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam vững mạnh. 

Với mô hình phiên thảo luận nhóm, workshop sáng tạo và networking, sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn như: Universal Music Group, Warner Music, Sony Music, YG Entertainment, và đặc biệt là sự hiện diện của "hoàng tử EDM" Alan Walker với vai trò diễn giả.

Sự kiện mới mẻ và chưa từng có tiền lệ cho thấy nỗ lực của những đơn vị chuyên môn trong việc thúc đẩy một hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đặt trọng tâm vào quyền lợi chính đáng và công bằng cho mọi đối tượng nghệ sĩ, bất kể họ là nghệ sĩ mainstream hay indie/underground, theo đuổi bất kỳ thể loại âm nhạc nào và đang ở giai đoạn nào trong hành trình phát triển sự nghiệp.

Tham dự gần như trọn vẹn các phiên thảo luận, rapper Đen Vâu chia sẻ niềm tin vào tương lai của thị trường nhạc Việt, đặc biệt là tương lai cho những "người anh em Underground": "Trước kia, Đen và những anh em khác hoạt động underground không bao giờ nghĩ rằng mình có thể kiếm sống được bằng âm nhạc. 

Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác rồi. Chúng tôi có được thu nhập từ YouTube, từ Spotify, từ các nền tảng trực tuyến khác nữa. Âm nhạc của chúng tôi đến được với nhiều người nghe hơn, đem đến sự lạc quan về một thị trường âm nhạc bản quyền và có trả phí".

Vẫn còn đó những thách thức, nhưng cộng đồng người làm nhạc Việt Nam, với sự đồng hành của những nền tảng quốc tế, đang cùng nhau thực hiện những bước đi đầu tiên tiến tới chuyên nghiệp và phát triển bền vững.

Chúng đang trên hành trình tiến tới ‘kỷ nguyên vàng’ mới của nền âm nhạc với động lực streaming, và chúng tôi ở đây để đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng của hành trình đó

Như lời của ông Gautam Talwar, Giám đốc Điều hành Spotify Đông Nam Á, chia sẻ

Thiên Thanh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên