30/11/2005 06:04 GMT+7

Thị trấn trong ký ức

MINH LUẬN - ĐỨC BÌNH
MINH LUẬN - ĐỨC BÌNH

TT - Từng đợt, từng đợt, hàng chục ngàn người dân sẽ phải rời nhà cửa của mình ra đi trước khi mực nước thủy điện Sơn La dâng lên. Vẫn biết những cuộc ra đi hôm nay là vì dòng điện ngày mai, vẫn biết bà con đến bản mới có thêm nhiều sự đổi đời, nhưng nghĩ đến một mai phải gồng gánh rời khỏi nơi mình đã sống nhiều thế hệ, lòng cảm thấy thật buồn.

dkLoViN7.jpgPhóng to

Thị trấn Quỳnh Nhai heo hút, buồn tẻ với con đường nhỏ duy nhất rồi đây sẽ chìm sâu dưới làn nước hồ thủy điện - Ảnh: Đức Bình

TT - Từng đợt, từng đợt, hàng chục ngàn người dân sẽ phải rời nhà cửa của mình ra đi trước khi mực nước thủy điện Sơn La dâng lên. Vẫn biết những cuộc ra đi hôm nay là vì dòng điện ngày mai, vẫn biết bà con đến bản mới có thêm nhiều sự đổi đời, nhưng nghĩ đến một mai phải gồng gánh rời khỏi nơi mình đã sống nhiều thế hệ, lòng cảm thấy thật buồn.

Về bản mới

Chúng tôi đến bản tái định cư mới thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Dưới nắng chiều yếu ớt đầu đông, bên sườn núi Chiềng Bằng, ba bản tái định cư mới với gần 300 nóc nhà nằm san sát nhau.

Tất cả đều là những ngôi nhà gỗ được chủ nhân dựng lại theo đúng kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái. Tất cả đều lợp ngói fibro ximăng màu trắng đục, chứ không phải là mái tranh hay ngói đỏ như người Thái vẫn thường làm. Đầu mỗi ngôi nhà đều ló ra một ăngten parabol Trung Quốc thu sóng trực tiếp từ vệ tinh.

Đón chúng tôi ở bậc thang nhà sàn mới dựng, anh Là Văn Đoán - bí thư Xã đoàn bản Bó Ban, một trong ba bản tái định cư mới của xã Chiềng Bằng - niềm nở mời vào nhà uống nước.

Tưởng nước là rượu, nhưng hóa ra anh đi thẳng đến chiếc tủ lạnh bên góc nhà sàn lôi ra một chai bia hơi. Cùng con trai nâng cốc bia mời khách, mẹ anh Đoán hoan hỉ: “Đổi đời rồi, đến bản mới sướng hơn bản cũ rồi”.

Anh Đoán bảo: “Cả bản Bó Ban có 63 hộ với gần 400 người đều từ bản Vịa Cướn (xã Chiềng Bằng) lên đây từ cuối tháng 3-2005. Trước ở bản cũ không có điện đâu, đường đi vào còn khó khăn, vất vả lắm. Nay thì khác, đến bản mới có nhà mới chắc chắn để ở, có đường xe máy đi từ nhà mình ra đường cái, lại có cả điện thắp sáng nữa”.

Nằm trên bộ ghế salon mới mua, anh Là Văn Yên say sưa thưởng thức chương trình ca nhạc phát trên truyền hình, điều mà có lẽ chỉ nửa năm về trước vợ chồng anh và ba đứa con không bao giờ dám mơ tới.

Anh Yên bảo chuyển lên bản mới, nhà anh được bồi thường, hỗ trợ trên 60 triệu đồng. Sau khi dựng lại nhà mới mất gần chục triệu đồng, còn tiền anh tậu một lúc hai con trâu, hai con bò.

Mua sắm tủ đứng, bàn ghế, tivi, đầu đĩa, ăngten chảo và vật dụng thiết yếu khác trên chục triệu đồng, vợ chồng anh vẫn còn để “bỏ ống” 15 triệu đồng! “Cuộc sống thoải mái rồi” - anh Yên cười sảng khoái.

Nỗi lòng người đi

Đến năm 2010, có ít nhất 18.000 hộ dân với trên 91.000 nhân khẩu của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải di dời. Sơn La là tỉnh có số dân di dời nhiều nhất. Có 145 bản của 17 xã thuộc ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu sẽ bị ngập gần 14.000 ha đất, 12.500 hộ với trên 62.000 dân phải di chuyển đến nơi ở mới.

Riêng trong năm 2005, để chuẩn bị cho ngày khởi công thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La phải di chuyển 2.208 hộ với 12.648 nhân khẩu, trong đó có 433 hộ phải di chuyển ra khỏi cao trình 140m trước ngày 15-11.

Chúng tôi đến bản Kìa Mòn (xã Mường Trai, huyện Mường La) đúng dịp huyện tổ chức ra quân đợt hai di chuyển 248 hộ dân dưới cốt ngập 140m, tại ba xã Ít Ong, Nậm Giôn và Mường Trai.

Để giúp dân di dời, 29 cán bộ tỉnh và 40 cán bộ huyện đã được tăng cường về các xã dịp này để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con di chuyển. Hàng ngàn dân công cùng hàng trăm thanh niên tình nguyện của huyện cũng được huy động về các bản giúp dân.

Tần ngần đứng trước ngôi nhà đã gắn bó với gia đình mười mấy năm đang được dỡ bỏ, anh Lò Văn Len buồn bã: “Đằng nào cũng phải đi mà, không đi bây giờ thì mai mốt cũng phải đi. Nhớ lắm, buồn lắm nhưng mình vẫn đi thôi, vì công trình lớn của Nhà nước mà”.

Vợ và các con anh Len cố nhặt nhạnh tất cả những gì có thể chuyển lên xe, từ cái ván gỗ cũ, cái thùng mục, cái xoong méo mó đến cái bao tải… Sau khi đồ đạc đã chất đầy, hai chiếc xe Zil nổ máy chuẩn bị chạy đi, nhưng vợ Len vẫn nấn ná ôm từng gốc xoài, cây nhãn vừa vuốt ve vừa khóc nức nở.

Chị bịn rịn ôm vào lòng từng thân cây còn sót lại trong vườn nhà rồi thủ thỉ như người mẹ sắp phải rời xa những đứa con yêu.

Trực tiếp về cơ sở động viên, chỉ đạo công tác di dân, ông Trần Đình Yến - trưởng Ban Dân vận tỉnh Sơn La - có lẽ là người hiểu người Thái hơn cả (ông nguyên là bí thư, chủ tịch huyện Quỳnh Nhai gần 15 năm).

Ông tâm sự: “Với người dân tộc Thái, mảnh đất tổ tiên là bất khả xâm phạm. Những người đã khuất, khi chôn cất sẽ được chôn tập trung gần với dòng tộc, cũng như khi sống họ quen sống tập trung theo dòng tộc, xóm làng. Để người Thái chấp nhận từ bỏ tập tục đó là cả một sự hi sinh to lớn lắm!”.

JfxESMC5.jpgPhóng to
Bà con hàng xóm và dân công địa phương khẩn trương giúp anh Lèo Văn Kim chuyển nhà về quê mới ở bản tái định cư Phiêng Bủng, xã Mường Bú, Mường La - Ảnh: Đ.Bình
Thị trấn buồn hiu

Đứng trên đỉnh ngọn đồi cao nhất thị trấn Quỳnh Nhai (huyện Quỳnh Nhai), nơi đặt tháp truyền hình cao chót vót, anh Nguyễn Tiến Sơn - phó Đài truyền thanh-truyền hình huyện Quỳnh Nhai - tiếc nuối: “Chỉ hai ba năm nữa thôi nước sẽ dâng lên tận cả chỗ này, nơi cao nhất thị trấn”.

Không chỉ mình anh Sơn mà hơn 65.000 người dân Thái đen, Thái trắng, La Ha, Mông… ở huyện heo hút này cũng man mác buồn, bởi rồi đây Quỳnh Nhai sẽ chỉ còn trong ký ức.

Từ gần chục năm trước, khi nghe Nhà nước rục rịch chuyện xây dựng thủy điện, Quỳnh Nhai sẽ bị chìm trong lòng hồ, địa phương này đã có qui hoạch không mở mang xây dựng mới bất kể công trình gì.

Và rồi từ ngày 29-6-2001, khi Quốc hội khóa X ra nghị quyết xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Quỳnh Nhai thật sự trở thành một thị trấn buồn hiu. Nguyễn Tiến Sơn từ Ninh Bình phiêu bạt đến Quỳnh Nhai và lập nghiệp tại đây đã 20 năm, sau bao nhiêu năm hết đi đào vàng, buôn bán giờ đây gia đình Sơn cũng khấm khá, song vợ chồng anh và hai đứa con vẫn phải chấp nhận ở trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ, ẩm thấp ngay giữa trung tâm thị trấn.

“Nghĩ đến một ngày mai thức dậy phải gồng gánh ra đi và nhìn thị trấn mà mình gắn bó suốt một thời trai trẻ sẽ chìm dần vào làn nước sông Đà, thấy thật buồn” - Sơn tâm sự với chúng tôi.

Bí thư huyện ủy Cầm Ngọc Minh - trưởng Ban chỉ đạo di dân, tái định cư huyện Quỳnh Nhai - tuy mới về được hơn hai năm nhưng anh cũng hiểu được nỗi niềm của người dân nơi này. Anh Minh cho biết đến năm 2008 có 9/13 xã, thị trấn sẽ chìm trong nước, sẽ có ít nhất 8.253 hộ dân với gần 40.000 trong tổng số 65.000 người dân của huyện sẽ phải ra đi nhường đất cho thủy điện.

Thị trấn trung tâm huyện sẽ được chuyển về xã Phiêng Lanh, cách trung tâm thị xã Sơn La 60km. Điều khó khăn trong công tác di dân là làm sao tuyên truyền, vận động cho dân thông để họ chấp nhận rời phố huyện, vì có người đã hai ba thế hệ gắn bó với Quỳnh Nhai, không thể một sớm một chiều dứt áo ra đi.

Ông Là Văn Chiến - nguyên bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai - nói: “Bình thường chẳng dễ gì bảo người dân di dời. Buồn đấy, quyến luyến đấy nhưng dân mình hiểu rồi, dân mình sẽ hi sinh tất cả thôi”.

Quỳnh Nhai cùng nhiều tên đất khác ngày mai sẽ chỉ còn trong ký ức, các thế hệ mai sau khi đi du thuyền trên lòng hồ sông Đà sẽ được nghe câu chuyện rằng: “Ngày xưa, dưới lòng hồ này là những thị trấn”.

------------------

Kỳ sau: Sơn La ngày mai…

Bài 1: Thủy điện Sơn La - trước giờ G

MINH LUẬN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên