06/12/2024 09:45 GMT+7

Thất bại của ông Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển nước này sau khi Thủ tướng Michel Barnier không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thất bại của ông Macron - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron - Ảnh: AFP

Thủ tướng Michel Barnier đã đệ đơn từ chức vào sáng 5-12 (giờ Pháp), chỉ một ngày sau khi chính phủ của ông bị lật đổ bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm - sự kiện chưa từng xảy ra trong hơn sáu thập niên qua. 

Sự kiện này đẩy nước Pháp vào giai đoạn bất ổn chính trị mới, giữa lúc nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức.

Chính phủ 3 tháng

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ hôm nay bắt đầu từ thế bế tắc chính trị khi vào mùa hè, Tổng thống Macron đã giải tán quốc hội để bầu lại. Nhưng sau cuộc bầu cử, không đảng nào giành được đa số ghế. Tình trạng này buộc chính phủ phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập, đặc biệt là phe cực hữu của bà Marine Le Pen, để duy trì quyền lực.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe cánh tả khởi xướng nhằm phản đối kế hoạch ngân sách thắt lưng buộc bụng cho năm tới. Trước đó Thủ tướng Barnier đã dùng quyền đặc biệt để thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội mà không cần quốc hội phê chuẩn, gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội.

Với sự ủng hộ quan trọng từ đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen, 331 trong tổng số 577 nghị sĩ quốc hội đã bỏ phiếu bãi nhiệm chính phủ. 

Đây là lần đầu tiên một Chính phủ Pháp bị lật đổ bởi bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962, khi chính phủ của Thủ tướng Georges Pompidou thất bại dưới thời tổng thống Charles de Gaulle. Chính phủ của ông Barnier cũng lập kỷ lục ngắn nhất trong lịch sử nền Đệ ngũ cộng hòa: chỉ tồn tại vỏn vẹn ba tháng.

Ông Barnier là thủ tướng thứ năm dưới thời Tổng thống Macron (nhậm chức năm 2017), với thời gian tại vị của mỗi thủ tướng ngày càng ngắn. Người kế nhiệm ông Barnier có thể đối mặt với nhiệm kỳ còn ngắn hơn. Theo nhiều nguồn tin từ AFP, Tổng thống Macron buộc phải bổ nhiệm thủ tướng mới trong vòng 24 giờ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Áp lực với ông Macron

Trước tình thế này, Tổng thống Macron đối mặt với thách thức lớn trong việc chọn người thay thế khi nhiệm kỳ của ông còn hơn hai năm. Một số đối thủ chính trị thậm chí kêu gọi ông từ chức. 

Phe đối lập không bỏ lỡ cơ hội để gây áp lực lên tổng thống. Bà Mathilde Panot, lãnh đạo phe cánh tả cấp tiến, kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị leo thang. 

"Chúng tôi kêu gọi ông Macron từ chức", bà tuyên bố. Trong khi đó bà Marine Le Pen khẳng định rằng sau khi thủ tướng mới được bổ nhiệm, đảng của bà sẽ "cho họ cơ hội làm việc" và hợp tác để xây dựng một ngân sách "đáp ứng lợi ích của tất cả mọi người".

Dù vậy số ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng mới hiện rất hạn chế. Các ứng cử viên nổi bật bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu và đồng minh trung dung của ông Macron, ông Francois Bayrou. Về phía cánh tả, cựu Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve là một ứng viên được cân nhắc.

Không chỉ đối mặt với áp lực chính trị, ông Macron còn phải đối phó với bất ổn kinh tế và làn sóng đình công trong khu vực công. Các công đoàn đã kêu gọi giáo viên, nhân viên kiểm soát không lưu và nhiều công chức khác đình công vào ngày 5-12 nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu.

Bà Le Pen đã chỉ trích ngân sách của ông Barnier là "bất công sâu sắc" đối với người dân Pháp. Ngân sách này bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỉ euro và tăng thuế, nhằm đối phó với mức thâm hụt hằng năm của Pháp dự kiến đạt 6,1% GDP, gấp đôi giới hạn của EU. 

Theo giới phân tích, bà Le Pen không chỉ nhắm vào ông Barnier mà còn nhằm vào ông Macron, người đã đánh bại bà trong hai kỳ bầu cử tổng thống. Bà Le Pen cùng các đồng minh đã nhiều lần kêu gọi tổng thống từ chức, cáo buộc ông là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn hiện tại.

Nhật báo Le Monde cho rằng động thái ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm của bà Le Pen có thể gây bất lợi cho chính bà, khi làm mất lòng các nhóm ủng hộ truyền thống như người về hưu và giới doanh nghiệp. Tờ Libération, một tờ báo cánh tả, đã gọi diễn biến hiện tại là "thất bại của Macron" trên trang nhất.

"Ông Macron đã mất hết tính chính danh" - ông Gérard Grunberg, nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po), nhận xét. Tuy nhiên ông Macron vẫn kiên định với nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2027 và bác bỏ khả năng từ chức.

Khủng hoảng chính trị tại Pháp không chỉ thử thách năng lực lãnh đạo của Tổng thống Macron mà còn phản ánh sự phân cực sâu sắc trong xã hội. Sự sụp đổ của chính phủ khiến tương lai chính trị của Pháp trở nên bất định hơn bao giờ hết, trong khi các thách thức kinh tế và xã hội tiếp tục đè nặng lên đất nước.

Thất bại của ông Macron - Ảnh 2.Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức

Chính phủ Pháp bị Quốc hội bất tín nhiệm; Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 5-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên