Thanh Ngoan là đào lệch nổi tiếng của sân khấu Chèo - Ảnh: NVCC
Đây là năm thứ 39 nghệ sĩ Thanh Ngoan gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam. Một mối duyên không thể tách lìa.
13 tuổi được Nhà hát Chèo Việt Nam tuyển, Thanh Ngoan rời Thái Bình lên Hà Nội học. Thời đó đi là biệt tăm, sáu tháng mới được về nhà một lần. Vào nhà hát là bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới.
"Nghệ sĩ Chèo phần lớn là từ các vùng quê về Hà Nội học tập, Thời đó chẳng có chỗ nào chơi, chúng tôi ai cũng học hành nghiêm túc lắm. Thỉnh thoảng tầng trên, tầng dưới hát đối nhau cho vui thôi.
Thế hệ chúng tôi may mắn vì được những người giỏi nhất dạy như thầy cô: Năm Ngũ, Bùi Trọng Đang, Lệ Hiền, Minh Lý, Xuân Mai, Dịu Hương… ", Thanh Ngoan kể.
Xuân Hoạch - Thanh Ngoan hát xẩm Sướng khổ vì chồng
Ngay từ những ngày đầu Thanh Ngoan đã rất ý thức học. Những giờ rảnh Thanh Ngoan chạy sang lớp các anh chị lớn học lỏm. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho chị sau này.
Điều khổ sở nhất vẫn là nỗi nhớ nhà. Sau này, mỗi lần về quê được cha mẹ đưa ra bến xe, Thanh Ngoan thường giữ lại cọng rơm từ gói xôi cha mẹ chị đưa, đặt vào một góc vali, để luôn có cảm giác cha mẹ ở bên mình.
Thắm thoắt đã 39 năm trôi qua. Từ một giọng ca được phát hiện ở nhà văn hóa xã, Thanh Ngoan đã trở thành một nghệ sĩ Chèo nổi tiếng và hiện chị đang giữ vai trò Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cống hiến trọn vẹn 39 năm tuổi đời cho nhà hát này.
Khu văn phòng của lãnh đạo nhà hát nằm lọt thỏm trong khu tập thể, xung quanh là các căn hộ phân cho các nghệ sĩ. Với Thanh Ngoan, nhà hát không chỉ là thánh đường mà còn là nhà, nơi chị chia sẻ nghề nghiệp, cuộc sống với các đồng nghiệp khác.
Phòng của Giám đốc Nhà hát Chèo Thanh Ngoan nằm trong khu tập thể của các nghệ sĩ chèo. Thanh Ngoan đã ở khu tập thể này mãi đến sau này mới chuyển đi. Với chị về nhà hát là về nhà - Ảnh: NGỌC DIỆP
Người phụ nữ liên tục dịch chuyển
Là lứa nghệ sĩ đầu được đào tạo chính quy, ra trường Thanh Ngoan gặp nhiều thuận lợi, nhưng thời gian này không kéo dài lâu. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu của khán giả thay đổi rất nhanh.
"Lớp tôi ra trường, các anh chị lớn vào đoàn giữ vốn cổ, còn tụi trẻ chúng tôi hợp thành đoàn thể nghiệm. Chúng tôi cũng chịu khó làm những vở mới như Hoàng hậu Ba Tư, Hoàng tử tai bò... Đôi khi thêm những ca khúc mùi mẫn như: Nỗi đau tình mẹ, Nước mắt tuổi thơ… Khán giả thấy mới nên vẫn rất thích".
Chèo làn thảm - Thanh Ngoan
Năm 1985, ra trường chưa được bao lâu Thanh Ngoan được thầy của mình là NSND Mạnh Tuấn mời tham gia CD Hề Chèo, một cơ hội lớn với người mới ra trường.
Ngoài Chèo, Thanh Ngoan còn học hát xẩm, hát văn. Vì biểu diễn tốt, có duyên sân khấu nên chị còn rất đắt sô nước ngoài. Có giai đoạn chị thường ăn Tết ở nước ngoài.
Thanh Ngoan cũng là gương mặt được các hãng băng đĩa rất quan tâm. Chị từng kết hợp với nghệ sĩ Khắc Tư làm đĩa hát Văn. Chị còn được mời làm riêng đĩa Tiếng hát Thanh Ngoan và đĩa hài Tấu Tấu Tấu…
Thanh Ngoan và Xuân Hinh là những nghệ sĩ dân gian đầu tiên bung ra làm sản phẩm băng đĩa. Sản phầm băng đĩa Hề đố đá, Chồng rượu vợ đề, Vợ chồng quán… của họ bán rất chạy.
"Lúc trẻ, có lời mời, được đi biết đây biết đó, có cát-sê là đi thôi. Tôi là người làm gần như không có ngày nghỉ. Sô lớn, sô nhỏ đều nhận. Nhiều năm tôi toàn ăn Tết ở nước ngoài.
Đến năm 1989 xây dựng gia đình, chồng tôi là người lo toan được, tôi cũng có nhiều sô nên cuộc sống cũng thoải mái".
Nhan sắc mặn mòi của Thanh Ngoan - Ảnh: NVCC
Hạnh phúc là biết chấp nhận
Đúng vào giai đoạn làm nghề tốt nhất thì chuyện gia đình lại gặp trục trặc. Thanh Ngoan là người hoạt động nghệ thuật, tính cách hướng ngoại. Trong khi chồng chị là một người hướng nội. Anh muốn chị ở nhà làm nội trợ nhiều hơn.
"Tôi đã từng trăn trở rất nhiều vì mình vẫn là phụ nữ truyền thống, muốn gia đình trọn vẹn, muốn con có bố. Có một thời gian dài đã đấu tranh tư tưởng nhưng cuối cùng vẫn đổ vỡ. Nhưng khi quan điểm sống khác nhau thì phải chia đôi đường".
Dù mạnh mẽ đến mấy thì quyết định này cũng khiến người phụ nữ cảm thấy như đứng giữa ngã ba đường. Thanh Ngoan đã chọn cách dồn toàn tâm toàn ý chăm sóc cậu con trai duy nhất và phát triển nghề.
"Chặng đường nghề của tôi không hẳn suôn sẻ như mọi người nghĩ đâu. Cũng đã có giai đoạn mình gặp bất công trong cuộc sống đã từng muốn bỏ nhà hát vào Nam lập nghiệp, nhưng suy nghĩ kĩ lại thôi.
Sau này tôi nhận ra, khó khăn mới tạo ra tôi bây giờ. Tôi cảm ơn những trở ngại trong cuộc sống đã tôi luyện nên tôi ngày nay".
Cô hàng nước - Thanh Ngoan - Mai Tuyết Hoa
Người đàn ông thứ hai bước vào cuộc đời Thanh Ngoan một cách bất ngờ. Anh trẻ hơn Thanh Ngoan sáu tuổi, chưa từng kết hôn. Anh đã đến với chị bằng tình cảm chân thành. Anh không chỉ chăm lo cho Thanh Ngoan mà con yêu thương con của chị.
Đến nhà Thanh Ngoan phỏng vấn thấy chồng chị đang cùng một người thợ ngồi sửa bộ dàn karaoke. Sửa xong, hai vợ chồng cùng hát thử một ca khúc.
"Anh ấy rất yêu âm nhạc, rất am hiểu nghề nghiệp của vợ và tôn trọng lựa chọn của tôi", Thanh Ngoan nói.
Thanh Ngoan nói đến tuổi này chị thấy những khó khăn, vấp váp trong đời là phần tất yếu của cuộc sống.
Thanh Ngoan cảm thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại - Ảnh: NGỌC DIỆP
Chẳng có gì khiến mình vui đến điên dại, hoặc buồn đến độ phải chết đi. Mình đã tự chiến thắng chính bản thân mình để điều hòa cuộc sống.
Nghệ sĩ Thanh Ngoan
Thanh Ngoan nói hồi trẻ chị cũng như những phụ nữ khác, nghĩ đến tình yêu là mong nó kéo dài mãi mãi. Còn bây giờ chị xác định không có cái gì là vĩnh cửu.
"Cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi. Những gì thuộc về mình là con người mình, là kiến thức thì mình có thể giữ. Những thứ ngoài thân như chồng, con cái thì không nên cố giữ. Cho nên tôi luôn sẵn sàng đón nhận yêu thương, kể cả sự không yêu thương cũng sẵn sàng chấp nhận.
Đến giờ tôi sống rất an nhiên, chẳng phải bằng mọi cách giữ hạnh phúc. Ai mà biết được ngày mai. Điều quan trọng là mình bằng lòng với ngày hôm nay, bằng lòng với cuộc sống gia đình. Được ở bên, được chăm sóc chồng con, được yêu thương, vậy là vui rồi".
Một biến cố khác xảy đến đã khiến người đàn bà bản lĩnh cảm thấy thấm thía nỗi đau. Cha của Thanh Ngoan đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh. Dù cả gia đình đã chăm lo cho ông rất tốt những ngày cuối đời, nhưng sự ra đi của ông là một mất mát lớn.
"Mất bố rồi tôi mới vỡ ra một điều, dù có vàng, có kim cương cũng chẳng lấy lại được bố. Bố mất năm năm rồi, mỗi khi nhớ đến ông tôi chỉ còn biết đóng cửa phòng khóc tu tu.
Tôi nghiệm ra rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là mối quan hệ giữa người với người, sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau".
Thanh Ngoan là ai?
Thanh Ngoan quê gốc Thái Bình
Được tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam năm 13 tuổi.
1985 tham gia CD Hề Chèo Mạnh Tuấn
Chị có đĩa riêng là Tiếng hát Thanh Ngoan và đĩa hài Tấu Tấu Tấu…
Thanh Ngoan và Xuân Hinh có Hề đố đá, Chồng rượu vợ đề, Vợ chồng quán
Hiện Thanh Ngoan là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận