12/12/2018 10:22 GMT+7

'Thế giới trong lòng đất' khiến giới khoa học sững sờ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - 'Thế giới trong lòng đất' là có thật, bao la và hùng vĩ hơn thế giới loài người. Chỉ có điều nó không như những gì chúng ta đọc trong tiểu thuyết.

Thế giới trong lòng đất khiến giới khoa học sững sờ - Ảnh 1.

Một dạng sinh vật lạ dưới mặt đất được phát hiện trong dự án - Ảnh: AFP

Nhân kỳ họp của Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ đang diễn ra từ ngày 10 đến 14-12 tại thành phố Washington, dự án Đài quan sát cacbon dưới lòng đất (Deep Carbon Observatory - DCO) gồm hơn 300 nhà khoa học từ 34 quốc gia đã công bố phát hiện chấn động về "thế giới sự sống dưới lòng đất".

Trong gần 10 năm qua, những bộ óc lỗi lạc nhất thế giới đã miệt mài khám phá sinh quyển hoang dã và kỳ lạ nằm giữa bề mặt và lõi của Trái đất, nơi trí tưởng tượng chỉ vẽ ra một thế giới buồn tẻ của đất đá, bóng tối, nhiệt độ và áp suất cao...

"Chúng không phải món đồ trang trí Giáng sinh, nhưng những quả banh và sợi kim tuyến bé xíu của lòng đất có thể trang trí cây thông Noel đẹp như pha lê Swarovski. Tại sao tự nhiên tạo ra sự sống dưới lòng đất đẹp đến vậy khi không có ánh sáng và gương soi?

Jesse Ausubel (nhà khoa học môi trường Đại học Rockefeller)

Kỳ quan trong lòng đất

Đó là một phát hiện gây sững sờ cộng đồng khoa học. Họ ước tính sinh khối của sự sống ẩn náu ngay dưới chân chúng ta vượt xa những gì trên bề mặt - 15-23 tỉ tấn cacbon, tức gấp 245-385 lần tổng sinh khối của toàn thể loài người.

''Thế giới trong lòng đất' do các nhà khoa học phát hiện - Video: YouTube Deep Carbon

Từ con tàu nghiên cứu Chikyu của Nhật Bản, mũi khoan sâu 2,5km từ đáy biển giúp các nhà khoa học nhìn thấy "những khu rừng" sự sống rộng mênh mông sâu trong lòng đất. Kết quả đó tương tự hàng trăm hố khoan khác họ đã thực hiện trên khắp thế giới.

"Thậm chí trong điều kiện khắc nghiệt và không ánh sáng, các hệ sinh thái vi sinh vật vẫn tiến hóa một cách độc đáo" - ông Fumio Inagaki, nhà địa vi sinh vật người Nhật tham gia dự án DCO, không giấu được sự hào hứng.

Trong các khu rừng đó, những sinh vật của nó đã sinh sôi trong hàng triệu năm qua. Chúng không ăn gì ngoài hấp thụ năng lượng từ đất đá, chuyển động hết sức chậm rãi, hoặc ở trạng thái như "thây ma".

Các dữ liệu thăm dò cho thấy sinh quyển dưới lòng đất trải rộng khoảng 2,3 tỉ km3, tức lớn gấp đôi thể tích toàn bộ đại dương trên bề mặt Trái đất. Theo phát hiện mới nhất của DCO, khoảng 70% vi khuẩn và cổ khuẩn của Trái đất sống trong thế giới đó.

Hiện tại, với những phương tiện sẵn có, con người chỉ mới ghi nhận sự sống ở độ sâu 5km dưới thềm lục địa và 10,5km dưới bề mặt đại dương. Một vài chủng loài như cổ khuẩn Geogemma barossii "làm tổ" ngay trong dòng thủy nhiệt dưới đáy biển, nơi nhiệt độ đạt đến 121oC!

"Sự sống dưới lòng đất có một tác động quan trọng đối với chu trình sinh địa hóa toàn cầu, do vậy ảnh hưởng đến thế giới bề mặt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hiểu hết tầm mức của tác động này" - tiến sĩ Kai-Uwe Hinrichs, Trung tâm khoa học môi trường biển thuộc Đại học Bremen (Đức), đưa ra nhận xét.

Từ Trái đất đến sao Hỏa

Thế giới trong lòng đất khiến giới khoa học sững sờ - Ảnh 4.

Hai loại vi sinh vật, cổ khuẩn màu đỏ và vi khuẩn màu xanh lá cây, phối hợp "bắt' khí mêtan từ các miệng núi lửa dưới đáy biển - Ảnh: Katrin Knittel/MPI Bremen

Nếu có hàng triệu chủng loài sinh vật chưa từng được biết sinh trưởng, tiến hóa trong bóng tối của vỏ Trái đất, điều đó có nghĩa ngành nghiên cứu đa dạng sinh học của con người chỉ mới cào trên lớp bề mặt, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Giới khoa học đang hết sức hào hứng. Hiểu được giới hạn của sự sống trên Trái đất sẽ giúp ích rất nhiều cho sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác, chẳng hạn như sao Hỏa.

"Những gì học ở đây sẽ giúp chúng tôi hiểu cần phải tìm kiếm cái gì trên các hành tinh khác" - nhà sinh vật và hải dương học Rick Colwell, Đại học bang Oregon (Mỹ), trả lời Hãng tin AFP của Pháp.

Quan trọng hơn hết, phát hiện mới thay đổi triệt để quan niệm của con người về sự sống trên Trái đất, về vị trí của chúng ta trong đó. 70% vi sinh vật dưới lòng đất có thể đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tiến hóa của bầu khí quyển, giữ lại khí CO2 để con người và sinh vật bên trên có thể hô hấp.

Đó cũng là manh mối giúp các nhà khoa học trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hi vọng về một ngày nào đó họ sẽ hoàn thiện được công nghệ thu gom cacbon trong bầu khí quyển, ngăn được hiện tượng Trái đất nóng lên.

Có tới 15-23 tỉ tấn vi sinh vật dưới mặt đất Có tới 15-23 tỉ tấn vi sinh vật dưới mặt đất

TTO - Nhóm các nhà khoa học toàn cầu phát hiện hệ sinh quyển bên dưới bề mặt Trái đất lớn gấp đôi các đại dương trên thế giới.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên