Vừa qua, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết nạn vẽ bậy trên các công trình công cộng, trong đó có áp dụng sơn chống dính.
Nhìn ra thế giới, nhiều giải pháp khoa học công nghệ đã và đang được các địa phương áp dụng để chống nạn vẽ bậy.
Chẳng hạn cuối tháng 12-2023 vừa qua, các nhà lập pháp thuộc bang Washington (Mỹ) đã đệ trình một dự luật cho phép áp dụng công nghệ mới có thể giúp chặn đứng những người vẽ bậy.
Cụ thể, các công cụ tiên tiến chống vẽ bậy có thể được sử dụng để phủ lên bề mặt của các bức tường hoặc bề mặt những cơ sở hạ tầng đường bộ nhằm ngăn chặn sơn xịt bám vào, hoặc giúp dễ lau chùi sơn so với điều kiện bình thường.
Tại Úc, chuyên gia từ Đại học Công nghệ Sydney cho hay một số đơn vị đang sản xuất những lớp phủ mới có chứa các công thức hóa học đặc trưng sẽ phản ứng với các liên kết thường có trong các loại sơn xịt dùng để vẽ graffiti.
Khi tiếp xúc với lớp sơn đặc biệt này, sơn graffiti sẽ sớm bay màu hoặc dễ lau chùi hơn rất nhiều.
Trong khi đó thành phố Chicago (Mỹ) thực hiện dự án xóa sổ hình vẽ graffiti theo cách khá hiệu quả. Các chuyên viên từ đội công nhân đường phố và vệ sinh công cộng của thành phố thường xuyên đi rà những khu vực bị vẽ bậy nhiều.
Đội đi trên những chiếc xe tải, dùng vòi nước phun dung dịch chứa baking soda và nước áp lực cao để xóa graffiti đã sơn trên gạch, đá. Trên các bề mặt gỗ hay kim loại khác, đội thêm vào một số khoáng chất khác, chẳng hạn dung dịch từ cam, quýt, để tăng hiệu suất xóa vết sơn graffiti.
Chỉ riêng trong năm 2018, các đội của thành phố Chicago đã xóa được đến 106.683 vụ vẽ hình bậy trên đường phố.
Tại thành phố Melbourne (Úc), lực lượng chức năng đã thí điểm sử dụng máy bay không người lái (drone) và công nghệ bản đồ nhiệt để truy vết những kẻ vẽ bậy trên phố. Công nghệ trước hết sẽ được thử nghiệm tại các khu vực giao thông công cộng như ga tàu hay trạm xe.
Các drone sử dụng bản đồ nhiệt sẽ thường xuyên truy vết và gửi những dữ liệu khả nghi nếu có người đang vẽ bậy về bộ phận giám sát.
Ông Chris Jeffery, trưởng nhóm giám sát và an ninh mạng Metro tại thành phố Melbourne, cho biết đội drone sẽ là một đội giám sát độc lập bổ trợ cho những tổ giám sát chuyên trách đã có. Khi các dữ liệu từ drone báo cáo có người vẽ bậy, nhóm giám sát có thể điều những chuyên viên của mình trực tiếp đến hiện trường hoặc phối hợp cùng cảnh sát bang Victoria.
Ông Chris Jeffery ước tính nạn vẽ bậy gây thiệt hại cho thành phố đến 10 triệu USD mỗi năm.
Sinh viên làm app chống vẽ bậy
Sinh viên Ajay Verma từ Học viện công nghệ Dundalk, Ireland vừa giành giải nhất một cuộc thi do chính quyền địa phương tổ chức nhằm tìm giải pháp chống lại nạn vẽ bậy.
Ajay Verma tạo ra một ứng dụng di động (app) cho phép cộng đồng gửi báo cáo đến cơ quan chức năng ngay lập tức nếu nhìn thấy những vụ vẽ bậy trên đường phố. Cơ quan chức năng cũng được hỗ trợ xác minh qua app, nếu chính xác sẽ nhanh chóng đến hiện trường có những biện pháp chế tài với người vi phạm.
Ông Joe McGuinness - giám đốc cơ quan dịch vụ công cộng tại Hội đồng quận Louth, Ireland - cho biết ứng dụng này có thể là một tiến bộ đáng kể trong nỗ lực chống vẽ bậy của chính quyền địa phương.
"Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, chúng tôi có thể tăng cường sự hợp tác giữa người dân và chính quyền, tạo ra kênh phản ứng nhanh chóng và chủ động hơn trong việc ngăn chặn và xóa bỏ hình vẽ bậy", ông Joe McGuinness nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận