Chỉ số tâm lý mua bất động sản trong quý II/2017 giảm tại hầu hết các nước mà FTCR tiến hành khảo sát, ngoại trừ Malaysia.
Theo nghiên cứu của FTCR, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm giảm thu nhập của các hộ gia đình, đồng thời khiến người tiêu dùng giảm vay mượn.
Dẫn đầu về sự sụt giảm về tâm lý mua nhà mới tại khu vực Đông Nam Á trong quý II/2017 là Thái Lan, với Chỉ số tâm lý mua bất động sản giảm 5,7 điểm xuống còn 24,6 điểm, mức thấp nhất kể từ khi FTCR bắt đầu tổng hợp chỉ số này.
Mặc dù Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 từ 3,4% lên 3,5%, song vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp trong bối cảnh các ngân hàng thương mại nước này còn khá do dự trong việc cho người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vay tiền, vào thời điểm nợ của các hộ gia đình ở mức cao.
Hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản Philippines diễn ra sôi động hơn cả. Tính tới thời điểm này, người tiêu dùng Philippines tỏ ra lạc quan hơn so với người tiêu dùng các nước khác trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), mặc dù Chỉ số tâm lý mua bất động sản theo khảo sát của FTCR trong quý II/2017 có phần giảm sút so với quý trước đó, khi giảm 3,9 điểm xuống còn 61,6 điểm.
Trong khi tại Malaysia, Chỉ số tâm lý mua bất động sản tăng lên sau khi chính phủ nước này công bố các số liệu kinh tế tích cực cho hay GDP quý I/2017 tăng trưởng 5,6%, cao hơn con số dự báo.
Dẫu vậy, với Chỉ số tâm lý mua bất động sản chỉ ở mức 35,1 điểm (tức là vẫn dưới 50 điểm, ngưỡng cho thấy lòng tin của người mua bất động sản đi xuống), những người mua nhà tại Malaysia chưa hết hoài nghi về triển vọng về giá nhà tại nước này.
Tại Việt Nam, Chỉ số tâm lý mua bất động sản trong quý II/2017 theo khảo sát của FTCR là 51,9 điểm, thấp hơn so với mức 53,3 điểm của quý I/2017 và 57,9 điểm của một năm trước.
Theo đánh giá của FTCR, việc các công ty bất động sản chuyển hướng chiến lược kinh doanh, từ phân khúc bất động sản dành cho người thu nhập thấp sang phân khúc bất động sản cao cấp, xem ra vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Thị trường bất động sản Indonesia tiếp tục chiều hướng đi xuống, khi Chỉ số tâm lý mua bất động sản giảm từ 45,9 điểm xuống còn 42,4 điểm trong quý II/2017. Mức tăng doanh số bán nhà tại nước này trong quý I/2017 chậm lại còn 4,6%, so với mức 5,6% trong quý cuối năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận