Những người buôn bán hàng rong đa số là người nghèo, mong muốn chính quyền thành phố quan tâm thu xếp cho họ có nơi buôn bán ổn định - Ảnh: Duyên Phan |
Tại cuộc họp chiều 20-3 với UBND quận 1 và UBND quận 4 về đề án kinh doanh trên vỉa hè, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận đúng ra là vỉa hè phải được giải tỏa hết các trường hợp lấn chiếm, dành không gian cho người đi bộ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè là những hộ dân khó khăn và việc mua bán ở đây đã trở thành nhu cầu của xã hội nên phải sắp xếp lại cho trật tự.
Chợ phiên cuối tuần, khu vực ẩm thực...
Đại diện UBND quận 1 cho biết để thu xếp cho người mua bán hàng rong, quận đã xây dựng đề án chợ phiên cuối tuần tại công viên Bạch Đằng, khu vực ẩm thực, đồng thời xây dựng phố đi bộ đặc thù ở khu phố Tây.
Theo đó, dự kiến chợ phiên cuối tuần tại công viên Bạch Đằng tổ chức 120 gian, gồm 4 khu: khu A - nơi biểu diễn của các nhóm nghệ thuật đường phố, vẽ tranh, viết thư pháp; khu B - giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, khu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ...; khu C - ẩm thực; khu D - vui chơi giải trí với các trò chơi dân gian, vui chơi thiếu nhi.
Trước đây, UBND quận 1 dự kiến lập khu ẩm thực (cho người bán hàng rong) ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, nhưng nay đề xuất thêm 2 khu vực mới là bên trong công viên Bách Tùng Diệp (góc đường Lý Tự Trọng - Pasteur) và vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh.
Tuy nhiên, việc bố trí người bán hàng rong ở đây khá khiêm tốn do diện tích hẹp. Tổng số chỗ dự kiến cho người bán hàng rong ở 3 nơi chỉ 70 hộ. Các khu ẩm thực này dự kiến bán theo giờ, từ 6h - 9h và 11h - 13h hằng ngày.
Ông Trần Thế Thuận - chủ tịch UBND quận 1 - cho rằng điều quận 1 lo ngại trong việc tổ chức chợ phiên là ảnh hưởng tới giao thông, do mật độ giao thông trên tuyến Tôn Đức Thắng (giáp với công viên Bạch Đằng) rất lớn, gây khó khăn cho người tiếp cận chợ...
Còn ông Trần Hoàng Quân - chủ tịch UBND quận 4 - cho biết quận này dự kiến tổ chức 3-4 điểm cho người mua bán lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn vào mua bán. Ông Quân lấy ví dụ đường Vĩnh Khánh được xem là phố ốc nổi tiếng ở quận 4.
Tuyến đường này dài hơn 1,5km nhưng có khoảng 150 hộ dân lấn chiếm lòng lề đường để mua bán. Trên tuyến đường này có khoảng 2.000m2 đất công chưa triển khai các công trình nên quận 4 kiến nghị được bố trí các hộ dân lấn chiếm lòng lề đường vào đây mua bán.
Ngoài ra, ông Quân kiến nghị được sắp xếp khoảng 140 hộ dân lấn chiếm lòng lề đường mua bán rau củ, quần áo, giày dép... trên đường Lê Quốc Hưng, Lê Văn Linh (xung quanh khu vực chợ Xóm Chiếu) được mua bán một phần trên lề đường của hai đường này.
Theo ông Quân, lề đường của hai đường trên rộng tới 8m nên có thể sắp xếp lại cho người dân sử dụng một phần lề đường “có kiểm soát” để mua bán...
Ông Quân cũng đề xuất được tổ chức chợ phiên cuối tuần tại khu vực gần đường số 48 nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân và trưng bày, mua bán các sản phẩm mang tính du lịch.
Đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1, TP.HCM) có vỉa hè rộng được chọn làm khu ẩm thực cho người bán hàng rong mua bán - Ảnh: Tự Trung |
Phải tính thêm nhiều phương án khác
Góp ý việc tổ chức chợ phiên cuối tuần tại quận 1, ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho biết tình hình giao thông ở khu vực công viên Bạch Đằng rất căng, hay ùn tắc vào giờ cao điểm. Đó là chưa kể sắp tới thi công cầu Thủ Thiêm 2 có một nhánh gần khu vực này nên giao thông sẽ phức tạp thêm...
Trên tinh thần đồng ý tổ chức chợ phiên tại công viên Bạch Đằng, nhưng ông Lâm cho rằng UBND quận 1 cần làm việc lại với Sở Giao thông vận tải TP chi tiết về phương án tổ chức giao thông tại khu vực này.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng việc tổ chức chợ phiên, TP đã đồng ý về chủ trương, nhưng chỉ làm thí điểm trong năm 2017.
Ông Tuyến lưu ý dù tổ chức chợ hay các hoạt động gì chăng nữa, công viên vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc là không gian mở để người dân được tập thể dục, tản bộ...
Về lâu dài, TP đã có chủ trương xây dựng công trình ngầm kết nối từ đường Nguyễn Huệ đến công viên Bạch Đằng. “Vấn đề này quận cũng phải công khai cho các đơn vị tham gia chợ phiên biết, trước mắt chỉ nên làm trong ngày thứ bảy và chủ nhật” - ông Tuyến yêu cầu.
Bên cạnh đó, ông Tuyến chỉ đạo tại chợ phiên không được xây dựng các vật dụng kiên cố, căng bạt che khuất tầm nhìn du khách du ngoạn đường sông ngắm các công trình trên phố; đồng thời chăm chút chợ phiên để thể hiện được sự văn minh...
Về phố ẩm thực, ông Tuyến bác việc tổ chức bán hàng ăn uống trên lề đường Chu Mạnh Trinh vì cho rằng không phù hợp.
Đối với khu bán hàng ăn trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, ông Tuyến yêu cầu nên nghiên cứu tổ chức bán thức ăn đem về chứ không tổ chức ăn uống tại chỗ, vì như vậy vừa tăng được lượng người mua bán vừa giảm tải vấn đề vệ sinh.
Theo ông Tuyến, việc bố trí cho người bán hàng rong như đề xuất nói trên là chưa đủ nên ông yêu cầu các quận huyện tính toán thêm nhiều phương án khác, trong đó có chuyện giúp người dân chuyển đổi ngành nghề.
Ông Tuyến yêu cầu việc này phải được triển khai tại 24 quận huyện, chứ không riêng gì quận 1.
Đối với các đề xuất của quận 4, ông Tuyến đồng ý triển khai sắp xếp người dân vào buôn bán tại khu đất công trên đường Vĩnh Khánh.
Riêng tình trạng lấn chiếm xung quanh chợ Xóm Chiếu, ông Tuyến giao UBND quận 4 từng bước sắp xếp lại theo hướng dần đi đến giải tỏa trắng, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Riêng chợ phiên cuối tuần, ông Tuyến yêu cầu quận 4 đề xuất dự án cụ thể.
Phố đi bộ Bùi Viện khai trương trước 30-4 Ông Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu như vậy sau khi nghe UBND quận 1 trình bày đề án phố đi bộ trên đường Bùi Viện. Theo phương án đề xuất, đoạn đường Bùi Viện (dài 650m) sẽ được cải tạo vỉa hè, tổ chức cho người dân mua bán theo hiện trạng trên vỉa hè, kết hợp với một số chương trình ca nhạc, ẩm thực. Vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần sẽ tổ chức cấm xe lưu thông trên tuyến đường này từ 19h đến 2h sáng. |
“Sắp xếp vỉa hè nhưng không quên cuộc sống của người dân” - ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu như vậy trong cuộc họp chiều 20-3 với UBND quận 1 và UBND quận 4 về đề án kinh doanh trên vỉa hè. “Việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường là chuyện phải làm nhưng quan trọng hơn là tổ chức, sắp xếp cuộc sống người dân, không để người bán hàng rong đói, con em họ bỏ học, họ phải vay tiền nặng lãi", ông nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận