Phóng to |
Thầy là Nguyễn Tuấn Anh - giảng viên khoa xã hội học Trường ĐH Khoa học Huế, đang thuê trọ tại căn nhà nhỏ trong hẻm 269 Bùi Thị Xuân (TP Huế).
Tốt nghiệp loại giỏi khoa xã hội học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, chàng cử nhân Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1982) quê Ninh Bình đã chọn cố đô Huế để thực hiện niềm đam mê “gánh chữ, gánh đời”.
Một ngày cuối năm 2007, thầy biết được hoàn cảnh của cậu SV C.Lâm (lớp K30, khoa xã hội học) bị mắc chứng tâm thần hoang tưởng khi mới bước sang năm 2 đại học. Lúc tỉnh lúc bệnh, chán nản trước sự chế giễu của các bạn, Lâm la cà khắp nơi.
Thương trò, thầy Tuấn Anh đi tìm gặp Lâm để động viên Lâm trở lại giảng đường.
Về trường một thời gian, căn bệnh của Lâm vẫn không thuyên giảm. Rồi thầy chủ động đưa Lâm về ở cùng để thuận lợi việc chăm sóc và chữa bệnh cho Lâm. Với nỗ lực hết mình của thầy, một thời gian sau Lâm lành bệnh. Hiện Lâm đã ra trường và đang làm trưởng đại diện một công ty thương mại tại TP.HCM.
“Mình biết ơn thầy nhiều lắm, thầy đã giúp mình từ một người bệnh trở thành SV bình thường. Mình không biết trả ơn thầy thế nào, chỉ biết cố gắng sống tốt để không phụ công ơn thầy đã cưu mang” - Lâm tâm sự.
Còn trường hợp SV T.Huỳnh, một cán bộ lớp do mê cá độ bóng đá, đánh đề đến nỗi lấy hết quỹ lớp, quỹ Đoàn lao vào cuộc chơi. Biết chuyện, thầy đã gặp và động viên Huỳnh từ bỏ cờ bạc, quay lại giảng đường. Với sự khuyên bảo của thầy, Huỳnh đã nhận ra sai lầm và bắt đầu tập trung vào học tập.
“Thầy Tuấn Anh không chỉ là thầy giáo mà còn là người anh cả, chăm lo cho SV từ bữa ăn đến việc học tập, rèn cho tụi mình ý thức hơn về bản thân và lối sống lành mạnh” - T.Huỳnh tâm sự.
Không riêng gì Lâm, Huỳnh, đến nay thầy Tuấn Anh đã cưu mang 17 SV cá biệt, gia đình khó khăn. Giờ nhiều học trò đã ra trường và ổn định công việc. Thầy không chỉ hỗ trợ các em phần nào trong cuộc sống xa nhà mà còn giúp các em định hướng để có lối sống lành mạnh hơn.
Suốt mấy năm nay căn nhà trọ của thầy cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều SV gặp khó khăn tìm đến. Hiện thầy đang cưu mang ba SV nghèo.
Để có thêm thu nhập cho thầy trò, sẵn có chút kinh nghiệm chạm khắc đồ mỹ nghệ, thầy Tuấn Anh tận dụng khoảng sân rộng trước nhà trọ, cứ mỗi chiều đến là thầy và trò lại đục đẽo những gốc tre thành các sản phẩm đẹp mắt rồi mang bán tại các đại lý quà lưu niệm. Cách đây hơn hai tháng, thầy Tuấn Anh đã mở một cửa hàng làm đồ mỹ nghệ từ gốc tre ngay cạnh khu trọ của mình.
“Mình muốn quảng bá thêm hình ảnh cây tre với bạn bè thế giới, đồng thời tạo thêm việc làm cho chính bản thân và SV. Khi cửa hàng hoạt động ổn định, mình sẽ nhận thêm những SV có hoàn cảnh khó khăn vào dạy nghề để các em có thêm thu nhập” - thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận