27/10/2017 08:01 GMT+7

Thấy gì qua bức thư hiếm hoi ông Kim gửi ông Tập

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Ông Kim Jong Un gửi thư chúc ông Tập Cận Bình đạt được "thành công vang dội" trong nhiệm kỳ mới giữa bối cảnh quan hệ Trung - Triều được đánh giá đang dần mai một.

Thấy gì qua bức thư hiếm hoi ông Kim gửi ông Tập - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) tiếp quan chức cấp cao Trung Quốc Lưu Vân Sơn trong chuyến thăm Triều Tiên của phái đoàn Trung Quốc hồi tháng 10-2015 - Ảnh: REUTERS

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 26-10 đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi thư chúc mừng tới ông Tập Cận Bình sau khi ông Tập tiếp tục giữ vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc sau Đại hội đảng lần thứ 19.

Đây được xem là một động thái hiếm hoi vì ông Kim Jong Un ít khi trực tiếp phát đi các thông điệp cá nhân.

Để lấy lòng Trung Quốc?

Trong thư, ông Kim Jong Un đã chúc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặt hái được "thành công vang dội" trong nhiệm kỳ mới trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

"Một điều chắc chắn là mối quan hệ giữa hai đảng và hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 26-10 trích một đoạn trong thư của ông Kim gửi ông Tập.

Ông Kim còn viết: "Người dân Trung Quốc đã và đang bước vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới dưới sự dẫn dắt của Ngài Tập".

Trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai diễn hôm 18-10, các nhà quan sát dự đoán Triều Tiên sẽ tiếp tục có các động thái khiêu khích để gây sự chú ý. Tuy nhiên, tiên đoán này đã sai.

Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa với tầm bắn có khả năng tấn công đảo Guam của Mỹ. Vụ thử diễn ra ngay trước lúc ông Tập Cận Bình phát biểu khai mạc diễn đàn "Vành đai và Con đường" ở Bắc Kinh.

Hôm 3-9, Bình Nhưỡng còn tiến hành một vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay, chỉ vài giờ trước khi ông Tập phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của khối BRICS ở TP Hạ Môn (Trung Quốc).

Tuy nhiên, xuyên suốt khoảng thời gian Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng 19, Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào.

Thái độ đó có thể được lý giải như sau:

Thứ nhất, Đại hội Đảng 19 là một sự kiện lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tương lai Trung Quốc trong những năm tới. Bắc Kinh muốn dồn sự chú ý của thế giới vào sự kiện này. Nếu Triều Tiên ngang nhiên quấy rối, nước này có thể sẽ bị Bắc Kinh đáp trả mạnh tay.

Thứ hai, Trung Quốc đang trừng phạt nặng nề Triều Tiên cả hai chiều xuất - nhập khẩu. Do đó, Triều Tiên không thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian này có thể cũng để lấy lòng Trung Quốc, với mong muốn Bắc Kinh nhẹ tay hơn.

Trung Quốc hiện là đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên. Hơn 90% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters. Tuy nhiên, quan hệ hai nước được đánh giá đang dần mai một.

Vẫn bỏ ngỏ

Lá thư trên được tiết lộ chỉ một ngày sau khi Trung Quốc chính thức công bố danh sách các ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Ngoại trừ ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, 5 người còn lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều là những gương mặt mới.

Về mặt chính thức, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn thường xuyên gửi các thư từ ngoại giao cho nhau vào các dịp kỷ niệm hoặc bầu ban lãnh đạo của mỗi bên. Tuy nhiên, các thông điệp cá nhân của lãnh đạo mỗi bên là khá hiếm.

Giới phân tích cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định liệu quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang trở nên nồng ấm hay không.

Các thông điệp chúc mừng giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã là một chuyện gì đó xưa cũ. Và việc suy luận quá nhiều từ thông điệp này chỉ là sự phân tích mang tính một chiều. Đó là những gì cả hai nước thường làm và không có gì ngạc nhiên cả"

Giáo sư Yang Moo Jin ở ĐH Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul

 

Sau quốc khánh Triều Tiên ngày 9-9 vừa qua, Triều Tiên từng không thông tin liệu nước này đã nhận được điện mừng từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, vào thời điểm đó chỉ nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gửi điện chúc mừng.

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể thấy Triều Tiên ngày càng xa rời đồng minh truyền thống Trung Quốc và xích gần hơn với Nga giữa bối cảnh nước này bị bao vây "bốn phương tám hướng" bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo giáo sư Kim Han Kwon tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, sự kiện mà Triều Tiên sẽ lo ngại nhất sắp tới đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Trung Quốc vào tháng 11 năm nay. 

Đánh giá này là có căn cứ. Bởi lẽ, hiện Mỹ đang gây áp lực Trung Quốc để "bóp nghẹt" túi tiền của Triều Tiên và Bắc Kinh cũng bắt đầu thể hiện quyết tâm trừng phạt người láng giềng. 

Nếu trong cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump sắp tới, hai nước tiếp tục có các bước tiến trong quan hệ song phương, Bắc Kinh có thể sẽ "hi sinh" Bình Nhưỡng, mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng để lấy lòng Mỹ. Và viễn cảnh này là điều mà Triều Tiên không mong muốn.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên