PGS.TS Trương Thị Diễm, trưởng điểm thi khu H Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đưa thí sinh Nguyễn Đình Phước chọn bàn thi- Ảnh: Trường Trung |
Dù điều kiện thể chất khó khăn nhưng lực học của Phước luôn khiến bạn bè nể phục. Trong ba năm học cấp 3, điểm trung bình các môn của Phước luôn từ 7,9 trở lên, riêng ba môn Toán- Lý- Hóa của Phước đều trên 9,1.
Lần này hai cha con Phước bắt xe đò từ Tam Kỳ (Quảng Nam) ra ở trọ nhà bà con ở Đà Nẵng dự thi. Có cha làm công nhân điện lực, mẹ ở nhà làm việc nội trợ nên từ nhỏ Phước luôn cố gắng học tốt vì biết hoàn cảnh gia đình còn khó khăn và để làm gương cho ba em nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Toản, cha Phước cho biết: “Cháu chịu thiệt thòi so với chúng bạn cùng lứa nhưng biết hoàn cảnh gia đình còn chật vật nên chưa bao giờ đòi hỏi cha mẹ điều gì. Thỉnh thoảng khi yêu thích môn học gì thì cháu mới xin mẹ tiền đi học thêm thôi”.
Nói về lý do chọn ngành công nghệ thông tin Phước cho biết vì phù hợp với điều kiện sức khỏe, ngoài ra Phước cũng mơ ước trở thành “hiệp sĩ thông tin” như một số thần tượng của mình. Khác với những thí sinh “tí hon” mà chúng tôi gặp ở những kỳ thi trước, Phước tỏ ra rất tự tin với khả năng của mình trước giờ thi.
“Em không lo về học lực của mình vì kiến thức cơ bản cũng đã ôn rất kỹ trong thời gian qua. Riêng môn toán có lo lắng chút ít vì phải trình bày mà em lại có tật viết nhanh và chữ xấu” - Phước thật thà cho biết.
Biết được hoàn cảnh của Phước, sáng 30-6, PGS.TS Trương Thị Diễm, trưởng điểm thi khu H, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã đưa em đi đo và chọn cho em bàn dự thi phù hợp với cơ thể.
Ôm bệnh đi thi
Kiều Viễn đang ôn tập trong phòng ký túc xá Đại học Kinh tế Đà Nẵng - Ảnh: Hoài Giang |
Trong cái nóng hầm hập của phòng ký túc xá, bạn Võ Thị Kiều Viễn (lớp 12 trường THPT Phan Châu Trinh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vẫn cần mẫn dò đi dò lại bài học của mình trước khi bước vào kì thi THPT quốc gia 2015.
Từ quê nhà, một mình Viễn đón xe buýt ra thành phố Đà Nẵng để dự thi kỳ thi tốt nghiệp quốc gia 2015. Gia đình vốn thuộc diện nghèo, cha mẹ của Viễn đều mang trong mình bệnh suy thận, người cha còn bị thêm chứng đau thần kinh tọa chỉ quanh quẩn trong nhà, nên chi phí trang trải cuộc sống phụ thuộc vào người anh cả Võ Tùng Vỹ mới 20 tuổi đang làm công nhân ở Bình Dương.
Bản thân cô gái nhỏ này cũng gầy gò vì đang mang bệnh hen suyễn trong người, hay lên cơn khó thở nhưng vẫn chưa có đủ thời gian và chi phí để nhập viện
Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, cô gái chia sẻ: "Em mong mình đủ điểm đăng kí vào một trường đại học nào đó rồi sớm tốt nghiệp phụ giúp gia đình".
Gãy chân vẫn quyết tâm đi thi
Nhật bị tai nạn giao thông gãy chân phải bó bột - Ảnh: Võ Minh |
Đó là trường hợp của thí sinh Tạ Quang Nhật, quê thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), dự thi tại hội đồng thi THPT chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi).
15 ngày trước, Nhật bị tai nạn giao thông gãy chân phải bó bột (ảnh). Sáng 30-6, em vẫn cố gắng chống nạn đến địa điểm thi làm thủ tục và nhận thẻ dự thi tốt nghiệp.
“Chân em vẫn còn đau nhưng em vẫn cố sức đi thi. Kỳ thi này quan trọng đối với em nên em không thể bỏ thi được” - Nhật nói.
Mừng rớt nước mắt khi tìm lại được giấy báo dự thi Ngày 29-6, bến xe Miền Đông đông đúc thí sinh từ các tỉnh đổ về TP.HCM để dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Một số thí sinh bị thất lạc hành lý, bao gồm cả giấy tờ để dự thi. Nguyễn Thị Thu Hồng, (Đức Linh - Bình Thuận) đã bị người khác lấy nhầm ba lô khi đi từ Bình Thuận đến TP.HCM. Trong ba lô có giấy báo dự thi cùng các giấy tờ tùy thân. Nhờ sự trợ giúp của tình nguyện viên tiếp sức mùa thi, Hồng đã liên hệ được với nhà xe và lấy lại được ba lô. Sau khi kiểm tra, Hồng không kìm được nước mắt khi thấy giấy tờ vẫn còn đầy đủ. Trong khi đó, thí sinh Lê Thị Phương Nhi đến từ Bình Dương cũng để quên ba lô tại chốt tiếp sức mùa thi bến xe Miền Đông. Sau đó, Nhi đã được các bạn tiếp sức mùa thi mang ba lô tới tận chỗ nghỉ trao trả. PHƯƠNG NGUYỄN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận