Nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề vì hậu quả dai dẳng của dịch COVID-19 và còn trầm trọng hơn vì cuộc xung đột tại Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Chiến dịch quân sự mà Tổng thống Nga Putin phát động ở Ukraine vào cuối tháng 2-2022 không chỉ thay đổi tình hình châu Âu vốn khá yên bình kể từ sau Thế chiến 2, mà còn có tác động dây chuyền tới toàn thế giới.
Xung đột tại Ukraine sẽ tới hồi kết?
Những chủ đề "ám ảnh" với nhiều quốc gia trong năm 2022 như lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng vọt, nguy cơ suy thoái kinh tế và mối đe dọa mất an ninh lương thực đã bộc lộ tất cả những sự phức tạp và thách thức mà các khuôn khổ và thể chế quốc tế hiện tại khó có thể quản lý tốt được nữa.
Thế giới đã biến đổi quá nhiều trong năm 2022. Trật tự quốc tế phân cực rõ nét khi các nước phương Tây trở nên "đoàn kết" hơn, tạo thành "mặt trận" thống nhất nhằm cô lập nước Nga cả về chính trị lẫn kinh tế. Khuynh hướng này tiếp tục không thay đổi trong năm 2023, khi hai bên đang dần thích nghi với cục diện thế giới mới.
Vấn đề là liệu hai bên có thể mở rộng được khu vực ảnh hưởng của mình trong năm 2023 hay không?
Nửa cuối năm 2023 sẽ được coi là thời điểm quyết định đối với xung đột tại Ukraine, khi bên nào thể hiện khả năng chịu đựng phí tổn của cuộc chiến tốt hơn. Dù kết quả thế nào thì một Liên minh châu Âu (EU) và một liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ rất khác về mặt cấu trúc và phương hướng trong thời gian tới.
Năm 2022 cũng là năm chứng kiến các chính sách kinh tế tiếp tục được định hình bởi các căng thẳng địa chính trị.
Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều này được biểu hiện không chỉ là căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan, mà còn là việc Washington gia tăng mở rộng các chính sách để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ quan trọng, đặc biệt là chất bán dẫn, cũng như việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp quan trọng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Điều này chắc chắn mở ra một giai đoạn mới trong quá trình toàn cầu hóa khi Mỹ nhận ra sự cần thiết của quan hệ đối tác mới với các quốc gia có cùng chí hướng.
Sự cạnh tranh chính trị nội bộ nước Mỹ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong thời gian tới vẫn không làm lu mờ được quan điểm đồng nhất giữa hai đảng trong việc tiếp tục thúc đẩy các chính sách cụ thể nhằm ngăn chặn Trung Quốc có được năng lực thay đổi trật tự quốc tế hiện thời.
Toàn cầu hóa từng giúp Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới sẽ dần khác đi và không còn thuận lợi trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình.
Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng gây ra nhiều thách thức đối với các quốc gia vừa và nhỏ vốn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2022. Tính dễ tổn thương của nền kinh tế, khả năng chống chọi kém trước các cú sốc toàn cầu, sự chèo kéo chính trị của các cường quốc, biến đổi khí hậu sẽ là những chủ điểm gây ảnh hưởng tới các quốc gia này trong năm 2023.
Kỳ vọng kiểm soát lạm phát
Nếu nhìn tổng thể năm 2022 từ gương chiếu hậu thì năm 2023 sẽ mang nhiều nét xám hơn đối với chính trị thế giới khi những vấn đề của năm nay vẫn chưa được giải quyết.
Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa có nhiều động lực bứt phá khi những trở lực lớn vẫn còn đó: xung đột Ukraine, dịch COVID-19 ở Trung Quốc, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn.
Kinh tế thế giới nói chung sẽ tăng trưởng thấp, xoay quanh mức 2% và được dự đoán sẽ tăng trưởng không đều khi châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, lạm phát trên toàn cầu kỳ vọng được khống chế trong năm 2023 khi những chính sách kiểm soát giá cả trong năm 2022 đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Khi chúng ta hướng tới năm 2023, các tiềm ẩn xung đột ở khắp các khu vực trên thế giới vẫn ngày càng phức tạp. Riêng tại châu Á, những điểm nóng vẫn chưa bao giờ hết nóng, thậm chí còn có thể tăng nhiệt khi các tiền lệ mới đã được tạo ra trong các hoạt động quân sự diễn ra xung quanh eo biển Đài Loan hay chương trình hạt nhân và thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ không hề giảm bớt khi mối quan hệ song phương không còn phụ thuộc vào ý chí đơn phương của bên nào. Trung Quốc đã và tiếp tục là đối thủ chiến lược của Mỹ dù cho Bắc Kinh có muốn hay không.
Năm 2023 cũng là một năm của những cột mốc hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào cuối năm 2022 đã thông qua thỏa thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Thế giới đã học được quá nhiều bài học trong năm 2022. Đó là niềm hy vọng cho năm 2023 tươi sáng hơn: biết rút kinh nghiệm từ một năm quá bất ổn.
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận