05/01/2022 16:25 GMT+7

Thanh Hóa phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

TTXVN
TTXVN

TTO - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040.

Thanh Hóa phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ - Ảnh 1.

Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới

Kế hoạch này được UBND tỉnh xây dựng dựa vào các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học và các ngành có liên quan khác với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế từ UNESCO, Hội đồng Di sản Anh.

Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của khu di sản Thành nhà Hồ; đồng thời bảo vệ, bảo tồn và tăng cường giá trị nổi bật toàn cầu (OUV) của di sản. Từ đó, địa phương đưa ra phương pháp tiếp cận bền vững cho việc quản lý khu di tích trong tương lai, nhằm đạt được sự cân bằng giữa bảo tồn bản thân khu di sản với môi trường và cảnh quan văn hóa xung quanh, đặt nền móng cho sự phát triển du lịch một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có những hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục của khu di sản cho nhân dân địa phương và khách tham quan.

Trong các giai đoạn 2021-2025, 2025-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành những công việc cụ thể như:

- Xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đền thờ Trần Khát Chân bổ sung vào vùng đề cử;

- Điều tra nghiên cứu, khai quật La Thành, xây dựng hồ sơ bổ sung toàn bộ di tích La Thành để công nhận di tích quốc gia;

- Hoàn thành dự án cắm mốc; tiếp tục thực hiện các nhóm dự án thành phần số 1, số 2 làm cơ sở cho triển khai nhóm dự án số 3 trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015.

Đồng thời, tỉnh triển khai các nhóm dự án khai quật còn lại gồm: khai quật tiếp đường Hòe Nhai 12.500m2; khai quật xung quanh 4 cửa thành 5.000m2...

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội, tầm nhìn đến năm 2040, Thanh Hóa sẽ triển khai các dự án:

- Khôi phục các đoạn hào thành trên cơ sở các kết quả khai quật; khai quật đường Hoàng Gia;

- Bổ sung các tuyến đường ngang theo hướng đông - tây, trồng thêm cây xanh thân gỗ;

- Xây dựng khu vực đón tiếp khách thăm, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội, trưng bày và quản lý di sản ở ngã ba Kim Tân;

- Tổ chức không gian lưu trú, dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống trên tuyến đến núi Đốn Sơn...

Để thực hiện lượng công việc như trên, tỉnh sẽ ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết quản lý, nghiên cứu, bảo tồn với Trung tâm Di sản thế giới (WHC), tiến độ đầu tư các dự án trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận.

Để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thanh Hóa sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung cơ chế, chính sách và cập nhật các văn bản pháp luật mới trong Kế hoạch quản lý giai đoạn 2021-2025; đồng thời đưa ra các mức độ bảo vệ, bảo tồn và phát huy khác nhau giữa các vùng, đẩy mạnh triển khai các nội dung cam kết, các dự án trong các quyết định đã dự kiến giai đoạn thực hiện.

Tỉnh sẽ mở rộng không gian du lịch ra vùng đệm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tham quan và du lịch đặc thù, hướng tới phân khúc thị trường khách theo các nhóm gắn với nhu cầu tìm hiểu về di sản.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã có, di sản Thành nhà Hồ và vùng đệm được chia làm 5 vùng bảo vệ.

Trong đó, vùng 1 - vùng bảo vệ đặc biệt là vùng lõi của di sản, bao gồm 142,2ha Thành nhà Hồ (Thành Nội), La Thành (9ha) và khu vực Đàn tế Nam Giao (4,3ha); vùng 2 là các làng cổ cùng các di tích trên mặt đất bao gồm các làng Xuân Giai, Đông Môn, Tây Giai, phân bố gần các cổng phía nam, phía đông và phía tây Thành Nội, có diện tích tổng thể là 52,33ha…

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, quảng bá giá trị của di sản, Thanh Hóa sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các đơn vị, các cấp chính quyền và người dân cũng như xác định trách nhiệm phù hợp với thẩm quyền, chức năng của mỗi đơn vị, cấp chính quyền trong từng lĩnh vực.

Đồng thời, tỉnh tăng cường vai trò phối hợp giám sát, kiểm tra của các bộ, ngành có liên quan, đề cao sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040.

Được biết, thực hiện cam kết với UNESCO trong bảo tồn di sản, trong 10 năm kể từ khi di sản được vinh danh (2011-2021), tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho công tác khai quật khảo cổ và bảo tồn, chống xuống cấp di sản.

Trong các năm 2015, 2016, 2018, 2019, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành khai quật 12.000m2 di tích Hào thành phía nam, phía bắc, phía đông, phía tây; tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện nghiên cứu khai quật khu vực Chính điện Thành Nội và các khu vực xung quanh, nhằm dò tìm dấu tích kiến trúc Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu...

Cùng với công tác khai quật khảo cổ, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích: Đàn tế Nam Giao; chống thấm vòm cửa Nam; tu sửa cấp thiết tường thành đá phía đông bắc…

Thành nhà Hồ tọa lạc thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành nhà Hồ sau khi được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới năm 2011 đã được bảo vệ theo Công ước năm 1972 của UNESCO, Luật di sản văn hóa và các quy định hợp pháp khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa.

Phát hiện nhiều di vật quý tại di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ Phát hiện nhiều di vật quý tại di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

TTO - Trong quá trình khai quật khảo cổ học tại khu vực tường thành phía đông bắc của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) năm 2018, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật quý tại di sản này.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên