Trong đó, vấn đề mà không ít người quan tâm và lo ngại là gần đây có quá nhiều cuộc thi sân khấu. Tuy nhiên, chất lượng gây tranh cãi và chưa phát huy được hiệu quả, cải thiện đời sống sàn diễn đang ngày một khó khăn.
Năm 2021 do vướng dịch bệnh nên 5-6 cuộc thi mang tầm quốc gia, quốc tế định kỳ bị "rớt" qua năm 2022. Năm 2023, không khí thi cử vẫn rất sôi nổi.
Đó là cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc, Tài năng diễn viên chèo toàn quốc, Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023, Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc, Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc...
Được giải như trên trời rơi xuống
Còn nhớ trước đây, làng cải lương có rất ít giải thưởng nhưng cực kỳ danh giá. Nổi bật là giải Thanh Tâm, do nhà báo Trần Tấn Quốc khởi xướng.
Tồn tại từ năm 1958 đến 1968 đã ghi dấu những tên tuổi nổi bật của sân khấu cải lương thời ấy cho đến cả ngày hôm nay như các nghệ sĩ Thanh Nga, Hùng Minh, Ngọc Giàu, Bích Sơn, Diệp Lang, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, Bảo Quốc, Tấn Tài, Thanh Nguyệt...
Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm là các nghệ sĩ, soạn giả, ký giả nổi tiếng và am hiểu nghề. Họ theo dõi suốt hoạt động của các đoàn và nghệ sĩ cả năm trời, sau đó cùng ngồi lại họp, bầu chọn và mỗi năm trao giải chỉ vài người thật sự xứng đáng.
NSND Bạch Tuyết đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963, năm 1965 đoạt tiếp diễn viên xuất sắc của giải này. Bà vui vẻ nhớ lại: "Giải Thanh Tâm người ta chú ý tài năng 60%, còn đạo đức là 40%. Người ta lặng lẽ theo dõi rồi xét chọn giải, chứ mình có biết gì đâu. Tới chừng hay tin cứ như trên trời rơi xuống".
NSND Lệ Thủy đoạt giải Thanh Tâm năm 1964, lúc đó mới 16 tuổi, mừng rớt nước mắt bởi năm đó chỉ có hai người lãnh giải là Thanh Sang và Lệ Thủy.
Một người được ghi nhận ở vai tì nữ (Lệ Thủy vai Tố Tâm trong vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài) và một người là kép lão (Thanh Sang vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long). Nghĩa là không cần vai chánh cũng có thể được ghi nhận tài năng.
Nghệ sĩ Lệ Thủy kể: "Hồi đó mấy ký giả đi coi sát sao lắm, rồi quan sát đời sống cá nhân coi mình có đạo đức không. Nhận giải xong, hợp đồng của tôi từ 600.000 đồng vọt lên tới 1,2 triệu. Được giải mình vừa có danh tiếng, các hãng dĩa mời nhiều và nhiều lợi lộc khác nữa. Mà giải này không có ai chạy chọt gì hết, tự người ta ghi nhận rồi người ta trao cho mình thôi".
Sau giải Thanh Tâm, năm 1991 Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp với báo Sân Khấu TP tổ chức 11 lần giải thưởng Trần Hữu Trang phát hiện thêm nhiều tài năng như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Cẩm Thu, Phương Hồng Thủy, Thanh Ngân, Vân Hà, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân...
Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang cũng đang kế thừa, hiện tổ chức 2 năm một lần và mong muốn tìm kiếm những tài năng trẻ thực sự cho làng cải lương tương lai.
Phải khôi phục hãy tính chuyện thi cử
Ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết những liên hoan, hội diễn sân khấu thời kỳ từ 1975 đến những năm 1990 thời gian tổ chức là 5 năm một lần. Lúc đó sân khấu có đời sống thật, huy chương có giá trị.
Những vở diễn đem đi thi là những vở hay nhất, có sức sống chứ không như bây giờ có những vở đi thi xong rồi về cất kho. Theo ông, điều tiếng thì dường như cuộc thi nào cũng có nhưng không ồn ào như bây giờ. Ngày xưa 5 năm thi một lần và 5 năm xét danh hiệu một lần nên người ta nỗ lực phấn đấu.
Giờ các cuộc thi rút xuống 3 năm tổ chức một lần. Mà trong 3 năm đó còn có đủ các cuộc thi, rồi liên hoan trích đoạn, tài năng trẻ, mỗi ngành, mỗi khu vực còn có cuộc thi riêng. Cũng là vai diễn, vở diễn đó nhưng đơn vị tổ chức khác nhau thì giá trị huy chương cũng khác nhau.
Đánh giá chất lượng huy chương bây giờ có nhiều bất cập nên cần phải có sự chỉnh đốn để các liên hoan phải có quy trình, khoảng cách về thời gian. Mật độ không thể dày như bây giờ.
Ngay cả xét phong danh hiệu cũng cần cân nhắc, chứ không sẽ trở thành dễ dãi. Trong quy chế xét danh hiệu, ngoài huy chương yêu cầu phải có cống hiến. Mà cống hiến cái gì khi đời sống sân khấu không có.
Tiêu chí cuối cùng cũng là huy chương vẫn trùm lấp lên. Với đà này rất dễ dẫn đến chuyện lạm phát huy chương, danh hiệu.
Ông Trần Ngọc Giàu trăn trở
Soạn giả Hoàng Song Việt kể năm 1995 tuồng của ông đi thi thì các nghệ sĩ Diệp Lang, Giang Châu, Diệu Hiền, Vũ Đức... dù là vai phụ, lão, hài nhưng vẫn được ghi nhận và trao huy chương. Sau đó, những vai dạng như thế này dường như không được coi trọng nữa.
Ông nhận thấy thường đào kép chánh 90% là được huy chương. Như vậy rất thiệt thòi cho những diễn viên sừng sỏ trong vai kép độc, lão, đào mụ, hài... có hay cỡ nào cũng không được huy chương.
Từ từ dẫn đến huy chương "non", huy chương không xứng đáng. Rồi lấy đó làm tiêu chí xét danh hiệu nên tiếp tục có những xì xào tiêu cực.
Cứ mỗi mùa liên hoan, hội diễn sân khấu người ta lại... choáng khi có quá nhiều huy chương được trao. Trước đây có huy chương vàng và huy chương bạc, giờ có cả huy chương đồng rồi vở diễn xuất sắc.
Sau mỗi cuộc thi cứ ồn ào mãi khi có những vở diễn bình thường bất ngờ trồi lên giải vàng, diễn viên diễn không nổi bật vẫn có huy chương... Tất cả những điều đó tạo nên hình ảnh không đẹp.
Trong khi liên hoan, hội diễn mục tiêu bao giờ cũng rất hay là đánh giá, tổng kết hoạt động sân khấu, định hướng, phát triển nguồn lực cho tương lai; nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu học tập lẫn nhau.
Thế nhưng, liên hoan bây giờ rất ít nghệ sĩ chịu khó xem nhau, khán giả cũng không quan tâm. Vì vậy, cần phải đặt vấn đề tổ chức liên hoan để làm gì?
Ở rất nhiều nhà hát và sân khấu hiện nay, việc sáng đèn rất khó khăn. Sức sống một vở diễn không cao. Diễn viên phải bươn chải với các loại hình khác chứ mấy ai sống được nhờ sàn diễn.
Ông Trần Ngọc Giàu thẳng thắn nói: "Quan trọng nhất là phải có chiến lược khôi phục lại đời sống sân khấu rồi mới tính tới các cuộc thi. Không thể để tình trạng quanh năm suốt tháng cứ dẫn nhau đi hội diễn.
Chúng ta cứ thử nhìn vào các cuộc thi cải lương lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương đi, cũng chỉ quẩn quanh những gương mặt đó. Nguồn thì không có mà cứ đua nhau đi thi hoài thì rất là đáng lo!".
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chia sẻ việc "dồn cục" các cuộc thi trong hai năm qua do vướng dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hiện đang cạn nguồn: "Nhìn con người, tiết mục các đơn vị cử đi thi cũng có bao nhiêu đó thôi. Chuyện cạn nguồn đang báo động và chúng ta phải nỗ lực xây dựng để tạo thế hệ kế thừa cho sân khấu tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận