10/09/2006 07:16 GMT+7

Giang hồ... phố cổ Hà Nội, nghe Thanh Ngoan hát xẩm

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Bạn đã nghe hát xẩm bao giờ chưa? Cái nghệ thuật của phố chợ, lề đường bình dân đến vậy mà lại quyến rũ đến không ngờ...

uaq1sKkk.jpgPhóng to
TT - Bạn đã nghe hát xẩm bao giờ chưa? Cái nghệ thuật của phố chợ, lề đường bình dân đến vậy mà lại quyến rũ đến không ngờ...

Báu vật sống

Cách đây có dễ đã hàng chục năm, trong một liên hoan trích đoạn chèo hay toàn quốc tổ chức ở Hoa Lư, Ninh Bình, cả một tuần lễ trên sân khấu rộn ràng những đào kép chèo trẻ trung xuân sắc nườm nượp thi tài, vào đêm cuối bỗng xuất hiện một bà lão “đặc” nông dân, như bước ra từ cổ tích Tấm Cám: nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bà cụ vấn khăn, mặc yếm áo cánh, quần đen, tay kéo nhị, răng đen nhưng nhức, khoan thai bước lên sân khấu, ngồi đĩnh đạc trên chiếc chiếu cói Ninh Bình nổi tiếng và cất tiếng hát... xẩm huê tình, như một tiết mục chào mừng.

Khán giả bất ngờ lặng ngắt, gần như tê điếng lòng dạ trước một cảnh tượng vô cùng hi hữu của nghệ thuật dân gian quê mùa, vốn là của những người hát rong khiếm thị trong những làng xã, chợ búa ngày xửa ngày xưa, hay trong những phố thị tỉnh lẻ, những lòng phố, con ngõ nhỏ nhoi của Hà Nội một thời đã quá xa xăm... Tiếng hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu quả thật độc đáo, sang sảng nội lực, lên bổng xuống trầm, khoan nhặt du dương, dìu dặt huê tình, khiến người nghe như muốn tan nát cả cõi lòng...

Kết thúc Hội chèo Ninh Bình, ấn tượng hát xẩm nghệ nhân Hà Thị Cầu, với tôi, hóa ra lại là khó phai nhất. Và quả nhiên, bà đúng là hiển thị rỡ ràng một thứ báu vật sống của văn hóa phi vật thể trong gia tài di sản văn hóa truyền khẩu độc đáo của người Việt. Tôi và nhiều người nghe hôm ấy đều không hẹn mà cùng ngỡ rằng, có lẽ sau bà, khó có nghệ sĩ nào có thể lặp lại được một thứ mã nghệ thuật gần như có một không hai này.

Lúng liếng là lúng liếng ơi...

Thế rồi có một cô đào chèo sáng giá của Nhà hát chèo VN cũng bị bất ngờ phải lòng cái nghệ thuật hát xẩm đặc biệt bình dân, cũng đặc biệt quyến rũ ấy của nghệ nhân Hà Thị Cầu, mà dốc lòng dốc chí khôi phục nghệ thuật hát xẩm và có gan đưa hát xẩm vào biểu diễn ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội, tháng 3-2006, khi Hà Nội mở một tuyến du lịch phố cổ, cho khách du lịch đi bộ dọc theo phố Hàng Đào lên tới chợ Đồng Xuân.

Má lúm đồng tiền, đôi mắt lá răm đen láy như ca dao miêu tả huê tình lúng liếng là lúng liếng ơi, cô đào chèo đầy bản lĩnh, nói theo cách Nam bộ là “gan cùng mình” này chính là NSƯT Thanh Ngoan, tuổi Bính Ngọ, 1966, cái tuổi không chịu khoanh tay ngồi chờ số phận đem điều may mắn đến cho mình, mà chỉ muốn phải tự tay lao động và tự tay gặt hái thành quả nghệ thuật.

Thanh Ngoan đang học đại học đạo diễn sân khấu tại chức năm thứ hai, ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Tôi được mời thỉnh giảng môn cơ sở văn hóa VN và lịch sử sân khấu VN đúng vào lớp của Ngoan, chỉ có hơn chục nghệ sĩ kịch, chèo, cải lương Hà Nội mà có đến quá nửa là “sao sân khấu” của các nhà hát, đoàn hát thủ đô: NSND Lê Khanh, NSƯT Thúy Ngần, Thúy Mùi, Chí Trung, Sĩ Tiến...

evSdnWuw.jpgPhóng to
Hai đào lệch Thanh Ngoan (trái) - Thúy Ngần và các bạn diễn trong CLB Sắc Việt - Ảnh tư liệu
Thanh Ngoan chăm chỉ ham học như Lê Khanh. Lạ nhất là Khanh rất mê xem Ngoan diễn chèo, nhất là các vai đào lệch. Tôi và nhà văn Hồ Anh Thái cũng mê như Khanh, mê nhất là những vai đào lẳng, đào lệch.

Thanh Ngoan tự nhận mình là một đào chèo may mắn, trời cho duyên sân khấu bẩm sinh, dẫu rằng cả gia đình cô, một gia đình nông dân vùng biển Thái Thụy, Thái Bình, không một ai theo nghiệp hát chèo. Ngôi làng của Ngoan cách bờ biển chừng 3km, Ngoan cười phá lên, tự nhận xét: “Vì thế da em mới ngăm ngăm cô ơi, mà em thì ăn sóng nói gió, lại lận đận tình duyên nữa. Lần đò thứ hai rồi. Nhưng số em có lẽ ăn về hậu vận, lần này xem ra xuôi chèo mát mái...”.

Tôi chẳng tiện hỏi thêm chuyện riêng của Ngoan, biết vậy để mừng cho cô có thể yêu mến nghệ thuật chèo toàn phần, theo đúng tính cách người mà cũng chính là tính cách nghề nghiệp mà cô có khả năng tự thức thật rõ ràng mạch lạc về mình: “Em yêu nghề diễn viên chèo hết mình, từ khi em là đứa con gái quê lúa Thái Bình khăn gói lên Hà Nội, được tuyển thẳng vào Nhà hát chèo từ năm 13 tuổi. 28 năm ở Hà Nội em chỉ ở Nhà hát chèo, không đứng núi này trông núi nọ, miệt mài học nghề từ các nghệ nhân nổi tiếng: Năm Ngũ, Dịu Hương, Minh Lý, Diễm Lộc. Lúc nào em cũng biết em đang ở đâu, em đang làm gì, em sẽ làm gì để phát triển nghề nghiệp của em. Em muốn trở thành một nghệ nhân chèo đa dạng, biết hát diễn chèo cổ, chèo cách tân, ca trù, chầu văn... Cách đây vài năm, em đâm đầu vào mê hát xẩm, và cô thấy đấy, em đã có riêng một sân khấu ở phố cổ dành riêng cho hát xẩm Hà Nội xen lẫn với một ít làn điệu chèo cổ, ca trù và hát văn...”.

Rồi Thanh Ngoan lúng liếng mắt hạt nhãn, má lúm, môi hồng, cô cất tiếng hát, đầy những nỗi niềm riêng...

Nhị tình em ở nhất tâm... / Sao anh lại ở với em nhị tình?

Đúng là trong cả cuộc đời nghệ thuật, Thanh Ngoan chỉ sợ nhất là người xem quay lưng ngoảnh mặt với chèo hoặc hiểu sai chèo, làm mất giá chèo, vốn được coi là một đồ cổ lành, một viên ngọc không tì vết, như thầy Trần Bảng của cô vẫn dạy. Ngoan ráng thi đỗ vào khoa đạo diễn, chỉ với ý định được làm nghề chèo một cách có học, được đọc sách “công cụ” để hiểu sâu về văn hóa dân gian, nguồn cội của sân khấu chèo. Không phải ngẫu nhiên, Thanh Ngoan đã cùng hai nghệ sĩ thành lập Câu lạc bộ Sắc Việt, với một không gian biểu diễn thính phòng ở 75 Hàng Bồ, chuyên biểu diễn chèo cổ, ca trù, chầu văn... đều đều vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và đã trụ vững gần hai năm, như một địa chỉ du lịch nghệ thuật hấp dẫn khách du lịch trong ngoài nước, nhất là những người Hà Nội xa xứ. Đợi cho đến chín muồi về thời gian nghiên cứu, cũng như nội lực biểu diễn (Thanh Ngoan có tài lôi kéo các bạn nghề cùng xắn tay áo làm nghệ thuật), tháng 8-2006 này Thanh Ngoan mới “xuất chiêu” hát xẩm và cùng với Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN thu ba CD: Năm cung chèo, Xẩm Hà Nội, Hát văn tuyển chọn. Dịp 2-9 vừa qua, Thanh Ngoan hân hoan khoe thêm VCD Hà Nội 36 phố phường mới ra mắt.

Theo “lúng liếng là lúng liếng ơi Thanh Ngoan”, chúng tôi thỉnh thoảng “giang hồ vặt”, từ phía nam thành phố, ngã tư Vọng, lên bờ hồ Hoàn Kiếm, gửi xe máy đầu phố Hàng Đào, lững thững đi dọc phố. Trước cửa chợ Đồng Xuân, 8 giờ tối, cô đào Thanh Ngoan rực rỡ xiêm áo đào chèo, yếm thắm, môi hồng, mắt liếc đong đưa, giọng hát mới tình tứ, đa đoan làm sao: Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn mẹ già em thương / Mẹ già một nắng hai sương / Chị đi một bước trăm đường chị lo... À, mà đấy mới chỉ là một làn điệu xẩm tầu điện thôi nhé, hay còn gọi là xẩm thập ân, xẩm chợ. Còn nhiều nữa. Đêm đầu thu Hà Nội, ta có thể đi chơi suốt đêm trong phố cổ mà bên tai vẫn còn nữa, văng vẳng các làn điệu xẩm da diết tình tự của những ngày xưa xa lắm, nào là xẩm ngâm (sa mạc, bồng mạc), xẩm xoan (chinh bong), xẩm ba bậc (xẩm nhả tơ), xẩm chợ và sau chót là xẩm huê tình... Theo mỗi bước đi thong thả của ta trong đêm sâu Hà Nội, những làn điệu xẩm ấy mới quấn quyện, quyến luyến làm sao.

Không tin, bạn cứ thử “giang hồ vặt” ra Hà Nội phố cổ một chuyến mà nghe Thanh Ngoan hát xẩm. Bạn sẽ phải lòng... hát xẩm Hà Nội cho coi!

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên