07/03/2022 10:56 GMT+7

Thế giới ngầm trên mạng xã hội - Kỳ 1: Dịch vụ 'bảo kê' trên Facebook

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Khi những mạng xã hội như Facebook ngày càng phổ biến thì không cá nhân, doanh nghiệp nào muốn mình bị bêu xấu trên đó. Nên nếu ngoài đời có giang hồ 'bảo kê' thì trên Facebook cũng có dịch vụ tấn công rồi 'bảo kê'.

Thế giới ngầm trên mạng xã hội  - Kỳ 1: Dịch vụ bảo kê trên Facebook - Ảnh 1.

Không phải ngẫu nhiên trên mạng xã hội thông tin nhiễu loạn. Vì nhiều người lên đó để kiếm tiền, bất chấp để có like, share hoặc dùng mọi thủ đoạn để thu lợi ích.

Một chuyên gia công nghệ thông tin tại Hà Nội

Các dịch vụ gỡ bài, tấn công những ý kiến không đúng ý hoặc "bảo kê" (hay "bảo trợ truyền thông" theo cách gọi hoa mỹ) đang ngày càng ăn nên làm ra...

Dịch vụ "bịt miệng" trên Facebook

Trải qua một thời gian dài với nhiều kênh tiếp xúc khác nhau, chúng tôi mới gặp được Danh (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) - một bạn trẻ 9X chuyên cung cấp các dịch vụ truyền thông trên Facebook. 

Nếu chỉ xem qua Facebook của Danh, chắc chắn nhiều người nghĩ rằng dịch vụ này rất đơn giản. Nhưng nhờ được khách hàng cũ của Danh giới thiệu, anh này tiết lộ có thể làm nhiều dịch vụ "cao cấp" như "bảo trợ truyền thông".

Hiểu nôm na, đây là dịch vụ nhằm đảm bảo các thông tin, hình ảnh liên quan đến một cá nhân, doanh nghiệp, thương hiệu luôn tốt đẹp. Các thông tin tiêu cực, hình ảnh xấu sẽ bị "tiêu diệt".

Dịch vụ này nghe thì đơn giản, nhưng gồm hai phần. Dễ là chạy quảng cáo, tăng like, view, tạo tích xanh, chăm sóc fanpage... Rất khó là kiểm soát các thông tin trên mạng có liên quan đến khách hàng, loại bỏ những thông tin tiêu cực. 

Vấn đề là bản thân Facebook không hỗ trợ việc làm ăn ngầm này nên họ tìm đủ cách tận dụng các thuật toán, chính sách của Facebook. Khó nên gói dịch vụ thường được thực hiện dạng hợp đồng theo năm với chi phí từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng, tùy độ khó. Có gói phức tạp được giới thiệu lại lên đến gần chục tỉ đồng.

"Những doanh nghiệp cần đến dịch vụ này thường là những tập đoàn lớn thường xuyên bị nhiều thông tin nhiễu loạn, hoặc những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề nhạy cảm như cho vay tài chính, bất động sản...", Danh tiết lộ.

Trực tiếp đàm phán để ký hợp đồng, Danh chia sẻ nguyên lý xóa bài viết bất lợi. Đầu tiên là cách khá nhiều người biết: report (báo cáo) bài viết vi phạm theo chính sách của Facebook để mạng xã hội này xóa.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp cho vay tiêu dùng có hoạt động đòi nợ thường nhận rất nhiều bức xúc từ "con nợ" và người thân. Họ có thể đem các bức xúc đó công khai lên trang cá nhân, các hội nhóm... 

Khi đó, dịch vụ "bảo kê" sẽ huy động "đội quân" gồm nhiều tài khoản của mình báo cáo với Facebook rằng nội dung bài viết vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng: xúc phạm danh dự, nói xấu thương hiệu...

Nếu tài khoản đăng bài có ảnh hưởng (tức sức lan tỏa thông tin rộng rãi) hoặc "ngoan cố" lặp đi lặp lại nhiều lần, bị gỡ bài này lại đăng ngay bài khác, dịch vụ "bảo kê" sẽ tiến hành dịch vụ cao cấp hơn: RIP (Rest In Peace: nghĩa là an nghỉ) tài khoản - nghĩa là làm cho tài khoản, trang, nhóm Facebook "chết" vĩnh viễn.

Trong vai một người có nhu cầu thực hiện dịch vụ gỡ tin bài khỏi Facebook, chúng tôi được khảo sát một số "trụ sở" rất linh hoạt của các đơn vị, nhóm "chuyên gia" làm dịch vụ này. Khá nhiều cách làm với quảng bá độ chắc chắn khác nhau kèm chi phí không nhỏ.

Tại một cơ sở được đánh giá uy tín, Vinh - người đứng đầu nhóm - khẳng định chắc chắn sẽ RIP được. Ngồi bên máy tính, chỉ các trang Facebook "của tôi lấy được", Vinh tiết lộ quy trình của dân trong nghề: "Cách thực hiện "nguyên thủy" nhất là đi... đánh cắp tài khoản Facebook. 

Có nhiều phương pháp để có thể lấy mật khẩu, sau đó biến tài khoản người khác thành của mình. Tiếp theo sẽ đổi thông tin tài khoản đánh cắp giống hệt tài khoản cần RIP. Sau đó sẽ phải fake IP (giả mạo địa chỉ mạng) đến các quốc gia được Facebook "ưu ái" và tiến hành report (báo cáo) ngược chính chủ là giả mạo. 

Với hình thức report bài viết sẽ thực hiện thông qua các IP các nước được hỗ trợ và thông qua công cụ hỗ trợ của Facebook là Right Manager".

Mặc dù đảm bảo làm "uy tín, chất lượng", nhưng khi được hỏi kỹ về việc hoàn trả chi phí nếu không thành công, Vinh công nhận vẫn có tỉ lệ thất bại: "Bởi sự thành công hay thất bại nằm ở "sự ưu ái" của Facebook tại thời điểm đó và IP tại các nước được hỗ trợ cũng thay đổi liên tục"...

Tiền tỉ cho phí "bảo kê"

Theo tìm hiểu, trước khi một doanh nghiệp trở thành khách hàng của nơi cấp dịch vụ "bảo trợ truyền thông", nhiều vụ họ đã từng "chạm trán" với nhau, không chịu nổi đành hợp tác.

Như cách đây vài năm, có một tập đoàn lớn ở Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng mỗi khi ra mắt các sản phẩm mới. Những ý kiến chê bai liên tục xuất hiện trên hệ thống trang web, fanpage, nhóm do T. (ở TP.HCM) điều hành đã khiến doanh nghiệp nọ phải chủ động liên lạc với T..

Một hợp đồng "bảo trợ truyền thông" tiền tỉ được hai bên ký kết. Theo thỏa thuận, bất kỳ thông tin tiêu cực nào về sản phẩm cũng như tập đoàn sẽ không xuất hiện trên hệ thống "mạng lưới truyền thông" của T.. 

Đồng thời, T. sẽ giúp "tiêu diệt" thông tin tấn công doanh nghiệp chịu chi tiền cho mình trên Facebook. Cứ thế, mỗi năm tập đoàn này phải bỏ tiền tỉ để "mua" dịch vụ im lặng và giữ thông tin tốt đẹp từ T..

Với kinh nghiệm "chinh chiến" gần chục năm trên Facebook, Danh cho biết hiện đang có khá nhiều nhóm cung cấp dịch vụ "bảo trợ truyền thông". 

"Với sức ảnh hưởng lớn của Facebook, thương hiệu nào cũng muốn thêm tiếng thơm, bớt tiếng xấu trên mạng. Và đó chính là mảnh đất kiếm tiền màu mỡ cho loại dịch vụ này. Hệ thống mạng lưới truyền thông của dịch vụ càng lớn, họ càng kiếm được nhiều hợp đồng và tiền", D. nhận xét.

70,4 triệu

Đó là số người dùng Facebook ở VN, theo số liệu thống kê của We Are Social vào tháng 1-2022. Trong khi đó, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng Internet.

Không ít doanh nghiệp lớn phải chi tiền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, T. hiện đang sở hữu khá nhiều thương hiệu truyền thông trên mạng, rất nhiều fanpage, hội nhóm với lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn.

Đặc biệt, T. còn có mối quan hệ rất tốt với đông đảo những người nổi tiếng trên Facebook (hay còn gọi là KOLs). Họ có thể là diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, YouTuber, Facebooker, TikToker... có lượng người theo dõi lớn. "Đó là công trình xây dựng, kết nối gần 10 năm nay", T. "bật mí" về hệ thống mạng lưới của mình.

Giờ T. được ví như một "quyền lực đen" về sức ảnh hưởng truyền thông trên mạng, nhất là mạng xã hội Facebook. Nếu đo mức độ ảnh hưởng của thông tin chỉ dựa trên like, view, share (chia sẻ), bình luận thì hệ thống của T. có thể đẩy một thông điệp lan tỏa đến hàng triệu người dùng Facebook.

Khi đó, thông điệp tốt sẽ "lăngxê" cá nhân, doanh nghiệp, thương hiệu lên trời, và thông tin tiêu cực có thể "dìm chết" cả một chiến lược kinh doanh.

Vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay đang là khách hàng của dịch vụ "bảo trợ truyền thông" do T. cung cấp.

Nhiều dịch vụ "độc"

QD_DienThoaiDiDong_BanTre_Vincom_3 3(Read-Only)

Dịch vụ liên quan Facebook đang ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với số người sử dụng nền tảng này - Ảnh: Q.Đ.

Bên cạnh mục đích bảo vệ danh tiếng trên Facebook, dịch vụ "bảo trợ truyền thông" cũng có thể biến tướng thành phương thức tấn công đối thủ hoặc chỉ đơn giản là loại bỏ một "kẻ khó ưa" khỏi thế giới ảo.

Chẳng hạn, một cá nhân hoặc doanh nghiệp có thể thuê dịch vụ để nói xấu một đối thủ khác một cách khéo léo, hoặc thuê RIP một tài khoản, trang, nhóm không có lợi cho danh tiếng của mình...

Ngược lại, những người bị "tấn công" có thể thuê tiếp một bên dịch vụ khác mở khóa tài khoản, phục hồi tài khoản, gỡ bài và trả đũa ngược lại đối thủ. Tất cả chỉ đơn giản là dịch vụ và ai có tiền thì được phục vụ.

"Những dịch vụ có vẻ rời rạc, lẻ tẻ như vậy nhưng đơn giá thay đổi tùy thuộc vào độ khó và mối quan hệ. Con số này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/lần thực hiện", D. cho biết.

Gần một nửa người dùng mạng xã hội ở Đông Nam Á mất tiền vì Gần một nửa người dùng mạng xã hội ở Đông Nam Á mất tiền vì 'lừa tình' trên mạng

TTO - Trong khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ Tình nhân 14-2, hãng bảo mật mạng Kaspersky cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn trong việc tìm kiếm các mối quan hệ trên mạng, trong đó có rủi ro tài chính cần cảnh giác.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên