
Thí sinh Phạm Thảo Nhi tự tin trong trang phục dân tộc Thái - Ảnh: ĐĂNG HẢI
Thí sinh Hoa khôi Sinh viên Việt Nam mong làm đại sứ văn hóa dân tộc
Sáng 30-3 tại Hà Nội, cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2024 (Vietnam Miss University 2024) khu vực miền Bắc chính thức bước vào vòng catsing. Nhiều thí sinh tự tin trình diễn trang phục dân tộc trong phần thi trang phục tự chọn, lưu loát "bắn" tiếng Anh giới thiệu bản thân.
Cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chỉ đạo, phối hợp giữa Cổng tri thức Thánh Gióng, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức.

Các thí sinh trước khi bước vào vòng casting - Ảnh: VŨ TUẤN
Theo ban tổ chức, cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ, tài năng, sự tự tin và năng động của nữ sinh viên Việt Nam. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm nhan sắc mà còn đề cao giá trị Đức - Trí - Thể - Mỹ.
Qua đó, chương trình góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về rèn luyện toàn diện, khuyến khích sinh viên tích cực học tập, tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và trẻ em khó khăn, đồng thời khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước.

Siêu mẫu Thanh Hằng (bìa phải) và Dược Sĩ Tiến là host của Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2025 - Ảnh: VŨ TUẤN
Anh Hoàng Tuấn Việt, trưởng ban biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), trưởng ban tổ chức, cho hay: Cuộc thi là một phần của phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động, và phong trào "Sinh viên 5 tốt" của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Đây không chỉ là sân chơi nhan sắc mà còn là hành trình tìm kiếm những nữ sinh viên thông minh, bản lĩnh, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng.

Ban tổ chức cho hay, vòng sơ tuyển khu vực miền Bắc có số lượng thí sinh đông nhất từ trước đến nay - Ảnh: VŨ TUẤN
Đi tìm hoa khôi của trí tuệ
Tại vòng casting, các thí sinh trải qua ba phần thi chính: đo nhân trắc học, kiểm tra số đo cơ thể để đánh giá hình thể; trình diễn trang phục tự chọn, thể hiện phong cách và cá tính riêng.
Trong phần thi ứng xử, các thí sinh phải bộc lộ trí tuệ, sự nhanh nhạy và khả năng giao tiếp qua các câu hỏi của ban tổ chức.
Thí sinh Phạm Thảo Nhi tự tin chọn trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Nhi cho hay, cô quê ở Mộc Châu, Sơn La, mẹ cô là người Thái. Cô tự hào và mong muốn giới thiệu với bạn bè nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Các thí sinh tự tin trong trang phục tự chọn của dân tộc mình - Ảnh: ĐĂNG HẢI
Thí sinh Phạm Quỳnh Châu Giang - sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội - lại tự tin khoe dáng trong bộ áo dài truyền thống. Cô gây ấn tượng với phần giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh.
Trong phần trả lời câu hỏi của ban giám khảo, Châu Giang cho hay một trong những yếu tố cần có của sinh viên Việt Nam trên con đường hội nhập là khả năng thích ứng. Sinh viên không những phải học tập để trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn phải sẵn sàng hội nhập, trở thành công dân toàn cầu.

Phạm Quỳnh Châu Giang là một trong những thí sinh trả lời lưu loát bằng tiếng Anh - Ảnh: VŨ TUẤN
Kết thúc vòng casting ba miền, ban giám khảo lựa chọn 40 thí sinh xuất sắc vào vòng bán kết toàn quốc.
Đây là những gương mặt tiêu biểu, hội tụ đầy đủ phẩm chất mà cuộc thi hướng tới: thông minh, tài năng, và giàu lòng nhân ái. Các vòng thi tiếp theo hứa hẹn mang đến những màn tranh tài hấp dẫn, nơi vẻ đẹp trí tuệ được tỏa sáng.

Các thí sinh đăng ký thông tin trước khi bước vào vòng casting - Ảnh: VŨ TUẤN

Vòng casting các thí sinh phải trải qua các phần thi trang phục tự chọn, kiểm tra nhân trắc học và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo - Ảnh: VŨ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận