Xe
17/11/2013 07:11 GMT+7

Thị trường bảo hiểm vật chất ôtô: Nhiều chiêu kéo khách

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Với mục tiêu gia tăng thị phần, nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã bằng mọi cách giảm phí, lôi kéo bằng được khách hàng về mình. Giá trị hợp đồng hấp dẫn là “cú đấm” hiệu quả nhất mà các công ty bảo hiểm tung ra để “hạ gục” nhiều khách hàng.

Bồi thường BH ôtô: nhìn từ quyền lợi khách hàng

fRKQPHrA.jpgPhóng to
Khách hàng nên tìm hiểu kỹ các quy định, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi của mình khi gặp tai nạn hoặc giải quyết các vấn đề liên quan. Chất lượng của bảo hiểm quan trọng hơn mức giá bảo hiểm mà bạn được chào bán. Trong ảnh: tư vấn mua bảo hiểm ôtô tại đại lý Bến Thành Ford (Q.Tân Phú) sáng 16-11 - Ảnh: Lê Nam

Khách hàng nhìn thấy cái lợi trước mắt đã không để ý đến những quy định trong các hợp đồng, phụ lục, điều khoản bổ sung... để rồi khi xảy ra chuyện thì “há miệng mắc quai”.

Giành giật phần “bánh ngon”

Nhận được thông báo ký lại hợp đồng bảo hiểm vật chất thân xe năm kế tiếp với mức phí gần 15 triệu đồng kèm theo điều kiện phải cùng công ty bảo hiểm L trả thêm chi phí sửa chữa từ vụ thứ ba, ông N.T.A. (Q.Tân Bình, TP.HCM) quyết định ngưng không ký lại để tìm công ty khác. Trong khi với những điều kiện tương tự như sửa chữa, hỗ trợ, dịch vụ trực tuyến, đường dây nóng... nhưng công ty bảo hiểm A chỉ tính cho ông toàn bộ gói bảo hiểm vật chất thân xe nhỉnh hơn 12 triệu đồng, còn tặng thêm 1 triệu đồng phiếu xăng.

Theo AVI, hầu hết 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều bị lỗ khi kinh doanh bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Giám đốc phụ trách marketing một công ty bảo hiểm lớn lý giải do cạnh tranh, tăng thị phần, họ đã phải giảm phí, ưu đãi để kéo cho bằng được khách hàng. Chưa kể nhu cầu sửa chữa của khách hàng ngày càng nâng cao, yêu cầu thay phụ tùng chính hãng làm chi phí sửa chữa xe cho khách tăng cao hơn trong khi phí bảo hiểm không tăng tương ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty bảo hiểm.

Theo các công ty bảo hiểm, trung bình mức phí bảo hiểm vật chất xe ôtô của VN khoảng 1,3% giá trị tài sản bảo hiểm, trong khi chi phí sửa chữa lại tăng cao. Theo thống kê của AVI, tỉ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới (kể cả trách nhiệm dân sự và vật chất xe) ở các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong quý 1-2012 là 42,8%, quý 2-2012 là 49,4%, quý 3-2012 là 52,5%, còn quý 2-2013 thì tỉ lệ này là 65%.

Chuẩn bị hết hợp đồng bảo hiểm cho chiếc xe năm chỗ, ông T.X.T. (Q.4) cũng không chọn tiếp tục ký hợp đồng với công ty cũ vì mức phí 16 triệu đồng, trong khi đại lý một công ty bảo hiểm mới đồng ý để ông vẫn thực hiện sửa chữa ở gara cũ, điều kiện gần như không đổi và giá rẻ hơn 2 triệu đồng.

“Nhiều trường hợp ngoài tiền hoa hồng 10%, tôi phải bỏ tiền túi, giảm giá tối đa cho hợp đồng để có bằng được khách hàng. Có khách hàng nói thẳng công ty bảo hiểm kia đang chào giá này, nếu không “cho thêm” tôi sẽ mất khách” - ông N.X.H., một đại lý thuộc hàng top một công ty bảo hiểm lớn tại TP.HCM, cho biết. Theo ông H., các doanh nghiệp bảo hiểm khoán chỉ tiêu doanh thu cho từng chi nhánh, những nơi này “truyền đạt” xuống các đại lý bằng mọi cách lôi kéo khách hàng để đủ “sở hụi”.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm VN (AVI), với doanh thu hơn 3.484 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2013, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm ngoái, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ đạt doanh thu cao nhất trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Giám đốc phụ trách kinh doanh một tổng công ty bảo hiểm cho biết không chỉ các doanh nghiệp có thị phần nhỏ mà hầu hết doanh nghiệp có thị phần lớn cũng đang quyết tâm giành giật thị phần mảng bảo hiểm này.

Há miệng mắc quai?

Các chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới cho rằng khi cầm bảng chào giá, khách nên cân nhắc để chọn mức phí phù hợp hay chưa chứ đừng quan tâm đến giá rẻ. Phạm vi bảo hiểm mà khách sẽ được hưởng khi tham gia bảo hiểm là gì, điểm loại trừ giữa các công ty bảo hiểm có gì khác nhau, có điều khoản bổ sung (chọn gara chính hãng, không khấu trừ phần trăm khi thay bộ phận, có bảo hiểm thủy kích, mất cắp bộ phận, thay thế chìa khóa…) hay không rồi mới quyết định là phí rẻ hay đắt, đừng vì giá hợp đồng mà coi chừng “há miệng mắc quai”.

Theo ông Bùi Thanh Khiết - giám đốc bảo hiểm ôtô Công ty bảo hiểm AIG, hệ thống gara chính hãng, độ bao phủ của mạng lưới dịch vụ của công ty bảo hiểm có đủ rộng để cung cấp dịch vụ cho khách khi cần và thời gian, thủ tục bồi hoàn trong các trường hợp xảy ra mới là yếu tố quyết định.

Ông Việt Cường (Q.Bình Tân) kể vì mới mua xe, chưa có kinh nghiệm nên ông mua bảo hiểm của một công ty nọ với giá khá hời. Nhưng đến khi xe ông bị tai nạn, gọi đại lý đã bán bảo hiểm thì người này bảo gọi ông A. đến giám định mới được. Gọi cho ông A. năm lần bảy lượt thì bảo bận, đang kẹt vụ khác… nhưng biết “phải quấy” với nhân viên giám định này thì mọi chuyện êm xuôi. Thay vì bỏ tiền mua bảo hiểm để được phục vụ, ông Việt Cường lại phải phục vụ nhân viên công ty bảo hiểm, bực quá ông bỏ luôn công ty nọ.

Có khách hàng khi bị tai nạn, chi phí sửa chữa lên đến gần 70 triệu đồng, báo với nhân viên bảo hiểm thì được thông báo phải chờ cấp trên duyệt vì vượt quá thẩm quyền 50 triệu đồng của họ. Thay vì xe được sửa chữa ngay thì mất đến cả tuần mới được phép sửa. Trong khi tại nhiều công ty bảo hiểm khác, khách hàng chỉ cần thông báo thiệt hại qua tổng đài, gara chụp ảnh, dự toán chi phí sửa chữa gửi cho công ty bảo hiểm trong vòng 24 giờ xe đã có thể vào gara tiến hành sửa chữa.

Ông Đinh Hoàng Hà, phó giám đốc ban marketing và quản lý đại lý Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, đúc kết: “Chất lượng của sản phẩm bảo hiểm phải sử dụng mới biết, nên phải cân nhắc rất kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi mua”.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên