Ngay hôm sau, tôi nhận được email của anh Trần Thắng, chủ tịch Viện Giáo dục văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ (IVCE), báo tin có nhiều bản đồ cổ về Trung Quốc do các nước phương Tây ấn hành từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đều vẽ lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giống như tấm bản đồ của TS Mai Hồng. Những tấm bản đồ này được lưu giữ tại một số thư viện và sưu tập tư nhân ở Hoa Kỳ, đang được hãng đấu giá eBay rao bán trên Internet. Anh cũng gửi thông tin này đến TS Nguyễn Nhã, chuyên gia nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi tiếp cận thông tin và hình ảnh các bản đồ do anh Trần Thắng cung cấp, TS Nguyễn Nhã và tôi đề nghị Trần Thắng rằng anh nên mua ngay một số bản đồ có giá trị sử liệu cao, có khả năng giúp ích cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tán thành ý kiến của chúng tôi, Trần Thắng tham gia đấu giá và đã mua được bảy tấm bản đồ cổ này. Đây là những tấm bản đồ thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc và của các nước láng giềng, do các nước phương Tây xuất bản trước và sau khi chính quyền Trung Quốc có những tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điểm giống nhau giữa các bản đồ này là phần lãnh thổ Trung Quốc được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng của Trung Quốc, luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Ngoài bảy tấm bản đồ đã mua, Trần Thắng còn cung cấp cho tôi thêm hình ảnh 14 bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có hai tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Việt Nam có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là tấm bản đồ A map a continent of the East Indies and C. in trong cuốn Geographer của H. Moll xuất bản ở châu Âu năm 1736 và tấm bản đồ General carte von Ostdien xuất bản ở Đức (chưa rõ năm).
Kể từ khi tấm bản đồ của TS Mai Hồng được công bố, không chỉ có anh Trần Thắng mà rất nhiều người Việt Nam đã thật sự quan tâm đến câu chuyện này. Trên mạng, mọi người bàn tán chuyện bản đồ hết sức sôi nổi. Ngay đến như diễn đàn webtretho vốn xưa nay chỉ là nơi các bà mẹ trao đổi với nhau chuyện kinh nghiệm nuôi dạy con cái, giữ gìn tổ ấm gia đình thì những ngày gần đây cũng bàn tán xôn xao về chuyện tấm bản đồ. Thế mới biết tấm lòng yêu nước của con dân nước Việt...
----------------
(*) Tiến sĩ lịch sử Trần Đức Anh Sơn là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Ông là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng nhằm sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu các nguồn tư liệu liên quan đến quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo trong lịch sử Việt Nam. Đề tài này được thực hiện từ đầu năm 2010 và đã được nghiệm thu vào tháng 12-2011. Với 56 tấm bản đồ đã sưu tầm được, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Anh Sơn đã kết luận: từ thế kỷ 16, người phương Tây đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam khi vẽ và ghi chú địa danh hai quần đảo này trên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận