11/02/2022 12:13 GMT+7

Thì ra học sinh chưa ngoan ở Ai Cập 2.000 năm trước cũng bị... chép phạt

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các mảnh gốm hơn 2.000 năm tuổi giúp nhóm nghiên cứu Đại học Tubingen (Đức) hình dung về cuộc sống của người Ai Cập xưa, từ việc đi học đến mua bán hằng ngày và cách xử phạt học sinh không ngoan.

Thì ra học sinh chưa ngoan ở Ai Cập 2.000 năm trước cũng bị... chép phạt - Ảnh 1.

Mảnh gốm có các ký tự giống nhau nên các nhà nghiên cứu tin rằng đây là bài chép phạt của học sinh Ai Cập cổ - Ảnh chụp màn hình CNN

Số cổ vật được khai quật tại Athribis, một khu định cư cổ đại được xây dựng cách Luxor khoảng 200km về phía bắc, theo Đài CNN.

Theo giáo sư Christian Leitz của Đại học Tubingen, nhiều mảnh gốm có nguồn gốc từ một ngôi trường cổ đại.

“Có danh sách các tháng, số, bài toán số học, bài tập ngữ pháp và 'bảng chữ cái chim' - mỗi chữ cái được gán cho một loài chim có tên bắt đầu bằng chữ cái đó", ông Leitz cho biết thêm. 

Phần lớn mảnh gốm tìm thấy được khắc chữ Demotic, một trong ba chữ viết cổ đại có trên Phiến đá Rosetta.

Hàng trăm mảnh gốm chi chít một ký tự giống nhau ở cả mặt trước và mặt sau cũng được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là bằng chứng cho thấy học sinh hư đã bị bắt chép phạt từ 2.000 năm trước.

Nhóm khảo cổ cũng tìm thấy một số mảnh gốm khác ghi lại danh sách họ tên, biên lai mua bán, danh sách hàng hóa,...

Thì ra học sinh chưa ngoan ở Ai Cập 2.000 năm trước cũng bị... chép phạt - Ảnh 2.

Mảnh gốm có hình vẽ của trẻ em Ai Cập cổ - Ảnh chụp màn hình CNN

Các mảnh gốm khác thì có bức vẽ hình người, hình ảnh đại diện của các vị thần và một số loài động vật. 

Theo các nhà nghiên cứu, rất hiếm khi tìm thấy một khối lượng lớn mảnh gốm có chữ viết và hình ảnh như vậy bên ngoài Thung lũng các vị vua ở Luxor.

Nằm gần thành phố Sohag ngày nay, Athribis là đối tượng của các cuộc khai quật trong hơn 100 năm qua. Các nghiên cứu chuyên sâu hơn tại khu đất rộng 30ha chỉ mới bắt đầu vào năm 2003, khi Đại học Tubingen và Bộ Du lịch, cổ vật Ai Cập khởi động Dự án Athribis.

Cuộc khai quật tập trung vào một ngôi đền do pharaoh Ptolemy XII xây dựng và hiện đã được mở cửa cho du khách tham quan. Các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục khai quật những khu vực còn lại, tin rằng trong 30ha này có cả một khu nghĩa địa, khu định cư và mỏ khai thác đá cổ.

Ai Cập khánh thành Đại lộ Nhân sư 3.000 năm tuổi Ai Cập khánh thành Đại lộ Nhân sư 3.000 năm tuổi

TTO - Lễ khánh thành Đại lộ Nhân sư có niên đại 3.000 năm diễn ra hoành tráng ở thành phố Luxor ngày 25-11 mang theo kỳ vọng vực dậy ngành du lịch gắn liền với các di tích khảo cổ của Ai Cập.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên