06/07/2022 05:48 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT 2022: 'Tôi nhắc con ráng hết sức và không được đổ lỗi...'

PHỐ HƯƠNG - TRỌNG NHÂN thực hiện
PHỐ HƯƠNG - TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - Bà Nguyễn Thị Thu Hường - giáo viên môn lịch sử Trường THCS Thái Bình (Tây Ninh) - chia sẻ như vậy khi nói về chuyện đồng hành cùng con trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Con gái bà Hường đang học lớp 12 ở tỉnh Tây Ninh.

Thi tốt nghiệp THPT 2022: Tôi nhắc con ráng hết sức và không được đổ lỗi... - Ảnh 1.

Phụ huynh tiếp sức tinh thần cho con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Con gái bà Hường đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh). Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Thu Hường nói: "Bất cứ cuộc thi nào, tôi cũng nhắc cháu ráng làm bài hết sức có thể và không được đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Ngoài ra, tôi không giao thêm cho con yêu cầu gì. Đòi hỏi điểm số tất nhiên cũng không có".

Cha mẹ nào cũng mong muốn con được phát triển, nhưng mỗi đứa mỗi khác nhau nên không thể áp đặt. Không thể đưa ra một "barem" nào đúng nhất, mà chỉ là tương đối cho từng đứa trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Cha mẹ cũng cần bình tĩnh

* Đã sát giờ G bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, con gái của bà chắc hẳn đã sẵn sàng mọi thứ?

- Cháu đã sẵn sàng. Thú thật tôi biết con mình có năng lực, nhưng con thường gặp rào cản tâm lý. Đôi lần con hay tự ti về bản thân, bước vào một vài kỳ thi trong quá khứ thường sợ sệt nên không phát huy được hết năng lực.

Tôi vẫn nhớ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Tây Ninh cách đây ba năm, ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, con đã về ôm lấy tôi: "Mẹ ơi con làm không được". Tôi phải trấn an: "Không sao cả, môn đó đã qua rồi, hãy cho qua đi rồi bình tĩnh bước tiếp đến những môn còn lại. Chuyện đậu rớt thì tính sau". Kết quả năm đó, con vẫn đủ điểm đậu vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha của tỉnh Tây Ninh.

* Có lẽ không phải phụ huynh nào cũng có thể vỗ về con trong những lúc căng thẳng như thế. Dường như không ít cha mẹ lại là "nguồn stress" cho con mình?

- Theo tôi, đa số phụ huynh luôn mong muốn con mình đạt điểm cao để hãnh diện. Một số người lại rất hay so sánh con mình với con hàng xóm. Vô tình những câu so bì như vậy sẽ tạo thêm gánh nặng lên tâm lý của con. Cũng có trường hợp đôi khi chính phụ huynh ngày xưa không thực hiện được hoài bão của mình và bây giờ lại đem ước mơ đó đặt trên đôi vai của con.

Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ rằng trước những cột mốc quan trọng của con như kỳ thi tốt nghiệp THPT, phụ huynh trước tiên cần tự trấn tĩnh bản thân. Tôi từng bắt gặp nhiều cha mẹ lo sợ đủ thứ, thậm chí ngay cả lúc con chưa bước vào trường thi. Một khi phụ huynh đã lo lắng như thế, con cái cũng sẽ sốt ruột và áp lực.

Về phần tôi, trước những kỳ thi quan trọng, tôi thường rủ con đi chơi đâu đó một hai ngày để giảm bớt căng thẳng sau chuỗi ngày ôn thi vô cùng vất vả. Hồi trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi cùng con đi Vũng Tàu hai ngày. Nhiều người thắc mắc sao lại cho con đi, tôi trả lời việc học là việc cả đời chứ không phải chỉ có trong hai ngày ấy. Hơn nữa con cũng đã ôn tập nhiều ngày qua, nếu giảm được căng thẳng sẽ có tâm lý thoải mái lúc làm bài.

Được phép sai nhưng đừng ỷ lại

* Thời gian qua, bà có định hướng ngành, nghề hay lựa chọn một trường đại học, cao đẳng cho con không?

- Tôi có định hướng nhưng chủ yếu dựa trên cơ sở từ phía con. Muốn học khối ngành ngôn ngữ cũng là nguyện vọng và thế mạnh lớn nhất của con. Nhưng tôi sẽ nói rõ cho con về điều kiện kinh tế gia đình để con có thể suy xét chọn trường có mức học phí phù hợp. Đôi khi tôi ngậm ngùi một chút vì kinh tế không đủ để lo cho con được nhiều điều như mình mong muốn, chẳng hạn cho con đi du học.

* Thưa bà, khi con ở tuổi 18 và sắp qua một trong những chặng đường quan trọng nhất của cuộc đời là vào đại học, bà thường khuyên cô con gái của mình những gì, ngoài chuyện chọn nghề nghiệp tương lai?

- Tôi nghĩ chỉ việc cha mẹ muốn con phải làm điều này, điều kia đã là đang điều khiển con từ xa rồi. Con còn trẻ thì được phép sai và được làm lại. Chỉ là đừng ỷ vào cái quyền "được làm lại" ấy mà sai hoài một lỗi, hoặc cho phép bản thân lười biếng. Tôi vẫn hay nói với con cứ làm hết sức, kết quả tính sau.

Cũng có lúc hai mẹ con cũng bất đồng quan điểm. Con năm nay cũng đã 18 tuổi, có khi con cũng muốn thể hiện bản thân rằng mình đã trưởng thành. Tôi để cho con tranh luận với mình, tôn trọng và không áp đặt con. Bởi lẽ mỗi thế hệ có một suy nghĩ khác nhau, không thể bắt con theo ý mình. Tôi cũng không bao giờ lớn tiếng với con mà chỉ muốn để con tự ý thức.

* So với nhiều năm về trước khi còn là một nữ sinh lớp 12, bà nhận thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình có cam go hơn kỳ thi hiện tại?

- Thời của tôi có rất nhiều kỳ thi nhưng chỉ có hai nguyện vọng để vào trường đại học, không nhiều cơ hội như bây giờ. Để vào được đại học cũng là một thử thách lớn vì rất cạnh tranh.

Giờ đây thí sinh có nhiều nguyện vọng xét tuyển hơn. Theo tôi, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bởi dù gần như không còn nỗi lo "rớt đại học" nhưng lại có áp lực liệu mình có vào được trường "top" như bạn bè mình hay không? Ngoài ra sức ép nhiều khi cũng đến từ chính các thí sinh khi đặt cho mình những ước mơ vượt ngoài khả năng, đồng thời kỳ vọng của xã hội cũng tạo thêm áp lực.

NH-TB 12aaaa 1(Read-Only)

Học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 - Ảnh: N.HÙNG

Thi tốt nghiệp THPT 2022: Giờ G sắp điểm, gần 1 triệu sĩ tử nên chuẩn bị gì và sẽ làm gì? Thi tốt nghiệp THPT 2022: Giờ G sắp điểm, gần 1 triệu sĩ tử nên chuẩn bị gì và sẽ làm gì?

TTO - Trong tuần này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra vào 2 ngày 7 và 8-7. Giờ G sắp điểm cũng là lúc gần 1 triệu sĩ tử cả nước chuẩn bị hoàn tất những hành trang cuối cùng trước khi bắt đầu một mùa thi quan trọng.

PHỐ HƯƠNG - TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên