05/07/2015 06:00 GMT+7

Thấy gì sau kỳ thi THPT quốc gia?

Đ.TƯƠI - N.HÀ - M.VINH - T.TRANG - L.HỒNG - B.THƯ - C.MAI - M.KHANG -T.PHONG
Đ.TƯƠI - N.HÀ - M.VINH - T.TRANG - L.HỒNG - B.THƯ - C.MAI - M.KHANG -T.PHONG

TTO - Giảm nhiều áp lực là ý kiến các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh lẫn thí sinh. Song vẫn còn đó một số vấn đề cần hoàn thiện hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trước đây mùa tuyển sinh trôi qua với “bốn thi”: thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất: THPT Quốc gia.

Ngay khi môn thi cuối cùng kết thúc vào chiều 4-7, phóng viên TTO đã ghi nhận được nhiều ý kiến.

Giảm nhiều chi phí, áp lực

Với nguyện vọng vào trường ĐH Công nghệ thông tin, thí sinh Nguyễn Trần Trọng Nhân (THPT Ngô Quyền, Đồng Nai) chia sẻ: “Em được lựa chọn trường sau khi biết điểm nên tránh được rủi ro, dù có thể không vào được trường mình muốn nhưng sẽ không sợ không có trường học”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Triều - cán bộ coi thi điểm trường THPT Gia Định (TP.HCM), kỳ thi năm nay có nhiều thuận lợi hơn vì không phải thi nhiều đợt, gom 3 đợt thi (tốt nghiệp, đại học: gồm 2 đợt nhỏ, cao đẳng) thành một nên áp lực giảm nhiều.

Bên cạnh đó, giờ thi có điều chỉnh trễ hơn tiện cho cán bộ coi thi và thí sinh trong việc di chuyển, nghỉ ngơi giữa các buổi thi. Lịch thi buổi sáng luôn là môn tự luận, buổi chiều là trắc nghiệm tạo tâm lý thi tốt hơn cho các em thí sinh.

Mặt khác, ngày trước, thí sinh phải di chuyển xa và di chuyển trong nhiều đợt, giờ đây không cần đi xa nữa.

Tuy nhiên, bà Triều cho rằng bất lợi duy nhất là các ngày thi dồn liên tiếp. “Với một kỳ mang tính chất quan trọng của 3 kỳ (tốt nghiệp, đại học, cao đẳng) mà lại thi liên tiếp khiến các em dễ bị đuối sức, mệt mỏi.

PGS. TS. Nguyễn Đức Hòa - Chủ tịch Hội đồng coi thi cụm thi ĐH Đà Lạt, nhận xét: Ngày xưa, một thí sinh chỉ dự thi được 2 khối. Bây giờ, thí sinh có thể tăng số khối mình mong muốn. Lúc trước, có thể thí sinh xác định sai khối thi làm trượt Đại học nhưng với việc có điểm thi trước rồi xét tuyển thì cánh cửa Đại học sẽ rộng hơn, đón nhận những học sinh có năng lực phù hợp với ngành.

Phụ huynh Nguyễn Thị Kim Thảo (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bày tỏ mong muốn các năm sau vẫn sẽ tiếp tục có những kỳ thi như thế này để tiết kiệm, an toàn.

Thí sinh kết thúc môn thi sinh học tại trường THPT Ngô Quyền (Thái Nguyên) - Ảnh: Quang Thế

Vẫn còn nhiều lo lắng

Theo PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền - Chủ tịch hội đồng thi THPT Quốc gia cụm thi ĐH Cần Thơ, năm nay, tỉ lệ thí sinh dự thi rất cao (hơn 98%). Tuy nhiên, số lượng thi sinh so với các năm trước chỉ bằng 1/4.

Ngược lại, tại cụm thi ĐH Đà Lạt, PGS. TS. Nguyễn Đức Hòa cho biết, tính chất kì thi chung này giống kỳ thi đại học nhưng quy mô tăng lên rất lớn vì vậy số cán bộ coi thi buộc phải huy động từ phổ thông và sinh viên cũng tăng lên.

Ông Hòa nhận định, những trường hợp cán bộ coi thi vi phạm trên cả nước đều rơi vào trường hợp là giáo viên phổ thông.

Nguyên nhân là do áp lực của kì thi làm giáo viên phổ thông choáng ngợp, kĩ năng coi thi ở bậc đại học và phổ thông là khác nhau đòi hỏi phải được tập huấn chuyên sâu hơn thay vì thời gian ngắn như năm nay. Nhiều cán bộ còn có thái độ coi thi chủ quan, thậm chí là trịch thượng đối với cán bộ coi thi là sinh viên.

Theo ông Hòa, điều khó khăn của hình thức thi này là phải làm sao để các em học sinh phát hiện được năng lực tiềm ẩn của chính mình, chọn môn thi, ngành học phù hợp. Như vậy thì chất lượng đầu vào tốt hơn.

Sắp tới, công tác cán bộ coi thi, cách tổ chức cụm thi phải được chú trọng hơn. Công tác coi thi là áp lực lớn nhất đối với mỗi trường đại học tổ chức thi.

Trước băn khoăn cấu trúc đề thi chỉ phân hóa được học sinh giỏi với học sinh trung bình-khá mà không phân hóa được học sinh trung bình và học sinh khá, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phân tích: Đề thi ra theo cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ đã công bố gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao.

Trong 60% và 40% đó không phải tất cả các câu đều dễ hoặc đều khó mà có phần giao thoa. Chính những câu hỏi này sẽ phân hóa những thí sinh có học lực trung bình và khá. Như vậy, sẽ không gây khó khăn cho việc tuyển sinh đại học và cao đẳng sắp tới.

Phụ huynh đứng chờ con thi dưới cái nắng ban trưa tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Mai Nguyễn

Về những trường hợp vi phạm ở cụm thi do các trường đại học chủ trì tăng cao so với cụm thi địa phương, ông Ga khẳng định, phương thức tổ chức, quy chế, mức độ nghiêm túc của hai loại cụm thi này không có gì khác biệt. Thí sinh bị kỉ luật đa số không phải là thí sinh phổ thông. Ở cụm địa phương, có khá ít thí sinh, vì vậy việc bố trí chỗ ngồi trong phòng thi càng đảm bảo.

Theo ông Ga, nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đều nhắc nhở các giám thị về việc ký tên nhầm. Nhưng thực tế, tình trạng này vẫn xảy ra. Sắp tới, Bộ sẽ ngiên cứu để đưa thẳng quy định này vào quy chế, nếu ký nhầm, giám thị sẽ bị xử lý để tránh những trường hợp đáng tiếc như của 29 thí sinh dự thi tại điểm thi Trường ĐH Yersin Đà Lạt năm nay.

Bộ sẽ tổng kết những việc được và chưa được

Trong buổi họp báo sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia vào chiều ngày 4-7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ GD-ĐT không có sự phân biệt giữa cụm địa phương và cụm ĐH chủ trì. Ở loại cụm thi nào cũng có sự tham gia phối hợp của các sở GD-ĐT và trường ĐH.

Tuy nhiên, ông Trinh nhận định: “Việc có nhiều thí sinh bị xử lý vi phạm ở các cụm do ĐH chủ trì cũng là điều dễ hiểu vì ở cụm thi ĐH chủ trì, thí sinh dự thi với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ, mức độ cạnh tranh nhiều hơn, nên khả năng thí sinh có hành vi gian lận nhiều hơn”.

Tại sao Bộ chọn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, rất vất vả cho TS và phụ huynh, đồng thời các trường ĐH cũng có ít thời gian để chấm thi? Ông Mai Văn Trinh nói: “Đúng là có những việc xảy ra ngoài dự tính của chúng ta.

Ví dụ như thời tiết nắng nóng, năm nay là nắng nóng rất bất thường, xảy ra trong vòng hơn 40 năm trở lại đây. Về việc có thay đổi lịch thi hay không, sau kỳ thi này, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các Sở GD&ĐT địa phương, các trường ĐH sẽ cùng bàn tính nhiều việc làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm”.

V.HÀ - T.HÀ

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Phụ huynh Nguyễn Thị Hoa

>> Phụ huynh Nguyễn Thị Bé Tám

>> Phụ huynh Nguyễn Thị Kim Thảo

>> Bà Nguyễn Thị Hoàng Triều

>> PGS. TS. Nguyễn Đức Hòa

>> PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hiền

>> Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Đ.TƯƠI - N.HÀ - M.VINH - T.TRANG - L.HỒNG - B.THƯ - C.MAI - M.KHANG -T.PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên