25/04/2012 07:17 GMT+7

Thấp thỏm sống dưới "quả bom" đất thải

Di chuyển ngay người dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Di chuyển ngay người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

TT - Khi vụ lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) vẫn chưa qua, chúng tôi tìm đến xã Phúc Hà (Thái Nguyên) - nơi hàng trăm hộ dân đang phải nép mình dưới núi đất thải khổng lồ của một mỏ than khác.

Người dân thấp thỏm vì lo sợ “kịch bản Phấn Mễ” lặp lại.

Dùng máy siêu âm tìm 5 nạn nhân vụ sạt lở

oS0Ww0fU.jpgPhóng to
Dọc 2km đường đã cắm biển nguy hiểm nhưng hằng ngày hàng trăm lượt người vẫn phải đi lại qua đây - Ảnh: Lâm Hoài

Bãi bùn đất thải khổng lồ nằm tại xã Phúc Hà là “sản phẩm” thải ra từ mỏ than Khánh Hòa (thuộc Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa). Theo người dân địa phương, mỏ này hoạt động từ năm 1967 và biến vùng quê vốn yên bình thành một đại công trường rầm rập, ô nhiễm ròng rã hàng chục năm nay.

Ăn ngủ không yên

Đứng cách hơn 1km từ đầu xã, bãi thải hiện lên to sừng sững bằng mấy ngọn núi.

Nhà bà Dương Thị Minh, xóm 8, xã Phúc Hà, nằm ngay dưới chân bãi thải. “Thỉnh thoảng nửa đêm cả nhà đang say giấc bỗng giật mình bởi đất đá lăn rầm rầm từ trên đỉnh dốc xuống mặt đường, xô đổ cả phên giậu, hỏng tường rào” - bà Minh cho biết. Cạnh nhà bà Minh là gần chục hộ khác mà cổng và nhà chỉ cách chân bãi thải chưa đầy chục mét. Ngoài ra, dọc suốt hơn 2km đường liên xã nối các thôn 8, 10, 6 cứ vài trăm mét lại xuất hiện tấm biển cảnh báo nguy hiểm. Thế nhưng, theo nhẩm tính của chúng tôi, có tới gần 100 hộ dân đang sinh sống ở lằn ranh nguy hiểm mong manh này.

Từng bị xử phạt do đổ thải vượt thiết kế

Theo ông Đoàn Văn Tuấn - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Thái Nguyên, trong tuần qua sở đã rà soát, kiểm tra 10 mỏ khai thác nguy hiểm trên toàn địa bàn tỉnh. Riêng mỏ than Khánh Hòa có hai bãi thải, bãi phía nam có sáu tầng đổ thải và bãi phía tây có ba tầng đổ thải. Được biết, thiết kế đổ thải của bãi than cao 150m, tuy nhiên thực tế bãi thải hiện nay đã cao tới 190m. Năm 2010, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh đã thanh tra phát hiện việc đổ lấp đất thải sai quy định và tiến hành phạt hành chính công ty 40 triệu đồng.

Chỉ tay vào bức tường đá trộn bêtông bao quanh nhà dựng lên chưa được lâu nhưng nhiều chỗ đã bị xô đổ, anh Phạm Ngọc Phúc, xóm 10, xã Phúc Hà, cho hay cứ vài bữa những tảng đá nặng mấy chục ký lại ầm ầm lăn xuống sát nhà. “Sau vụ tai nạn thương tâm ở mỏ Phấn Mễ, mấy hôm nay cả gia đình tôi ăn ngủ không yên, trong người lúc nào cũng hoang mang, thấp thỏm sợ tai họa ập xuống” - anh Phúc nói.

Đủ loại ô nhiễm

Anh Phúc cho hay trước đây bãi đất đá thải cách gần 1km, nhưng hai năm nay tốc độ đổ thải tăng chóng mặt, khoảng cách từ nhà anh tới chân bãi thải chỉ còn chưa đến... 100m. Ngoài hiện tượng đá lăn nguy hiểm, từ lâu giếng nước, vườn tược, nhà cửa của gia đình rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bụi than phủ đen một lớp dày. Theo anh Phúc, các xóm nằm dọc bãi thải đều chung tình trạng thiếu nước sinh hoạt, rất nhiều người già, trẻ con bị nhiễm bệnh đường hô hấp.

Tại xóm 3, xã Phúc Hà, vào tháng 3-2011, sau đợt nổ mìn khai vỉa của mỏ than, có tới hơn 20 hộ dân còn bị nứt tường nhà, vỡ mái ngói, tuy nhiên đến nay việc đền bù cho các hộ dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cũng tại xóm này, hơn một mẫu ruộng bị bùn than xâm thực phải bỏ hoang không thể cấy lúa.

Theo UBND xã Phúc Hà, trung bình mỗi năm bãi thải của mỏ than Khánh Hòa lấn dần vào đất nông nghiệp của người dân tới 30ha. Trước đây tổng diện tích cả đất ở và đất nông nghiệp toàn xã khoảng 600ha nhưng hiện chỉ còn hơn 350ha.

76wVtCXP.jpgPhóng to

Trạm y tế và Trường mầm non Phúc Hà đã được di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm - Ảnh: Lâm Hoài

Hàng nghìn người dân trong “bán kính chết”

Chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm tại mỏ than Phấn Mễ, đoàn kiểm tra gồm đại diện chính quyền địa phương, lực lượng chức năng TP Thái Nguyên và Công ty Than Khánh Hòa đã trực tiếp thực địa khu vực bãi đất thải tại xã Phúc Hà.

Đoàn kiểm tra xác định có tới 288 hộ dân sinh sống và một số công trình, trụ sở hành chính của địa phương nằm trong phạm vi 200m tính từ chân bãi thải. Trong số đó có 112 hộ nằm trong phạm vi từ 0-50m, 85 hộ dân sống trong phạm vi 50-100m, 25 hộ trong phạm vi 100-150m, 66 hộ trong phạm vi 150-200m. Ngoài ra còn có tám khu vực khác được xác định có nguy cơ mất an toàn. Đối chiếu với bán kính tàn phá tại vụ sạt lở ở mỏ than Phấn Mễ trước đó, nếu không may sạt lở xảy ra ở bãi Khánh Hòa sẽ có cả nghìn người hứng chịu tai nạn.

Tuy nhiên, tất cả hộ dân sinh sống liền kề chân bãi thải mà chúng tôi bắt gặp đều khẳng định từ trước tới nay chính quyền địa phương chưa hề nhắc nhở hay thông tin gì về tình trạng nguy hiểm của bãi thải của mỏ than Khánh Hòa cũng như đề cập việc di dời khỏi vùng nguy hiểm.

Ngay cả Trường mầm non Phúc Hà, nơi có tới 150 cháu bé đang học tập, cũng phải đợi tới khi bãi đất thải trôi sát chân tường và sau khi xảy ra vụ tai nạn tại mỏ Phấn Mễ mới được di dời tạm tới phòng Đoàn, Đội, y tế của trường tiểu học trong xã. Tuy nhiên, dù xa hơn trường cũ nhưng trường tiểu học này cũng nằm trong vùng nguy hiểm.

Đến chiều 24-4, chạy dọc tuyến đường liên xã Phúc Hà, chúng tôi vẫn chứng kiến khung cảnh công trường hoạt động như thường ngày, còn hàng trăm hộ dân tiếp tục thấp thỏm sống bên cạnh núi đất đá thải cao sừng sững.

Di chuyển ngay người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Chiều 24-4, ông Dương Ngọc Long - chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn ở mỏ than Phấn Mễ, tỉnh đã chỉ đạo tất cả các mỏ trên địa bàn rà soát lại quá trình quản lý, khai thác và thiết kế. Những điểm mỏ nào phát hiện nguy hiểm bắt buộc phải có biện pháp xử lý ngay. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Lao động - thương binh và xã hội lập đoàn trực tiếp kiểm tra tất cả điểm mỏ, tập trung vào những mỏ có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Tỉnh cũng chỉ đạo UBND TP, các huyện, thị xã phối hợp với đoàn kiểm tra tiến hành rà soát lại tất cả hộ dân cư ở trong vùng nguy hiểm. “Với những hộ dân xác định trong vùng đặc biệt nguy hiểm sẽ phải có phương án di chuyển ngay”, ông Long nói.

Riêng tại mỏ than Khánh Hòa, ông Long cho biết đã chỉ đạo địa phương di chuyển lập tức trường mầm non, trạm y tế xã ra khỏi khu vực, hiện nay đang tiếp tục quy hoạch một điểm mới để di chuyển tiếp trụ sở UBND xã. Thành phố cũng đang tích cực rà soát các hộ dân nơi đây để xem xét di dời khỏi vùng nguy hiểm ở khu vực bãi thải.

Di chuyển ngay người dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên