Cho tư nhân hành nghề thi hành án dân sựXử nghiêm tiêu cực trong thi hành án dân sự
Đây là vấn đề được tranh luận sôi nổi tại phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật thi hành án dân sự diễn ra trong hai ngày 7 và 8-4 tại TP.HCM.
Tăng trách nhiệm theo dõi của tòa
Có đại biểu cho rằng thực tế tồn tại những bản án dân sự tòa tuyên nhưng cơ quan thi hành án không thi hành được, hoặc có trường hợp cơ quan thi hành án ngại thi hành nên người dân cứ dài cổ chờ. Bà Lê Thị Thu Ba - phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - cho rằng: “Nếu nói tuyên án xong rồi không biết tình trạng thi hành bản án đến đâu, được hay không được là không ổn”. Với quan điểm việc xét xử phải được thi hành và bản án phải có hiệu lực trên thực tế, tăng trách nhiệm của tòa án trong thi hành án, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng tòa cần phải được báo cáo lại các thông tin về việc xác minh điều kiện thi hành án, xác minh tài sản...
Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Ánh - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - cho rằng tòa quá nhiều việc, nếu giao thêm việc theo dõi thi hành án thì thật sự quá tải. Bởi có những bản án mà phần dân sự liên quan đến hàng trăm người khác nhau, nếu tòa vừa giải thích bản án vừa phải theo dõi việc thi hành án thì “không có hơi sức đâu mà làm việc”.
Phải kê khai tài sản
Trong hàng trăm thứ chồng chéo dẫn đến việc khó, chậm, chây ỳ trong thi hành án dân sự, ngoài ý kiến cho rằng tòa cần giám sát việc thi hành án sau bản án, thì chính quyền địa phương vào cuộc giúp đỡ việc xác minh tài sản và biện pháp kê khai tài sản một cách minh bạch.
Ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - khẳng định việc thi hành án dân sự ở Việt Nam mãi mãi không tiến triển được bởi cơ chế quản lý tài sản. Nhưng nếu toàn xã hội kê khai tài sản thì sẽ làm được chứ không phải không làm được. Theo ông Quyền, việc này đã được đưa ra Quốc hội nhưng chẳng thấy bộ nào trả lời.
Giải pháp mà ông Quyền đưa ra là “UBND phải chỉ đạo công an và chính quyền địa phương cùng chấp hành viên thi hành án dân sự. Nếu không chỉ đạo thì không chấp hành viên nào dám làm cả. Phải có bàn tay của chính quyền trong việc xác minh tài sản”.
Dẫn chứng việc khó khăn, né thi hành án dân sự, ông Quyền cho biết có những trường hợp không có tài sản thi hành án nhưng vẫn đi ôtô, nhưng nếu chấp hành viên thi hành án sờ vào tài sản nào thì tài sản đó cũng không mang tên người bị thi hành án.
Phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, ông Hà Hùng Cường - bộ trưởng Bộ Tư pháp - cho rằng hiện tại có quá nhiều vướng mắc trong vấn đề thi hành án. Mà muốn để giảm đi những tồn tại hiện có thì cơ quan thi hành án phải độc lập. “Tôi nhớ có vụ mẹ vợ của một cán bộ TP phải thi hành án thì công an không dám động tay vào, không có phối kết hợp gì hết khiến vụ việc phải kéo dài, cuối cùng tôi phải chỉ đạo thi hành. Hay sau vụ án ông Đoàn Văn Vươn, nhiều ban chỉ đạo thi hành án chùn tay hết” - ông Cường nói.
Bởi vậy, theo ông Cường, luật cần phải có quy định rõ ràng trong việc xác minh tài sản, bởi chỉ có minh bạch về tài sản mới là cơ sở quan trọng để thi hành án dân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận