28/06/2018 11:23 GMT+7

Thêm i-ốt, doanh nghiệp thực phẩm rối

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Quy định bỏ thêm i-ốt, sắt, kẽm trong chế biến thực phẩm khiến không ít doanh nghiệp rối.

Thêm i-ốt, doanh nghiệp thực phẩm rối - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có sử dụng bột trong quá trình chế biến thực phẩm như mì gói đều “điêu đứng” trước quy định bổ sung sắt, kẽm theo quy định hiện nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu Bộ Y tế bỏ hẳn quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ôt" và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2017, nhưng Bộ này vẫn "phớt lờ", gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Ai cần thêm i-ốt?

Việc cả bốn hiệp hội, ngành hàng gồm Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nước mắm Phú Quốc và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cùng đồng lòng đòi "thảo kiến nghị khẩn cấp gởi Thủ tướng Chính phủ giải quyết dứt điểm" như đề xuất của TS Nguyễn Thị Hồng Minh đưa ra trong cuộc họp mới đây khi đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất (muối i-ốt, sắt, kẽm) vào trong chế biến thực phẩm gây ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, mới thấy sức "chịu đựng" của họ thật phi thường.

Theo bà Hồng Minh, sự bất cập, thiếu tính khả thi của các quy định liên quan nói trên khi ban hành Nghị định 09 đã sớm được doanh nghiệp phản ánh lên Chính phủ thông qua nhiều cuộc họp liên ngành, kéo dài gần hai năm qua.

"Thay vì cần có nghiên cứu khảo sát mang tính quy chuẩn quốc gia để xác định các vùng, miền, độ tuổi người dân nào trong cả nước đang thiếu i-ốt, hoặc vi chất để cân bằng bổ sung vào thực phẩm sử dụng hàng ngày, thì quy định của Bộ Y tế lại mang tính bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải áp dụng thực hiện", bà Hồng Minh bức xúc nói.

Còn đại diện Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm VN (Vifon) lại cho rằng, trước khi ban hành các quy định gây tranh cãi nói trên, Nhà nước đã có những chính sách sản xuất các viên nén bổ sung sắt, kẽm để phân bổ ở nhiều địa phương theo quy định.

"Tôi thắc mắc sao không dùng các sản phẩm này để khuyến khích những thành phần thiếu các vi chất nói trên để bổ sung, mà bắt doanh nghiệp phải bỏ vào trong sản phẩm? Nếu cơ quan chức năng kiểm tra lấy mẫu của Vifon sau vài tháng sản phẩm khi đưa ra thị trường, tự dưng i-ốt mất đi (do bay hơi tự nhiên - PV) thì doanh nghiệp lại bị "khép" vào tội làm ăn gian dối, lừa đảo người tiêu dùng. Ai sẽ minh oan cho doanh nghiệp?", vị đại diện này lo lắng bày tỏ.

Còn với ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty Vissan, "vì tính cấp bách, sống còn của doanh nghiệp", không chỉ khẩn cấp yêu cầu Bộ Y tế phải thay đổi nhanh những bất cập mà doanh nghiệp đã phản ánh từ rất lâu, ông An còn đề nghị "cần đấu tranh tới nơi để làm sao bỏ hẳn quy định này".

Cần quy định rõ ràng, minh bạch

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, dù tháng 10-2017 Bộ Y tế có ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc "chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt", nhưng về cơ bản, công văn của Bộ chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, "chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng về những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp thực phẩm gặp phải trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường", bà Chi nhấn mạnh.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu của công ty đều không yêu cầu phải bổ sung vi chất sắt và kẽm vào sản phẩm, nên cũng không chấp nhận các sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung vi chất sắt, kẽm. Còn doanh nghiệp trong nước cũng yêu cầu cung cấp sản phẩm không bổ sung vi chất vì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối của khách hàng.

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mìĐồng ý với quan điểm của bà Chi, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP)TP.HCM, thẳng thắn nhìn nhận việc Bộ Y tế cần ban hành một quy định rõ ràng, minh bạch nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nói trên, "không chỉ giúp cơ quan quản lý mà còn giúp cả doanh nghiệp không phải thực hiện theo kiểu đối phó với cơ quan kiểm tra".

Theo bà Phong Lan, một trong những giải pháp tháo gỡ nhanh chóng và hiệu quả nhất là chỉ cần bổ sung phụ lục của điểm cần sửa đổi vào Nghị định 09 là đủ cho tất cả mọi thành phần có liên quan thực hiện.

Trong khi đó, để đảm bảo hài hòa việc người dân nhận được đầy đủ dưỡng chất, mà không gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung, bà Chi đề xuất Bộ Y tế chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì phải yêu cầu bắt buộc, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19, cũng như lồng ghép việc tăng cường vi chất dinh dưỡng thông qua các chiến lược quốc gia khác.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên