Đề thi kế thừa định dạng cũ
Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo duc & Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 10 môn thi. Nếu tính tách bạch bảy môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga) thì có 17 môn thi.
Theo ông Hà, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ kế thừa định dạng cũ, đồng thời có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Bộ đang nghiên cứu các dạng thức đánh giá mới, như kết hợp hài hòa giữa phương thức trắc nghiệm bốn phương án - một phương án đúng với phương thức trắc nghiệm bốn phương án đúng - sai và câu hỏi mở. Khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, sau đó tiến hành thử nghiệm trên một số địa phương", ông Hà cho biết.
GS Đỗ Đức Thái (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trong cuộc trao đổi về đổi mới thi tốt nghiệp THPT mới đây đã phân tích, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp là khâu cuối cùng của cả tiến trình thực hiện.
Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.
"Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý học gì thi nấy. Không thể để xảy ra việc đánh giá giáo dục điều tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức là không thể để xảy ra việc thi gì học nấy được", ông Thái nêu quan điểm.
Với quan điểm này, ông Thái cho rằng cần tạo dựng niềm tin với cha mẹ học sinh về giá trị môn học mang lại để lôi cuốn học sinh. Không thể dùng biện pháp hành chính bắt buộc thi để buộc học sinh phải học môn đó.
Học gì thi nấy hay thi gì học nấy?
Ý kiến của GS Đỗ Đức Thái chạm đến những băn khoăn, lo lắng của nhiều nhà quản lý, giáo viên khi góp ý cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Bởi đa số giáo viên, phụ huynh và học sinh bị cuốn theo hướng "thi gì học nấy". Không thi thì không học. Không thi thì sợ học sinh sẽ xao nhãng, thiếu động lực và không thi giáo viên không chú tâm.
Nhiều nhà trường hiện nay khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đã dạy tăng cường "các môn học sẽ thi". Vào những tháng cuối năm học, mặc dù Bộ Giáo dục & Đào tạo không cho phép nhưng nhiều trường THPT vẫn tìm cách lách để kết thúc sớm các môn "không thi", dành thời gian cho học sinh ôn tập môn "sẽ thi".
Cũng mang theo tâm lý sợ "thi gì học nấy" nên nhiều cán bộ, giáo viên khi được góp ý đều bày tỏ những lo ngại như "nếu không thi, học sinh sẽ không học". Trong việc này, môn lịch sử là một môn học gây nhiều tranh cãi từ khi tính toán nó là môn học bắt buộc hay lựa chọn.
Và khi xây dựng phương án thi, môn lịch sử cũng là điểm mấu chốt làm phân tán các luồng ý kiến trong việc chọn phương án môn thi thế nào.
"Chọn phương án không có môn lịch sử trong nhóm môn thi bắt buộc tôi e học sinh sẽ không học lịch sử", một giáo viên THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nêu ý kiến.
Cô giáo này cũng nêu câu chuyện khi môn giáo dục công dân được đưa vào bài thi tổ hợp tốt nghiệp THPT (từ năm 2015 đến nay) thì vị thế của môn học mới được nâng lên. Khá nhiều chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội khi bàn về môn lịch sử cũng bày tỏ lo ngại học sinh không học, không hiểu lịch sử, không yêu lịch sử.
Nhưng luồng ý kiến ngược lại cũng đặt ra câu hỏi: "Môn lịch sử bắt buộc học và thi thì có đảm bảo chắc chắn học sinh yêu lịch sử không nếu như việc dạy học không được đổi mới để hấp dẫn?". Thực tế đã trả lời là học sinh chỉ học vì sợ thi trượt, không học vì yêu thích.
Kết quả khảo sát phân tán
Có hai phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được Bộ Giáo dục & Đào tạo lấy ý kiến góp ý. Trong quá trình này, phát sinh thêm một phương án do một số tỉnh thành đề xuất.
Cụ thể, trong số 130.672 cán bộ, giáo viên trên cả nước được hỏi ý kiến có 34.521 người (chiếm 26,41%) chọn phương án 4+2.
Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi sáu môn gồm bốn môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi năm môn gồm: ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, lịch sử và hai môn lựa chọn (không thi ngoại ngữ).
Có 96.151 người (chiếm 73,59%) chọn phương án 3+2. Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi năm môn với ba môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai môn lựa chọn trong số các môn còn lại học ở lớp 12.
Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi bốn môn với hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn lựa chọn. Trong quá trình khảo sát, TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn có đề xuất thêm phương án 2+2. Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn lựa chọn (gồm cả ngoại ngữ, lịch sử).
Mối liên hệ với tuyển sinh đại học, cao đẳng
Ông Đỗ Đức Thái cho rằng vẫn cần làm rõ mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chuẩn hóa chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh ở mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Khi đã làm rõ những vấn đề trên, việc xác định dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể giải quyết được một cách khoa học, bài bản", ông Thái nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận