20/11/2016 07:46 GMT+7

Thầy cô góp gạo nuôi trò mồ côi

THANH BA
THANH BA

TTO - Bao năm qua, hàng chục giáo viên xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã cùng nhau viết nên câu chuyện đẹp đầy tính nhân văn về tình thầy trò khiến người người ngợi ca.

Quần áo, sách vở được thầy cô ủng hộ, vận động giúp học trò mồ côi - Ảnh: Thanh Ba

Những học trò bỗng phút chốc côi cút giữa đời, con đường đến trường cheo leo vách núi của các em vì thế càng trở nên chông chênh hơn bao giờ hết. May mắn thay, các thầy cô giáo đã dang rộng vòng tay yêu thương, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nâng bước học trò mồ côi thoát cảnh đứt gánh con chữ.

Dựng chòi, xây nhà tình thương

Chọn cột mốc trung tâm huyện làm điểm xuất phát, chúng tôi vượt 25 cây số với 1/3 quãng đường là đèo cao chênh vênh, suối sâu hiểm trở mới đến được điểm trường tiểu học Trà Cang, nơi mà đồng bào Ca Dong nơi rẻo cao Ngọc Linh thường kháo nhau: “Trường là nhà trẻ mồ côi, thầy cô là cha mẹ”.

Dừng chân bên vệ đường khi ngôi trường bé nhỏ tọa lạc tít tận trên đỉnh đồi dần hiện ra, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông mang dáng dấp thầy giáo đang khoác áo ấm cho một nhóm học trò khi trời đột ngột trở rét.

Không sai, người đàn ông được bọn trẻ luôn miệng gọi “ba Đường, ba Đường” chính là thầy Lý Văn Đường, hiệu trưởng trường tiểu học Trà Cang. Còn đám học trò sau khi vận lên mình chiếc áo mùa đông ấm áp đã nở nụ cười giòn tan trong ngôi nhà tình thương ấy là những học trò không may lâm cảnh mồ côi.

Đưa mắt nhìn hết thảy hàng chục mái đầu trẻ một lượt, thầy Đường chia sẻ: “Toàn bộ các em đều mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hầu hết, vì cái nghèo cái đói siết chặt mà cha mẹ các em chọn cái chết để giải thoát bản thân. Nhà trường đưa về cưu mang, nuôi dưỡng. Từ hai, ba trường hợp được thầy cô nhận nuôi, đến nay mái ấm này là chỗ trú nắng che mưa của gần 30 em học sinh bất hạnh”.

Thầy Đường kể cách đây 3 năm, các thầy cô giáo phải dựng chòi cho học trò mồ côi ở tạm. Nhắc đến đây, khóe mắt của người thầy hơn 20 năm không quản nhọc nhằn gắn bó với nghiệp trồng người ở huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh bỗng rơm rớm.

“Đầu năm học 2013, khi mới về Trà Cang nhận công tác và đứng trước tình hình học trò vắng học đến mức báo động, tôi âm thầm băng rừng, vượt suối tới từng nóc để tìm hiểu nguyên nhân. Và chính bởi mồ côi, không nơi nương tựa phải bươn chải kiếm cơm là lí do các em ngậm ngùi bỏ lớp.

Sau khi tổ chức họp hội đồng, hết thảy giáo viên đều thống nhất đưa các em về nhận làm con nuôi của trường.

Hồi đó, tranh thủ trống tiết ở lớp, các thầy cô vào rừng sâu đốn hạ tre nứa, cành lá, vắt tiền túi mua từng mái tôn để dựng nên các mái chòi cho học trò tránh nắng che mưa”, thầy Đường bùi ngùi tâm sự.

Thầy Đường cho biết đầu năm học vừa qua đã vận động được mạnh thường quân ủng hộ hàng chục triệu đồng xây mái ấm tình thương khang trang cho các em.

Thầy Đường khoác áo ấm cho học trò trong ngôi nhà tình thương - Ảnh: Thanh Ba
Thầy Đường khoác áo ấm cho học trò trong ngôi nhà tình thương - Ảnh: Thanh Ba

Nhường cơm sẻ áo cho trò

Vậy là từ ngày được các thầy cô chẳng khác nào ông bụt, bà tiên giữa đời thường dang rộng vòng tay che chở, hàng chục học trò bất ngờ lâm cảnh mồ côi như quẳng đi nỗi lo đứt gánh con chữ. Không chỉ được thầy cô tạo dựng cho chỗ ở, tất tần tật từ miếng ăn cho đến quần áo mặc, tập sách tới trường…, các em cũng được “ba mẹ” trang bị.

Chính tình yêu thương vô bờ bến mà thầy cô giáo bao năm trời bám núi rừng gieo chữ mang đến đã phần nào xoa dịu nỗi mất mát cha mẹ của học trò côi cút ngay từ thuở bé thơ.

Đang lụi hụi chuẩn bị bữa cơm chiều cho nhóm học sinh đặc biệt trong ngôi nhà tình thương, cô Nguyễn Thị Thu (giáo viên trường tiểu học Trà Cang) vui vẻ cho hay: “Hằng tháng, mỗi thầy cô giáo trích tiền lương từ 30 - 50 nghìn đồng ủng hộ nhằm cải thiện bữa ăn với đầy đủ cá, rau…cho các cháu.

Quần áo các cháu mặc cũng từ sự vận động, kêu gọi của nhà trường từ dưới miền xuôi mang lên. Mùa hè, mỗi thầy cô lại tình nguyện đưa một em về nhà mình nhận chăm sóc. Chẳng biết tự bao giờ, chúng tôi xem học trò không may mồ côi như con cái mình đứt từng đoạn ruột sinh ra”.

Trong “tập hợp” trẻ mồ côi tại mái ấm của thầy cô nơi đây, có không ít trường hợp là anh em ruột thịt. Đơn cử như hai chị em Hồ Thị Điểu và Hồ Văn Nghêu.

Đặc biệt hơn là câu chuyện bốn anh em: Hồ Văn Lơm (lớp 9), Hồ Văn Lơn (lớp 7) và Hồ Văn Lẻo, Hồ Văn Lở (cùng học lớp 6). Ba mất sau khi lâm bệnh nặng vào năm 2007, 3 năm sau, người mẹ vì bất lực trong bước đường kiếm kế sinh nhai cũng đã tìm đến lá ngón tự tử. Từ đó, bốn anh em Lơm mặc nhiên trở thành trẻ mồ côi và được thầy cô nhận về chăm sóc từ những ngày đầu thầy Đường phát động phong trào “Con nuôi của trường”.

Nhắc đến hoàn cảnh éo le của gia đình, Lơm nghèn nghẹn: “Ngày mẹ mất, em học lớp 3, còn đứa em út mới 6 tuổi. Lúc ấy, em đã âm thầm bỏ học đi đốn củi đổi gạo nuôi các em. Nghe chuyện, mấy thầy cô thương tình nhận cả bốn anh em về lo chỗ ăn, chỗ ngủ và sắm quần áo, sách vở đến trường học chữ. Nếu không có các thầy cô cưu mang, không biết giờ này mấy anh em sẽ ra sao nữa”.

Ông Nguyễn Văn Xuân (phó Phòng giáo dục huyện Nam Trà My) cho biết: “Việc làm của giáo viên trường tiểu học Trà Cang được Phòng giáo dục và cấp trên đánh giá rất cao.

Chính hành động sẵn sàng bỏ tiền túi và không ngại vận động từ cộng đồng để nuôi học trò mồ côi của thầy cô đã góp phần ngăn ngừa tình trạng bỏ học.

Phòng giáo dục luôn lấy trường tiểu học Trà Cang làm gương và khuyến khích các trường khác trên địa bàn huyện học tập, noi theo”.

Các thầy cô giáo chẳng khác nào cha mẹ của học trò côi cút - Ảnh: Thanh Ba
Các thầy cô giáo chẳng khác nào cha mẹ của học trò côi cút - Ảnh: Thanh Ba
THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên