Nguyên tác của vở là kịch bản Sân khấu về khuya do cố nghệ sĩ nhân dân Năm Châu viết. Đây là vở diễn được dựng qua nhiều phiên bản trong suốt 60 năm qua. Nay Thành Lộc dàn dựng lại lấy tên là Giáng Hương.
Thành Lộc dựng Giáng Hương để tri ân tiền nhân
Thành Lộc làm lại vở diễn này như sự tôn vinh và tri ân dành tặng cho những tiền nhân trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trang fanpage Thiên Đăng viết: "Những người mà tinh thần của họ, tôn chỉ nghệ thuật của họ chính là ngọn đèn trời soi sáng cho những lớp hậu bối ngày nay".
Cố nghệ sĩ nhân dân Năm Châu được xem là bậc thầy trong lĩnh vực sân khấu. Ông là người chủ trương theo đuổi "sân khấu Thật và Đẹp.
Rất nhiều kịch bản của ông vẫn giữ được giá trị hôm nay và được rất nhiều hậu bối gìn giữ và nối tiếp".
Trong các buổi giao lưu, trò chuyện, nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết lúc nào cũng trân trọng nhắc nhớ đến những lời dạy nghề quý báu của "Ba Năm Châu", "Má Bảy Phùng Há".
Đạo diễn Hồng Dung, con gái nghệ sĩ Năm Châu, chia sẻ đây là kịch bản mà ba bà viết trước năm 1960.
Và từ đó đến nay, khi nhắc đến Sân khấu về khuya, người làm nghề vẫn luôn tâm đắc vì những ý tứ sâu xa mà ông Năm Châu gởi gắm trong kịch bản. Những trăn trở mà bất cứ ai mong muốn làm nghệ thuật chân chính đều đau đáu, day dứt.
Giáng Hương - vai để đời của "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga
Sân khấu về khuya nói về một gánh hát gặp khó khăn và đối diện nguy cơ rã gánh. Vợ chồng bầu gánh là Lĩnh Nam - Giáng Hương đã bên nhau mấy chục năm để tạo nên tên tuổi, thương hiệu trong làng sân khấu.
Rồi vì những chao đảo trong làn sóng mới, họ mâu thuẫn, giằng co giữa việc giữ gìn nghệ thuật hay chạy theo những thứ xa lạ để hy vọng chiều lòng thị hiếu.
Từ mâu thuẫn trong vở diễn mà tác giả đưa vào những cuộc tranh cãi nảy lửa. Và những cuộc tranh cãi đó 60 năm qua vẫn còn giá trị khi nghệ sĩ thời nào dường như cũng phải đấu tranh tư tưởng để được làm nghệ thuật đúng nghĩa.
Có nhiều bản dựng nhưng bản dựng Sân khấu về khuya trên sân khấu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được xem là bản dựng mà rất nhiều khán giả nhớ đến.
Đây là vở diễn ghi đậm dấu ấn của đôi nghệ sĩ Thành Được (vai Lĩnh Nam) và Thanh Nga (vai Giáng Hương). Với vai Giáng Hương, nghệ sĩ Thanh Nga đã vinh dự nhận giải xuất sắc của giải Thanh Tâm danh giá năm 1966.
Với tài sắc của mình, Thanh Nga đã khắc họa một Giáng Hương đầy nỗi niềm, đau đớn. Đoạn tranh cãi giữa Lĩnh Nam và Giáng Hương khi anh đòi dứt áo ra đi đến với Mỹ Tiên để xây dựng vở diễn theo trào lưu mới vẫn được người yêu cải lương chia sẻ như một lớp diễn xuất sắc.
Sau Thanh Nga, còn có những bản dựng với những cô đào khác vào vai Giáng Hương như Mỹ Châu, Phượng Liên…
Và giờ khán giả lại chờ đợi để được xem lại vở diễn rất hay và đòi hỏi nội lực cực kỳ lớn của từng nghệ sĩ trong từng vai diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận