06/01/2016 10:04 GMT+7

Thất thoát hiện vật của Lầu Bảo Đại

PHAN SÔNG NGÂN (phansongngan@tuoitre.com.vn)
PHAN SÔNG NGÂN (phansongngan@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều hiện vật gốc của di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị “rơi rớt” qua các lần đổi chủ.

Núi Cảnh Long nơi có di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại đã được tỉnh Khánh Hòa giao cho nhà đầu tư làm dự án “Bảo Đại resort Nha Trang” - Ảnh: P.S.Ngân
Núi Cảnh Long nơi có di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại đã được tỉnh Khánh Hòa giao cho nhà đầu tư làm dự án “Bảo Đại resort Nha Trang” - Ảnh: P.S.Ngân

Số còn lại hiện vẫn chưa biết gửi vào đâu, bởi khu di tích này đã được giao cho nhà đầu tư làm resort, còn Bảo tàng Khánh Hòa thì không dám nhận những hiện vật nói trên.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, trong hồ sơ khoa học được lập năm 2001, khu di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại có hơn 22 bộ hiện vật gốc.

Tháng 8-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại và sau đó ra quyết định thu hồi hơn 13,6ha đất từ Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) đang quản lý di tích để giao lại cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà, thuộc Tập đoàn Hà Đô, thực hiện dự án Bảo Đại resort Nha Trang.

Sau khi dự án được khởi công xây dựng (tháng 8-2014), Sở VH-TT&DL Khánh Hòa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Khánh Việt bàn giao lại toàn bộ hiện vật gốc của di tích Lầu Bảo Đại cho Bảo tàng Khánh Hòa bảo quản, trưng bày.

Ngày 25-11-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn: “Yêu cầu Tổng công ty Khánh Việt bàn giao toàn bộ hiện vật gốc trong di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại cho Sở VH-TT&DL theo Luật di sản văn hóa”.

Hơn một tháng sau đó, tại cuộc họp với Bảo tàng Khánh Hòa và Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, phía Khánh Việt cho biết có một số bộ hiện vật gốc của di tích trong hồ sơ khoa học lập từ năm 2001 hiện không có.

Các hiện vật gốc đã mất gồm: một ghế inox mạ đồng trong biệt điện Nghinh Phong và hai bộ bàn ghế (bàn bằng gỗ và ghế inox mạ đồng) trong lầu Vọng Nguyệt. Theo đại diện Khánh Việt là “vào tháng 6-2002, Tổng công ty Khánh Việt nhận khu du lịch Bảo Đại từ Công ty Đầu tư phát triển thuộc Ban tài chính Tỉnh ủy Khánh Hòa đã không có các hiện vật vừa nêu”.

Số hiện vật gốc còn lại trong biệt điện Nghinh Phong đã được Khánh Việt chuyển lên khu du lịch Thác Giang Bay ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Số hiện vật gốc còn lại trong biệt điện Vọng Nguyệt đã được Khánh Việt giao lại cho Khánh Hà.

Thế nhưng khi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Triều Dương - tổng giám đốc Công ty Khánh Hà - lại cho biết: khi bàn giao di tích Lầu Bảo Đại, Khánh Việt chỉ bàn giao các tòa biệt thự, không bàn giao hiện vật trong biệt thự nên trong Lầu Bảo Đại không còn hiện vật của di tích.

Ngày 3-1-2016, ông Trần Khánh Hưởng - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đầu tư phát triển của Công ty Khánh Việt cho biết: Khánh Việt đã cho chuyển lại các hiện vật của di tích Lầu Bảo Đại từ Thác Giang Bay ở huyện miền núi Khánh Vĩnh đưa về để lại trong các biệt thự ở Lầu Bảo Đại.

“Tất cả hiện vật ấy chúng tôi đang nhờ Công ty CP đầu tư Khánh Hà bảo quản giùm để chờ bàn giao lại cho Sở VH-TT&DL Khánh Hòa”. Sở bàn giao cho bảo tàng. Thế nhưng hơn một năm sau khi có chỉ đạo “khẩn” của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc bàn giao các hiện vật gốc của di tích lịch sử văn hóa Lầu Bảo Đại, ngày 3-1, ông Lê Chí Hướng - giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa (đơn vị được sở giao tiếp nhận hiện vật) - cho biết đến nay bảo tàng chưa nhận lại các hiện vật.

“Muốn tiếp nhận thì phải có hội đồng giám định cổ vật quốc gia để giám định hiện vật có đúng là hiện vật gốc hay không rồi chúng tôi mới dám nhận” - ông Hướng giải thích.

Còn về việc quản lý các hiện vật, theo đại diện các cơ quan Bảo tàng Khánh Hòa và Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thì “hiện vật phải gắn với di tích lịch sử văn hóa đang tồn tại thì mới phát huy được các giá trị”.

Vì vậy, cả hai đơn vị vừa nêu và Khánh Việt đã cùng kiến nghị: Sau khi có kết quả giám định hiện vật, lập danh sách hiện vật còn lại, UBND tỉnh chỉ đạo Khánh Việt bàn giao hiện vật cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà để quản lý cả hiện vật lẫn kiến trúc của di tích Lầu Bảo Đại theo quy định của Luật di sản văn hóa”.

Tuy nhiên, sau khi có kiến nghị đó từ tháng 12-2014 đến nay, theo ông Hướng, vẫn chưa thấy Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh Khánh Hòa có chỉ đạo gì thêm.

Khu biệt điện Bảo Đại trên núi Cảnh Long bên vịnh Nha Trang ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vào tháng 10-1995.

Theo Tập đoàn Hà Đô thì hiện nay cả năm biệt thự cổ của khu di tích Lầu Bảo Đại, gồm Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng đều thuộc sở hữu của dự án Bảo Đại resort Nha Trang và nhà đầu tư sẽ cải tạo, gìn giữ và bảo tồn.

PHAN SÔNG NGÂN (phansongngan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên