Cảnh trong Mad World - Ảnh: OAFF |
Tối 11-3 tại ABC Hall - Osaka (Nhật Bản) đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải liên hoan phim châu Á Osaka lần thứ 11 sau 9 ngày diễn ra liên hoan (từ 3 đến 12-3).
Phim Việt duy nhất ở OAFF khiến khán giả bật cười
Bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân là phim Việt duy nhất tham dự OAFF trong khuôn khổ hạng mục New Action! Southeast Asia. Tấm Cám - Chuyện chưa kể có hai suất chiếu trong liên hoan phim này, suất chiếu thứ hai chiều 10-3, PV Tuổi Trẻ có mặt và nhận thấy phòng chiếu khá lớn nhưng chỉ có chừng hơn 30 khán giả. Một số ít trong đó là khán giả Việt.
Khán giả Nhật nổi tiếng là rất lịch sự khi xem phim, rạp phim gần như không một tiếng động từ khán giả trong suốt thời gian chiếu, và họ chỉ đứng lên khi màn hình đã chiếu xong credit.
Buổi xem Tấm Cám - chuyện chưa kể cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, khi đoạn phim các công chúa đến ra mắt Thái tử (Isaac đóng), có cả công chúa xứ Phù Tang. Khi công chúa Phù Tang xuất hiện cùng lời giới thiệu vang lên, trong rạp bật lên những tiếng cười ngạc nhiên, và khi công chúa Phù Tang cũng bị Thái tử từ chối không cho làm Thái tử phi, thì tiếng cười khẽ lại rộ lên...
Còn cô Yoko Maruyama - một trong những người tham gia tuyển phim cho OAFF thì bảo nếu như năm ngoái cô rất thích Em là bà nội của anh thì năm nay Tấm Cám - Chuyện chưa kể làm cô cảm thấy khá hoang mang vì không hiểu lắm ẩn dụ của câu chuyện "... và nhất là tôi không biết phim thuộc thể loại gì, tình cảm hay thần thoại hay hành động hay viễn tưởng vì cái gì cũng có một ít!"
Chúng tôi rất bất ngờ về chất lượng và số lượng phim của OAFF năm nay. Nếu như những năm trước, một nửa số phim dự OAFF là do tôi tự phát hiện thì năm nay hơn một nửa số phim tham gia lại do các đạo diễn, nhà sản xuất... tự gửi tới OAFF! |
Teruoka Sozo - giám đốc tuyển phim OAFF |
Xem phim trong những rạp phim nhỏ
Năm nay, liên hoan phim châu Á Osaka (OAFF) thiết kế 9 hạng mục, hạng mục phim dự thi chính thức là hạng mục quan trọng nhất với 16 phim đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (mỗi nước một phim), Philippines (3 phim), Thái Lan (hai phim) và Hong Kong nhiều nhất với 5 phim dự thi.
Ngoài ra, OAFF còn có các hạng mục khác như Special Screenings với 7 phim, In & out of work với 6 phim, New Action! Southeast Asia với 11 phim, Special Focus on Hong Kong 2017 với 6 phim Hong Kong, nhân kỷ niệm 130 năm quan hệ ngoại giao Thái Lan - Nhật Bản, hạng mục Thai Film Promotion được thiết kế riêng cho dịp này, Indie forum (diễn đàn phim độc lập) có 12 phim và chương trình hỗ trợ của quỹ văn hoá Housen giới thiệu 6 phim từ hoạt động của OAFF mà nhận được hỗ trợ từ quỹ này để hoàn thành phim.
Các buổi chiếu phim của OAFF được bán vé, poster OAFF còn có trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên các rạp chiếu phim lại nằm ở các trung tâm văn hoá nhỏ, không phải là hệ thống rạp phim thương mại lớn. Chất lượng rạp chiếu khá... nghèo nàn nếu so với các phòng chiếu phim hiện tại ở VN.
Tuy nhiên, đây là nỗ lực của những người tổ chức OAFF nhằm hướng tới các nhà làm phim trẻ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, mỗi năm tổ chức là tham vọng hiện diện khá đủ gương mặt điện ảnh của các nước để tạo nên bức tranh toàn cảnh điện ảnh châu Á đương đại. Ngoài ra, nói như ông Teruoka Sozo thì OAFF còn là cửa ngõ cho các phim Nhật Bản ra nước ngoài cũng như các phim nước ngoài vào thị trường điện ảnh Nhật.
Mad World - Thế giới điên là một bộ phim độc lập, phim kể về một người cha già làm nghề lái xe tải từ Hong Kong đến Trung Quốc đại lục, ông đón người con trai từ bệnh viện tâm thần về. Con trai ông là một chuyên gia phân tích tài chính nhưng mắc chứng rối loạn lưỡng cực trầm trọng. Người cha đưa con trai về nhà để mong muốn giúp con giải quyết được trạng thái tâm lý bất ổn đó. Cả hai cha con còn chung một sự hối hận vì tai nạn gây ra cái chết của người mẹ. Quá khứ đó đã khiến cho họ luôn căng thẳng thậm chí là tranh cãi ầm ĩ khi cùng chung sống trong căn hộ nhỏ bé. Khi thời gian trôi qua, họ nhận ra nỗi đau giữa hai người không phải là cuộc đối đầu duy nhất đang chờ họ, mà họ còn phải đối mặt với thế giới tàn nhẫn và không công bằng mà họ đang sống. Ngoài giải thưởng lớn, OAFF còn trao các giải thưởng: Most Promising Talent Award (Giải tài năng triển vọng nhất) cho nữ diễn viên trẻ người Malaysia: Fish Liew trong phim Sisterhood. Special Mention cho phim By the time it gets dark của đạo diễn Thái Lan Anocha Suwichakornpon. JAPAN CUTS Award cho phim Love and Goodbye and Hawaii của đạo diễn Nhật Matsumura Shingo. ABC Award cho phim Soul Mate của đạo diễn Hong Kong Derek Tsang Yakushi Pearl Award cho nữ diễn viên Philippines: Iza Calzado trong phim Bliss Osaka Asia Star Award cho nữ diễn viên võ thuật Hong Kong Huệ Anh Hồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận