Phóng to |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN VĂN GIÀU |
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đều cho biết như vậy tại phiên họp ngày 18-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Lý giải việc lạm phát, tỉ giá diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định: giá cả thị trường những tháng cuối năm 2010 có xu hướng tăng do tác động của giá cả thị trường thế giới tăng. Ngoài ra, giá cả thị trường trong nước có biến động tăng do nhu cầu và sức mua trên thị trường tăng cao. Việc tăng lương tối thiểu, tăng tỉ giá, lãi suất và tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, nước sạch... cũng là những yếu tố tác động làm tăng giá.
Trong khi đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng lạm phát tăng cao, thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp đang cản trở phát triển kinh tế và đặt gánh nặng lên đời sống dân sinh.
Đi chợ như bị móc túi
"Lãi suất quá cao thì không thể làm ăn có lợi nhuận cao mà trả nợ, những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị tổn thương, và nó có thể gây đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế" |
Theo Ủy ban Kinh tế, CPI năm 2010 là 11,75%, cao hơn nhiều so với dự báo 8% mà Chính phủ đưa ra tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Như vậy, CPI cả năm đã tăng vượt ra ngoài mọi dự báo trước đó, mức tăng cao nhất thuộc nhóm giáo dục, dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Đây đều là những nhóm hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết không ít chuyên gia nhận định các chỉ số lạm phát được công bố chính thức vẫn thấp hơn thực tế.
Đồng tình với Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình khẳng định gần đây “giá vàng, giá USD tăng theo giờ. Đi chợ như bị móc túi”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay: “Dân vẫn hỏi chúng tôi rằng năm nào VN cũng tăng trưởng rất cao, nhưng đời sống chúng tôi không tăng theo kịp tăng trưởng đó, xin các vị trả lời?”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề: “Chúng ta vừa điều chỉnh chuẩn nghèo, hiện nay có 3,3 triệu hộ nghèo, 1,8 triệu hộ cận nghèo. Chính phủ nên đánh giá xem việc điều chỉnh tỉ giá lần này thì chuẩn nghèo vừa điều chỉnh có giá trị thực tế đến đâu”.
Chọn giải pháp tăng lãi suất
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay: “Tinh thần của nghị quyết này (nghị quyết đang được chuẩn bị - PV) là đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn để đối phó lạm phát, triệt để tiết kiệm chi tiêu, điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, chỉ đầu tư cho những công trình, dự án đặc biệt cần thiết... Chính phủ muốn đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ tới xã hội để kiềm chế lạm phát”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc “đảm bảo an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân” là một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên trong thời gian tới.
Để siết chặt chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ không sử dụng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vì nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế đang rất lớn. “Chúng tôi chọn giải pháp tăng lãi suất” - ông Giàu khẳng định. Ông cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất giảm tăng trưởng tín dụng xuống mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây (khống chế tối đa là 20%) để “các nhà sản xuất khi nhận được thông điệp này sẽ phải điều chỉnh sản xuất, điều chỉnh nhập khẩu”.
Lãi suất quá cao không thể làm ăn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định: “Lãi suất cho vay lên tới 17-18%/năm thì doanh nghiệp làm ăn lấy đâu ra lợi nhuận để trả nợ ngân hàng”. Nhìn từ góc cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: “Chi tiêu công chiếm tỉ trọng rất lớn, bây giờ nói siết chặt lại, vậy thì phải trả lời là bao nhiêu dự án, công trình phải dừng lại, nước ta có trở thành một nước ngổn ngang các công trình, dự án dang dở hay không?”.
Kết luận phiên họp, ông Kiên đề nghị Chính phủ trong tình trạng lạm phát lên cao phải hết sức chú ý đến an sinh xã hội, nhất là đời sống người nghèo. Cạnh đó phải rất thận trọng với chính sách tiền tệ, nhất là việc điều chỉnh tỉ giá và lãi suất ngân hàng.
Ngân hàng lãi to hơn dự kiến Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ năm 2010 sôi động, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt khá (Ngân hàng TMCP Ngoại thương tăng 21%, Ngân hàng TMCP Công thương tăng 48%...), số nộp ngân sách phát sinh vượt lớn so với đánh giá đã báo cáo Quốc hội. Cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn tăng 814 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương tăng 1.080 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương tăng 1.392 tỉ đồng... Số thu từ chênh lệch hoạt động thu chi Ngân hàng Nhà nước đạt 14.500 tỉ đồng, tăng 5.500 tỉ đồng so với dự toán và tăng 550 tỉ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Ngày 18-2, Ngân hàng Nhà nước VN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (bao gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần) báo cáo về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011, mức tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó tăng trưởng tín dụng bằng đồng VN và ngoại tệ, tăng trưởng tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn... Các ngân hàng thương mại cũng phải báo cáo về vốn điều lệ đến ngày 31-12-2010 và kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2011. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận